Phóng to |
Ngày ngày Trang giúp Châu tập vật lý trị liệu với hi vọng chồng sẽ cử động tay chân lại được - Ảnh: Đoàn Cường |
Có người khuyên Trang ra đi vì tương lai sẽ không là màu hồng. Nhưng Trang vẫn ở lại và cô đã viết nên một “câu chuyện cổ tích” tình yêu khi vừa là đôi chân - đôi tay của Châu, vừa là đôi mắt của người mẹ chồng mù lòa.
Những đêm trắng
Đại úy Nguyễn Công Hà - phó trưởng Công an P.Hòa Minh, Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng - cho biết sự hiếu thuận của Trang nổi tiếng ở phường này. Ngặt nỗi hoàn cảnh gia đình cơ cực quá. Hi vọng có đơn vị nào giúp chữa trị cho anh Châu để gia đình bớt khổ hơn. |
Năm 2010, Châu là anh thợ nề gặp Trang - cô công nhân dệt ở trọ gần nhà. “Thấy ảnh hiền hiền, ăn cục nói hòn, chân quê lắm chứ không giống người ở phố nên mến nhau từ đó” - Trang nhớ lại. Nào ngờ cuối năm đó, mối tình mới nhen nhóm được bốn tháng thì Châu bị tai nạn giao thông. 20 ngày trôi đi, Châu nằm bất động trên giường bệnh. Người mẹ mù lòa nước mắt luôn giàn giụa trên khuôn mặt héo hon.
Hôm bác sĩ bảo: “Chuẩn bị làm thủ tục cho cậu ấy về nhà đi”, người mẹ khuỵu hẳn xuống đất. Trang lúc đó cũng sụp đổ theo. Nhưng cô kịp trấn tĩnh, xốc vai mẹ dậy đi tìm bác sĩ van nài với một tia hi vọng còn nước còn tát... Nằm trên giường bệnh trong cảnh mạng sống như chỉ mành treo chuông, song có lẽ nghe được sự níu kéo thiết tha của hai người phụ nữ thân yêu, Châu dần dần tỉnh. Trang bỏ việc để có thời gian chăm sóc Châu. Cảm thương cảnh mẹ con mù lòa, bị nạn xóm giềng cũng thường lui tới để động viên.
Châu nằm viện chỉ ít ngày đã ngốn hàng chục triệu đồng. Số tiền gần 10 triệu dành dụm suốt bốn năm làm công nhân để chuẩn bị học nghề của Trang cũng ra đi theo những đơn thuốc chữa trị cho Châu. Thậm chí có lúc trong túi Trang không còn đủ 2.000 đồng gửi xe ở bệnh viện. Tháng lương gần 2 triệu đồng của bà Liệu cũng chẳng thấm tháp vào đâu.
Sau ca phẫu thuật ở cổ, nước đờm, nước dịch của Châu trào ra bốc mùi làm nhiều người e dè. Vậy nhưng cô gái trẻ vẫn luôn túc trực bên giường bệnh để lau chùi cho người yêu. Khi những cơn đau hành hạ, Châu rên la đau đớn, Trang lại ở bên để xoa bóp, động viên anh. Suốt ba tháng trời ròng rã thức trắng đêm bên Châu, Trang tiều tụy hẳn. Còn với Châu thì vừa yêu vừa mặc cảm nên có lúc Châu nghĩ “đau đớn thể xác, thương cho mẹ và Trang khiến tôi chẳng thiết sống”. Những lúc như vậy Trang lại động viên: “Số phận vậy rồi. Ở lại với mẹ, với em được ngày nào tốt ngày đó”...
Mơ được một lần chồng nắm tay
Suốt hai năm, Trang tình nguyện đến nhà chăm sóc Châu mà chẳng màng điều gì. Có người không hiểu việc Trang làm, lời ra tiếng vào. Bà Liệu buồn bã: “Tôi muốn làm đám cưới ra mắt cho hai đứa. Nhưng nghĩ mình mẹ thì mù, con tàn phế nào dám lên tiếng”. Rồi chính Trang quyết định về quê xin phép mẹ được lấy Châu làm chồng. Mới nghe, mẹ cô cũng sợ con gái sẽ khổ cả đời. Nhưng Trang vẫn nằng nặc vì đã trót thương người ta rồi. Mẹ Trang chỉ còn biết thở dài: “Mi làm chi thì làm, sướng hay khổ thì mi chịu chứ mẹ không theo mi được cả đời”.
Ngày 10-6-2012, đám cưới diễn ra. Thật ra đó chỉ là bữa cơm gia đình được tổ chức với vỏn vẹn ba mâm cơm. Nhà gái có mẹ cô dâu và ba người em, nhà trai cũng chỉ có chú, bác. Chú rể mặc áo trắng ngồi trên xe lăn. Cô dâu cũng giản dị với chiếc áo trắng (mượn của bạn), quần jean.
Mẹ Trang dặn dò: “Mẹ cản tụi bay vậy nhưng nhìn hoàn cảnh thằng Châu mẹ thương quá. Tính con hay nóng, bướng bỉnh, giờ có chồng rồi phải dịu dàng, đùm bọc nhau mà sống”. Nào ai biết để có cái đám cưới nhỏ ấy, bà Liệu phải đi vay của hội người mù 4 triệu đồng về tổ chức. Đám cưới đơn sơ, hình cưới, bạn bè cũng không. Song điều làm Trang cảm thấy hạnh phúc là cô đã chính thức là dâu con trong nhà. Từ ngày Châu tàn phế, Trang vẫn cùi cụi làm thay đôi chân, đôi tay của chồng, là ánh sáng dẫn đường cho mẹ. Vậy nhưng trong cô chưa bao giờ hết niềm tin. “Nhiều lúc nằm mơ tôi lại thấy chân tay chồng cử động được, cầm nắm tay tôi được” - Trang thổ lộ. Cô chia sẻ thêm: “Niềm an ủi, may mắn là tai nạn không cướp đi cái đầu của ảnh. Ảnh vẫn tỉnh táo, vẫn nói chuyện”.
Nhìn con, bà Liệu nghẹn giọng: “Không có Trang chắc thằng Châu chết rồi, còn đâu đến bữa ni. Ở đời vẫn còn có người tốt chi lạ”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận