Sỏi dễ tái phát và nhiều biến chứng
ThS Hoàng Khánh Toàn - nguyên chủ nhiệm khoa đông y, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - cho biết sỏi tiết niệu là bệnh thường gặp, hay tái phát, dễ gây biến chứng suy thận và dẫn đến tử vong. Người ta ước tính rằng trên thế giới có khoảng 3% dân số mắc bệnh này.
Các nhà dịch tễ học cũng đã vẽ trên bản đồ thế giới vòng đai sỏi tiết niệu, trong đó có Việt Nam. Bất cứ vị trí nào của đường tiết niệu cũng đều có thể bị sỏi, trong đó sỏi thận khoảng 40-50%, sỏi niệu quản khoảng 28%, sỏi bàng quang khoảng 30% và sỏi niệu đạo khoảng 5%.
Trong tây y, tùy thuộc vào vị trí, tính chất, biến chứng của sỏi và thể trạng bệnh nhân mà quyết định biện pháp trị liệu bằng nội khoa, nội soi hoặc mổ lấy sỏi, dùng máy tán sỏi ngoài cơ thể... Tuy nhiên, tỉ lệ tái phát là khá cao nếu như người bệnh không thực hiện đầy đủ các biện pháp dự phòng hữu hiệu.
Trong đông y, sỏi tiết niệu thuộc phạm vi các chứng "thạch lâm" và "huyết lâm", được trị liệu bằng nhiều phương pháp có khả năng bào mòn sỏi, làm tan và tống sỏi ra ngoài cơ thể qua đường tiểu tiện, cải thiện các triệu chứng lâm sàng và dự phòng tái phát sau phẫu thuật hoặc tán sỏi ngoài cơ thể.
Bác sĩ Nguyễn Văn Thắng, chủ nhiệm CLB khí công Thăng Long võ đạo, cho biết sỏi tiết niệu được hình thành do sự lắng đọng của một số tinh thể trong nước tiểu ở đường niệu. Bệnh thường gặp ở người lớn và rất hay tái phát.
Sỏi tiết niệu gây tắc đường niệu nên có thể dẫn tới nhiều biến chứng: nhiễm khuẩn đường tiết niệu, nhiễm khuẩn huyết, choáng nhiễm khuẩn. Nếu không được điều trị kịp thời, chức năng thận sẽ bị suy giảm, gây tăng huyết áp… bệnh nhân có thể tử vong.
Tập để thanh lọc đường niệu trị gốc bệnh
Bác sĩ Thắng cho biết trong trị liệu sỏi tiết niệu, người ta chú trọng nhiều tới việc phẫu thuật, dùng thuốc, chưa thật sự chú trọng đến việc sử dụng các biện pháp không dùng thuốc, trong đó có tập luyện. Thực hiện đều đặn bài tập dưới đây ngày 1 - 2 lần vừa có tác dụng phòng và trị bệnh, đặc biệt là chống sỏi tiết niệu tái phát:
- Xoay eo, lắc thân: Người bệnh tập ở tư thế đứng hoặc ngồi trên ghế tựa. Từ từ gập người xuống sao cho thân người vuông góc với chân. Bắt đầu xoay eo lắc thân về bên trái và tiếp tục xoay về bên phải nhiều lần. Hơi thở tự nhiên.
- Ngửa mặt nhìn trời và chuyển thân: Bệnh nhân vẫn ở tư thế đứng hoặc ngồi trên ghế tựa. Ngả người về phía sau tối đa, ngửa mặt lên trời, 2 tay đè lên nhau phía sau, bàn tay ngửa.
Sau đó chuyển thân về bên trái thật nhẹ nhàng, tiếp tục xoay eo chuyển thân về bên phải nhiều lần, hơi thở tự nhiên.
- Lắng khí dũng tuyền: Bệnh nhân vẫn đứng hoặc ngồi ở tư thế trên. Hai bàn tay đặt chồng lên nhau ở vế đùi trước bụng. Hít vào thả lỏng thân và cảm nhận năng lượng từ đầu đến hông.
Khi thở ra, thả lỏng hai chân và cảm nhận năng lượng lan tỏa từ hông xuống bàn chân, thực hiện 18 hơi thở. Hơi thở này sẽ thanh lọc hết trọc khí của cơ thể. Khi ở tư thế đứng thì phải chùng gối thả lỏng chân thì thở ra.
- Thanh lọc đường niệu: Hít vào nhận biết giữa thắt lưng (mệnh môn) để tụ khí, thở ra thả lỏng hai bên thắt lưng và cảm nhận năng lượng lan tỏa hai bên thận. Thực hiện 18 hơi thở.
Tập luyện cũng có thể "tán sỏi"?
Thạc sĩ Toàn nhấn mạnh khi không may bị sỏi mật hay sỏi tiết niệu, người ta thường nói đến việc thay đổi chế độ ăn, dùng thuốc, xoa bóp, bấm huyệt…, nhưng ít ai nói đến vấn đề tập luyện khí công dưỡng sinh.
Có thể nói đây cũng là một phương pháp độc đáo có công dụng dự phòng cũng như hỗ trợ trị liệu các bệnh lý về sỏi với công năng hành khí, tán kết, nhuyễn kiên...
Dũng lâm công là một trong những công pháp chủ yếu thuộc thể loại tĩnh công, nghĩa là khi luyện công cơ thể hoàn toàn bất động. Nhưng khi luyện tập, tạng phủ kinh lạc bên trong lại vận động rất mạnh mẽ, cho nên tĩnh công trên thực tế là "ngoại tĩnh, nội động".
Để phòng chống bệnh sỏi tiết niệu, có thể kiên trì tập luyện lần lượt các động tác đơn giản như sau:
- Đẩy bụng (thôi phúc): Chọn tư thế nằm ngửa. Lấy 2 bàn tay đặt chồng lên nhau, tay trái ở dưới, tay phải ở trên, ấn vào huyệt trung quản (lấy ở điểm giữa của đoạn nối rốn và điểm gặp nhau của hai bờ sườn, trên rốn 4 thốn).
Khi thở ra, 2 tay từ trung quản đẩy thẳng đến khớp xương mu. Làm như vậy 36 lần.
- Nặn rốn, xoa bóp bụng: Tìm huyệt lao cung bàn tay phải (nắm chặt các ngón tay, huyệt ở trên đường vân tim của gan bàn tay, nơi khe của ngón giữa và ngón vô danh chấm vào đường vân này), đặt trên rốn rồi thuận theo chiều kim đồng hồ, xoay chuyển và xoa bóp 36 lần.
Sau đó lấy rốn làm trung tâm, nhẹ nhàng hướng ngược chiều kim đồng hồ xoay chuyển và xoa bóp bụng 36 lần.
Cũng dùng thủ pháp như trên với huyệt lao cung tay trái ấn vào đan điền rồi thuận theo chiều kim đồng hồ xoay chuyển và xoa bóp bụng 36 lần. Dùng ô mô út (huyệt tiểu ngư tế) ấn hai bên bụng dưới, ấn đẩy 36 lần.
- Xát sườn, ấn đùi: Chuyển tư thế ngồi. Hai bàn tay xát vào cho nóng rồi đặt lên hai bên xương cùng, xát lên xuống nhiều lần sao cho vùng này nóng lên là được.
Tiếp theo, lấy 4 ngón tay bàn tay trái: ngón trỏ, ngón giữa, ngón nhẫn và ngón út khép lại, dùng mặt các ngón tay, từ phía đầu gối trái mé trong ấn đẩy tới gốc đùi 300 lần. Sau đó lại dùng 4 ngón tay tương tự của bàn tay phải làm theo cách như trên, ấn đẩy mé trong đùi phải 300 lần.
- Day xoa vùng bụng: Cuối cùng, nằm ngửa trên giường, 2 đầu gối gấp hướng về phía ngực bụng, 10 ngón tay giao nhau úp vào đầu gối, trước sau từ từ day xoa vùng bụng, đồng thời hít vào sâu, sau đó từ từ thở ra bằng mũi. Làm như vậy 24 lần.
Để phòng tránh sỏi tiết niệu, mỗi người nên thực hiện lối sống lành mạnh, chế độ ăn lành mạnh kết hợp tập luyện hợp lý: Uống đủ nước mỗi ngày; Giữ vệ sinh tốt, tránh nhiễm khuẩn tiết niệu, tránh thói quen nhịn tiểu, chăm vận động, tập luyện thể dục thể thao...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận