18/10/2011 01:29 GMT+7

Đổi đời với KOTO

LƯU TRANG
LƯU TRANG

TT - Từ những thanh thiếu niên nghèo khó không thể theo nổi con đường học vấn, sau hai năm họ đã có trong tay một nghề khi đến với Trung tâm dạy nghề nhân đạo KOTO, dạy về nghiệp vụ nhà hàng, khách sạn.

Read this on Tuoitrenews.vn

b0ezRQJ8.jpgPhóng to
Nguyễn Thị Huyền Trang, học viên khóa 1 của KOTO Sài Gòn, thực tập tại nhà hàng KOTO - Ảnh: Lưu Trang

Cha đi biển, mẹ bán cá ở chợ, nhà có sáu anh em, thi rớt lớp 10 nên Phạm Văn Bình (16 tuổi, quê ở Thăng Bình, Quảng Nam) bỏ học. Được giới thiệu về KOTO Sài Gòn và mạnh dạn nộp đơn xin học, rồi vượt qua vòng thử thách của KOTO để gắn bó với ngôi nhà chung dành cho thanh thiếu niên khó khăn này.

Ngôi nhà mới

Ở KOTO, hằng ngày Bình được mẹ nuôi đánh thức lúc 5g30, cùng các anh chị em khác trong ngôi nhà chung trực nhật, làm vệ sinh nhà cửa. 6g, tập thể dục, chạy bộ hoặc đá banh. Ăn sáng xong, 8g Bình đạp xe đến trường. 9g được học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài. 12g ăn trưa. 13g30 học và thực hành về phục vụ nhà hàng, khách sạn đến 16g30 Bình về nhà, nấu và dọn cơm cùng anh chị em trong nhà và sinh hoạt, giải trí.

Buổi tối Bình được một học viên khóa 1 (khóa đầu tiên của KOTO Sài Gòn, hiện sắp ra trường), kèm cặp thêm môn tiếng Anh. Sau ba tháng ở KOTO, Bình đã có thể nói kha khá tiếng Anh và không còn thấy sợ khi phải xa nhà nữa. Mỗi tuần hai buổi em được dạy về kỹ năng sống. Cuối tuần có sinh hoạt ngoại khóa.

Cũng như Bình, rất nhiều học viên khác đã trưởng thành từ "lò" KOTO. Sau 18 tháng học và thực hành, các học viên sẽ được "đuổi" ra khỏi ngôi nhà chung để làm quen với cuộc sống tự lập bên ngoài. Tuy nhiên, các bạn vẫn được hỗ trợ một khoản tiền để tự trang trải tiền thuê nhà, ăn uống và đi lại trong kỳ thực tập. Đây cũng là hoạt động nằm trong chương trình đào tạo kỹ năng sống của KOTO.

Học thành người có kỹ năng

Học viên của KOTO là những thanh thiếu niên xuất thân là trẻ đường phố đánh giày, bán báo, sống vất vưởng trên đường phố hoặc từ những gia đình đặc biệt khó khăn, thất học. Đến với KOTO các em được học thêm về tin học, về giáo dục giới tính, sức khỏe và 36 kỹ năng sống cần thiết. Mỗi năm, mỗi học viên KOTO phải có 15 giờ tham gia các hoạt động xã hội.

Về quy trình tuyển lựa học viên, ông Lâm Viết Hùng - phó giám đốc Koto Sài Gòn - cho biết: “Các em chỉ cần biết đọc, viết và làm toán cộng trừ. Khi nhận hồ sơ của các em, chúng tôi phải tuyển lựa rất kỹ và tới tận địa phương tìm hiểu để có thể chọn được những học viên thật sự khó khăn, thật sự muốn học nghề này. Các em có một tháng rưỡi thử thách xem có thể quen với nhịp sống và học tập ở KOTO hay không và thường có khoảng 5% học viên không thể tiếp tục”.

Hiện nay KOTO Sài Gòn có gần 100 học viên, chia làm bốn lớp. Các học viên được tổ chức sống chung một nhà, có mẹ nuôi chăm sóc và hằng ngày đến trường như những đứa trẻ bình thường khác. Chương trình học kéo dài trong hai năm, trong đó có sáu tháng thực tập tại các nhà hàng, khách sạn trước khi học viên nhận được chứng chỉ quốc tế về nghiệp vụ nhà hàng khách sạn do Trường hướng nghiệp Box Hill (Úc) cấp. Nhà hàng KOTO tại 151A Hai Bà Trưng, Q.3, TP.HCM là nơi học viên thực tập và cũng là nơi kinh doanh để có nguồn thu phục vụ hoạt động dạy học của trung tâm.

Dành cho thanh thiếu niên khó khăn

KOTO được thành lập năm 1999 tại Hà Nội và có mặt tại TP.HCM từ tháng 1-2010, là một dự án xã hội hoạt động dưới mô hình một trung tâm dạy nghề và một nhà hàng phi lợi nhuận với cam kết: tất cả lợi nhuận sẽ được đầu tư cho hoạt động của trung tâm dạy nghề. Đối tượng được tuyển sinh tại KOTO là thanh thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn từ 16-22 tuổi, yêu thích nghiệp vụ nhà hàng, khách sạn. Mỗi năm KOTO tuyển sinh hai đợt, mỗi đợt tuyển 25-30 học viên.

Hiện nay KOTO Sài Gòn có 12 giáo viên Việt Nam và Úc làm việc chính thức tại trung tâm dạy nghề ở địa chỉ 829 Huỳnh Tấn Phát, quận 7, TP.HCM, cùng rất nhiều tình nguyện viên.

LƯU TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên