04/02/2015 18:17 GMT+7

Đòi 500 triệu vì chai nước ngọt có ruồi là phạm tội?

HOÀI THƯƠNG - NGUYỆT PHƯƠNG
HOÀI THƯƠNG - NGUYỆT PHƯƠNG

TTO - Vụ ông Võ Văn Minh bị bắt giữ vì đòi Công ty Tân Hiệp Phát trả 500 triệu đồng để đổi sự "im lặng" vụ con ruồi trong chai Number One đã khiến dư luận rất quan tâm.

Hình minh họa

Theo Phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC45) Công an tỉnh Tiền Giang, khoảng 15g30 ngày 27-1 tại một quán cà phê thuộc huyện Cái Bè (Tiền Giang), các trinh sát đã bắt quả tang Võ Văn Minh đang nhận 500 triệu đồng của Công ty TNHH TM&DV Tân Hiệp Phát.

Theo điều tra ban đầu, Minh bán quán cơm tại huyện Cái Bè.

Ngày 3-1, trong lúc lấy chai nước ngọt hiệu Number One ra khui bán cho khách hàng, Minh phát hiện con ruồi bên trong nên đã cất chai nước ngọt và điện thoại báo Công ty TNHH TM&DV Tân Hiệp Phát (có trụ sở tại tỉnh Bình Dương).

Sự im lặng giá 500 triệu đồng

Minh đã ra giá cho sự "im lặng" này là công ty phải trả 1 tỉ đồng, nếu không sẽ thưa ra Ban bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Bình Dương, đưa lên báo chí, in 5.000 tờ rơi để phát nhằm làm mất uy tín công ty.

Sau ba lần thương lượng, Công ty TNHH Tân Hiệp Phát đã đồng ý đưa số tiền là 500 triệu đồng theo yêu cầu của Minh nhưng trình báo công an vụ việc bị tống tiền. Khi Minh đến quán cà phê như đã hẹn để lấy tiền thì bị công an bắt giữ. 

Trong vụ việc Minh bị bắt giữ để điều tra hành vi cưỡng đoạt tài sản này, nhiều ý kiến cho rằng việc xử lý hình sự Minh có gì đó chưa ổn bởi đó đơn thuần là quan hệ dân sự, trao đổi giữa hai bên. Phía công ty bồi thường cho khách để bảo vệ uy tín, thương hiệu của nhà sản xuất.

Ngược lại, nhiều người cho rằng hành vi của Minh đã có dấu hiệu của tội cưỡng đoạt tài sản khi cố tình lợi dụng sai sót của Công ty Tân Hiệp Phát để ép buộc doanh nghiệp phải đưa tiền, nên việc công an xử lý hình sự Minh là đúng. 

Hiện công an vẫn đang tiếp tục củng cố hồ sơ điều tra để xử lý vụ việc, Tuổi Trẻ tiếp tục thông tin khi có quyết định chính thức của cơ quan điều tra. 

Tuổi Trẻ điểm lại một số vụ việc tương tự đã xảy ra tại các nước. 

Trên thế giới không hiếm những vụ khách hàng phát hiện dị vật trong thức ăn, nước uống như ruồi trong chai nước ngọt, ngón tay giữa miếng bánh mì kẹp, bao cao su trôi trong bát xúp… và kiện nhà hàng đòi hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn USD.

Bồi thường hàng chục nghìn USD

Theo Reuters, hồi tháng 11-2001 anh Waddah Mustapha (sống ở thành phố Windsor (Ontario, Canada) cùng vợ Lynn khi đó đang mang thai bảy tháng đã choáng váng khi phát hiện trong chai nước Culligan mà họ đang uống có một con ruồi chết.

Hai vợ chồng lập tức ói mửa. Sau đó, anh Mustapha kiện Công ty Culligan ra tòa. Anh khẳng định đã bị ám ảnh với con ruồi chết trong chai nước đến mức mất ngủ, trầm cảm, thậm chí còn hết hứng thú với cuộc sống chăn gối.

Một tòa án ở Windsor đã ra phán quyết buộc Công ty Culligan phải bồi thường cho nhà Mustapha tới 343.000 USD. Tuy nhiên, sau đó Tòa án Tối cao Canada hủy bỏ phán quyết này vì cho rằng anh Mustapha không chứng minh được tác động của việc uống chai nước có ruồi chết tới sức khỏe.

Con gián chết bên trong chiếc bánh của nhà hàng McDonald’s ở Philadelphia Ảnh: Daily Mail
Con gián chết bên trong chiếc bánh của nhà hàng McDonald’s ở Philadelphia - Ảnh: Daily Mail

Tại Mỹ cũng có rất nhiều vụ tương tự đã xảy ra. Theo trang www.i-lawsuit.com, năm 2005 anh David Scheiding, khách hàng trung thành của chuỗi đồ ăn nhanh Arby’s ở Miami, đang nhai món bánh mì kẹp thịt gà thì bất ngờ phát hiện trong bánh mì có một ngón tay.

Nhà chức trách Miami điều tra và xác định người quản lý nhà hàng khi thái rau đã chặt một mẩu đứt ngón tay của mình khiến nó rơi vào rau. Bánh kẹp của Scheiding chứa rau có ngón tay đó. Scheiding đã kiện nhà hàng Arby’s và được bồi thường 50.000 USD.

Trường hợp của Laila Sultan ở quận Cam tại California còn kinh khủng hơn. Hồi năm 2004, cô cùng ba người bạn vào nhà hàng McCormick & Smith’s Irvine ăn tối. Khi đang ăn xúp, cô nhai phải thứ gì đó rất dai. Cô kinh hoàng khi nhận ra đó là một chiếc bao cao su đã qua sử dụng.

Cô đâm đơn kiện nhà hàng McCormick & Smith’s Irvine và được bồi thường một khoản tiền (không công bố).

Việc côn trùng có mặt trong đồ ăn thức uống là chuyện thường xuyên xảy ra, đặc biệt tại các nhà hàng thức ăn nhanh.

Theo báo Huffington Post, hồi tháng 5-2012 một người sử dụng trang mạng xã hội Reddit tên LinkBoyJT tung lên mạng bức ảnh chụp chiếc bánh của nhà hàng McDonald’s ở Philadelphia có cả một con gián chết bên trong.

Tháng 11-2013, một người đàn ông sống ở Edwardsville, Pennsylvania đã mắc bệnh khi ăn món thịt gà có chứa gián trong nhà hàng McDonald’s. Tất nhiên những vụ việc này đều được xử tại tòa.

Theo AFP, mới tháng 1 vừa qua, Công ty Nhật Asahi Holdings đã phải thu hồi 120.000 túi thực phẩm cho trẻ em sau khi một khách hàng ở Tochigi, phía đông bắc Tokyo, phát hiện một con dế bên trong một túi thực phẩm.

Lãnh đạo Asahi Holdings phải lên tiếng xin lỗi khách hàng. Trước đó, McDonald’s ở Nhật thừa nhận phát hiện một mẩu răng người bên trong gói khoai tây chiên bán tại một nhà hàng của hãng.

Tháng 12-2014, Hãng Nissin Frozen Foods cũng ở Nhật đã thu hồi hàng trăm nghìn gói mì Ý sau khi phát hiện một con gián chết bên trong một gói. Hãng sản xuất mì gói Maruka Foods Corp đã phải dừng toàn bộ hoạt động sau khi phát hiện côn trùng bên trong một gói mì.

Cố tình bỏ dị vật để đòi bồi thường

Tuy nhiên, cũng có trường hợp có kẻ cố tình bỏ dị vật vào trong đồ ăn để đòi bồi thường. Điển hình nhất là vụ của cô Anna Ayala ở San Jose (California, Mỹ) hồi năm 2005. Khi đang ngồi ăn món thịt nêm ớt trong nhà hàng Wendy’s, Ayala la toáng lên trong tô có một mẩu ngón tay người.

Sau đó cô ta đâm đơn kiện nhà hàng này. Tuy nhiên, nhà chức trách San Jose phát hiện trên thực tế Ayala đã thả ngón tay này vào trong tô thịt.

Khi sự nghi ngờ tăng cao, Ayala đã hủy bỏ đơn kiện nhưng vô ích. Điều tra cho thấy cô ta đã trả 100 USD cho một người đàn ông để mua mẩu ngón tay của anh ta rồi nấu chín nó tại nhà và thả vào món ăn ở nhà hàng Wendy’s. Ayala bị xử tù 5 năm vì tội lừa đảo.

Tuy nhiên, cũng vì vụ việc này mà chuỗi nhà hàng Wendy’s ở San Jose bị điêu đứng vì mất uy tín và chịu thiệt hại lên đến 2,5 triệu USD. Sau khi ra tù, Ayala bị cấm cửa đến các nhà hàng Wendy’s suốt đời.

HOÀI THƯƠNG - NGUYỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên