28/01/2023 13:55 GMT+7

Độc đáo lễ rước ‘cụ Thượng’, giữ truyền thống kính lão đắc thọ

Ngày 28-1 (mùng 7 tháng giêng), hàng ngàn người dân đổ về miếu Tiên Công tại xã Cẩm La, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh để xem nghi lễ rước “cụ Thượng” độc đáo.

Độc đáo lễ rước ‘cụ Thượng’, giữ truyền thống kính lão đắc thọ - Ảnh 1.

Những người lên lão khi tròn 80, 90, 100 trở lên sẽ được người dân vùng đảo Hà Nam, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh tôn kính gọi là "cụ Thượng" và tổ chức nghi lễ rước lên miếu Tiên Công vào ngày 7 tháng giêng - Ảnh: TIẾN THẮNG

"Cụ Thượng" là để chỉ những người lên lão thượng thọ khi tròn 80, 90 tuổi, 100 tuổi trở lên và cứ đến mùng 7 tháng giêng hằng năm - con cháu sẽ tổ chức nghi lễ đưa rước lên miếu Tiên Công để cáo yết chư vị thần linh - những người khai phá vùng đất đảo Hà Nam.

Náo nhiệt lễ rước "cụ Thượng"

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Dương Thị Dung - chủ tịch UBND xã Cẩm La, kiêm trưởng ban tổ chức lễ hội Tiên Công - cho biết lễ hội được khôi phục sau hơn hai năm tạm hoãn vì dịch  COVID-19.

Năm nay, có 202 cụ Thượng (trong đó có 4 cụ tròn 100 tuổi) tại các xã, phường thuộc vùng đảo Hà Nam, thị xã Quảng Yên.

Độc đáo lễ rước ‘cụ Thượng’, giữ truyền thống kính lão đắc thọ - Ảnh 2.

Đoàn rước được chuẩn bị công phu với thành viên chủ yếu là các con cháu, họ hàng của "cụ Thượng" - Ảnh: TIẾN THẮNG

Bà Dung cho biết thêm lễ hội Tiên Công được tổ chức từ mùng 4 đến hết mùng 7 tháng giêng âm lịch hằng năm, trong đó ngày 7 tháng giêng được coi là chính hội. Quy mô lễ hội diễn ra ở các phường Phong Cốc, Phong Hải, Yên Hải và xã Cẩm La với trung tâm lễ hội là tại di tích miếu Tiên Công được xây dựng ở xã Cẩm La.

Mở đầu lễ hội là "lễ tế Tổ" được các dòng họ Tiên Công tổ chức vào ngày mùng 4 tháng giêng âm lịch hằng năm, đây là nghi lễ lớn nhất ở các từ đường thờ tiên công trong năm.

Ngày này, gia đình cụ Thượng sẽ có lễ vật đến từ đường nội, ngoại để kính cáo với tiên công và tổ tiên đã ban phúc ấm cho cụ thượng được lên chiếu thọ. Đồng thời, kính báo cho hội đồng gia tộc năm nay cụ được thượng thọ và mời hội đồng gia tộc đến nhà dự lễ mừng thọ.

Độc đáo lễ rước ‘cụ Thượng’, giữ truyền thống kính lão đắc thọ - Ảnh 3.

Đoàn nhạc bát âm tạo không khí náo nhiệt, trang nghiêm - Ảnh: TIẾN THẮNG

Ngày mùng 5 tháng giêng, con cháu trong gia đình có cha mẹ thượng thọ sẽ trang trí khuôn viên gia đình theo nghi lễ truyền thống mừng thọ; chuẩn bị trang phục áo gấm, khăn thêu chữ thọ, gậy thọ cho cha mẹ…

Ngày mùng 6 tháng giêng, các gia đình không tổ chức đoàn rước "cụ Thượng" về miếu Tiên Công lễ tổ thì sẽ tổ chức đoàn chỉ đội lễ đưa lên miếu lễ tổ, truy ơn tiên công.

Lễ hội Tiên Công đông vui náo nhiệt và rực rỡ nhất vào ngày chính hội (mùng 7 tháng giêng) với nghi lễ rước "cụ Thượng" độc đáo nhất cả nước, thể hiện sự ngưỡng vọng, tôn vinh các tiên công, mang đậm bản sắc văn hóa của cư dân vùng cửa biển Bạch Đằng.

Độc đáo lễ rước ‘cụ Thượng’, giữ truyền thống kính lão đắc thọ - Ảnh 4.

Long mã (thần biển) được kết bằng hoa quả là lễ vật không thể thiếu trong đoàn rước - Ảnh: TIẾN THẮNG

Từ sáng mùng 7 tháng giêng, các cụ Thượng được con cháu cung kính tặng áo bằng vải lụa, có hoa văn chữ Thọ và mời ngồi lên võng đào hoặc xe đẩy có lọng che để cử hành nghi lễ rước lên miếu Tiên Công.

Đoàn rước là các con cháu, họ hàng thân thích với sự phân chia nhiệm vụ cụ thể khi có đoàn múa lân dọn đường, đoàn cầm cờ; đoàn chiêng, trống, kéo nhạc; đoàn bê lễ vật và đoàn khiêng kiệu, đẩy xe...

Một lễ vật không thể thiếu trong lễ rước là long mã (thần biển) được kết bằng hoa quả - là điểm nhấn của ban thờ. Long mã mang ý nghĩa nhắc nhở con cháu truyền thống trị thủy của cư dân đảo Hà Nam. Ngoài ra, lễ vật trong lễ rước còn có trầu cau, đầu lợn, gà, bánh dày, hoa quả, bánh kẹo...

Độc đáo lễ rước ‘cụ Thượng’, giữ truyền thống kính lão đắc thọ - Ảnh 5.

Với những đoàn rước ở các xã, phường nằm xa miếu Tiên Công từ 4 - 5km thì các cụ Thượng sẽ được con cháu mời lên xe đẩy được trang trí và có lọng che - Ảnh: TIẾN THẮNG

Mỗi gia đình, dòng họ tạo thành một đám rước dài cả trăm mét và các đám rước nhập lại khi đến gần miếu Tiên Công tạo nên một không khí tưng bừng, náo nhiệt nhưng rất trang trọng, thiêng liêng.

Các cụ Thượng sau khi được rước đến miếu Tiên Công sẽ vào miếu dâng lễ vật, tế lễ với sự thành kính, tri ân đến những bậc tiền nhân đã khai làng, mở xóm.

Rước "cụ Thượng" để giữ gìn truyền thống kính lão đắc thọ

Ông Phạm Văn Mịch (80 tuổi) - trưởng ban khánh tiết lễ hội Tiên Công - cho biết lễ hội đến nay đã tồn tại mấy trăm năm với mục đích khơi dậy đạo lý "uống nước nhớ nguồn" và giữ gìn truyền thống "kính lão đắc thọ" của người Việt, đề cao tình đoàn kết dòng tộc, xóm làng...

Độc đáo lễ rước ‘cụ Thượng’, giữ truyền thống kính lão đắc thọ - Ảnh 6.

Dọc quãng đường đi đến miếu Tiên Công, các cụ Thượng sẽ được con cháu, dân làng ở hai bên đường chúc tụng - Ảnh: TIẾN THẮNG

Đặc biệt, lễ hội Tiên Công là nơi để những người con dân vùng đảo Hà Nam thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với những vị thủy tổ, những người có công khai sinh lập ấp, lập làng...

Theo đó, thời vua Lê Thái Tông niên hiệu Thiệu Bình (1434) có 17 vị Tiên Công là người cùng quê ở phường Kim Hoa, phủ Phụng Thiên, thành Thăng Long (nay là phường Kim Liên, TP Hà Nội) đã tới đây khai phá, lập làng.

Độc đáo lễ rước ‘cụ Thượng’, giữ truyền thống kính lão đắc thọ - Ảnh 7.

Các đoàn rước đổ về miếu Tiên Công tạo lên không khí náo nhiệt, thiêng liêng - Ảnh: TIẾN THẮNG

Để tưởng nhớ công lao của 17 người dân đầu tiên đến vùng đất đảo Hà Nam, năm 1804, nhân dân trong vùng đã lập miếu thờ, gọi là miếu Tiên Công. Từ đó đến nay, miếu thập cửu Tiên Công trở thành điểm du lịch tâm linh và là trung tâm tổ chức lễ hội.

Với những nét văn hóa độc đáo, lễ hội Tiên Công đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2017.

Độc đáo lễ rước ‘cụ Thượng’, giữ truyền thống kính lão đắc thọ - Ảnh 8.

Khuôn viên rộng hàng ngàn mét vuông trước miếu Tiên Công không còn một chỗ trống khi dòng người đổ về theo dõi các đoàn rước - Ảnh: TIẾN THẮNG

Độc đáo lễ rước ‘cụ Thượng’, giữ truyền thống kính lão đắc thọ - Ảnh 9.

Với người dân vùng đảo Hà Nam, thị xã Quảng Yên thì lễ hội Tiên Công là dịp để khơi dậy đạo lý "uống nước nhớ nguồn" và giữ gìn truyền thống "kính lão đắc thọ" - Ảnh: TIẾN THẮNG

Hàng ngàn người tham dự lễ phục hiện rước tượng Bà từ đỉnh núi xuống chân núi SamHàng ngàn người tham dự lễ phục hiện rước tượng Bà từ đỉnh núi xuống chân núi Sam

TTO - Chiều 22-5, UBND TP Châu Đốc, An Giang tổ chức lễ phục hiện rước tượng Bà từ đỉnh núi xuống chân núi Sam như truyền thuyết mấy trăm năm của cha ông. Hoạt động mở đầu lễ hội cấp quốc gia Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam 2022, từ 22-5 đến 27-5.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên