18/12/2018 09:41 GMT+7

Đội đèn đi tìm con chữ

CÔNG TRIỆU
CÔNG TRIỆU

TTO - Bích Thảo là một trong gần 600 tấm gương sáng vượt khó vươn lên trong học tập được chương trình “Gieo mầm tri thức” do Ngân hàng Agribank phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ tặng quà sắp tới.

Đội đèn đi tìm con chữ - Ảnh 1.

Thảo quen dần với việc soi đèn “tìm lấy con chữ” của mình - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Từ nhỏ đến nay, Nguyễn Thị Bích Thảo, học sinh lớp 4 Trường tiểu học Thanh An (ấp Thanh An, xã Mỏ Công, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh), có một nỗi sợ vô hình: ba mẹ Thảo bỗng nhiên "biến mất" mỗi khi Thảo thức giấc. 

Chưa hề biết đến cuộc sống có ánh đèn điện, cây đèn pin trên đầu là nguồn ánh sáng duy nhất khơi lên trong Thảo giấc mơ đổi đời bằng sự học mỗi khi đêm về.

Chơi ô ăn quan, làm cô giáo một mình

Cách đây chín năm, anh Nguyễn Văn Việt cùng vợ là chị Lê Thị Tuyền (bố mẹ Thảo) cưới nhau và tiếp tục nghề cha truyền con nối: cạo mủ cao su mướn để mưu sinh. Họ sống trong căn nhà tạm dột nát, cũ kỹ giữa rẫy cao su quạnh vắng, ra khỏi nhà lúc 12h đêm và trở về lúc trời gần đứng bóng. 

Thế nên dù mới chừng 7 tháng tuổi, Thảo đã phải ở nhà một mình trong thời gian ba mẹ đi làm. Cũng chính điều này làm cho cô bé 9 tuổi Bích Thảo khá nhạy cảm nhưng cũng đầy "chai sạn".

Ngồi bệt xuống nền cát, Thảo đưa tay nắm những viên đá, rải từng viên một xuống từng ô quan. Lại đứng dậy đi sang phía bên kia, Thảo nhanh chóng nắm lấy những viên đá trong ô khác rồi lại rải chúng ra. Chơi ô ăn quan một mình là cách để Thảo không cảm thấy buồn. "Ở đây chỉ toàn cây cao su. Xung quanh chẳng có bạn bè, người lớn thì bận làm cả nên em chơi vậy một mình cho đỡ sợ, đỡ buồn" - Thảo nói.

Chán chơi ô ăn quan, Thảo vào nhà lấy ra khá nhiều tập vở, chuyển sang chơi trò cô giáo dạy học. Lớp học không bục giảng cũng chẳng có lấy một học sinh của "cô" Thảo lại vang đều những câu thơ Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra... "Bình thường thì có em Út con dì Hai nhưng nó đi học nên em chơi một mình" - Thảo cho hay.

Tưởng chừng cuộc sống cô độc ấy chỉ còn là hoài niệm về những lần di cư khai hoang lập nghiệp nhiều năm về trước. Tuy nhiên đó lại là cuộc sống gia đình Thảo hiện nay, chỉ cách trung tâm thành phố Tây Ninh không xa...

Soi chữ

Chập choạng tối, cả gia đình quây quần bên mâm cơm phần lớn là rau củ được Thảo cùng mẹ hái ở sau vườn. Mệt nhọc sau một ngày làm việc dài, anh Việt đội lên đầu cây đèn pin rồi chiếu rọi xuống mâm cơm.

Màn đêm buông xuống khiến không gian nơi đây càng trở nên tĩnh mịch. Trên chiếc giường tre rung rinh ọp ẹp, chiếc đèn pin trên đầu Thảo là nguồn ánh sáng duy nhất nơi đây, giúp em nhìn từng con chữ để học, trong khi bố mẹ nằm cạnh đang dần chìm vào giấc ngủ.

Cô Nguyễn Thị Mỹ Nương - giáo viên chủ nhiệm của Thảo - nói rằng chuyện của Thảo không những khiến cô mà còn rất nhiều học sinh khác ở trường xúc động, thán phục. Cô ví von hình ảnh Bích Thảo đội đèn học bài là "soi chữ".

"Trong tiết học em ấy rất siêng phát biểu và hỏi lại bài nếu chưa rõ. Có lẽ vì nhà rất xa trường và sự hiếu học đã tập cho em ấy tính chủ động hơn" - cô Nương kể.

Chương trình “Gieo mầm tri thức” sẽ trao 600 xe đạp và quà với tổng kinh phí 1,2 tỉ đồng cho học sinh nghèo hiếu học tại tỉnh Tây Ninh (vào sáng nay, 18-12) và Đắc Nông (ngày 21-12).
CÔNG TRIỆU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên