25/07/2011 18:43 GMT+7

Doanh nhân tham gia nghị trường phải "vượt lên chính mình"

V.V.THÀNH thực hiện
V.V.THÀNH thực hiện

TTO - Quốc hội khóa XIII có tỉ lệ doanh nhân là đại biểu khá cao so với nhiều nhiệm kỳ trước, tỉ lệ đó nói lên điều gì? Đó là câu hỏi Tuổi Trẻ đặt ra với ông Vũ Tiến Lộc - chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam - bên hành lang Quốc hội, chiều 25-7.

HS9yChf4.jpgPhóng to
Ông Vũ Tiến Lộc - Ảnh: Việt Dũng

Ông Lộc nói:

- Đảng ta đã xác định trong giai đoạn hiện nay phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, và chúng ta biết rằng doanh nghiệp, doanh nhân đóng vai trò là đội quân chủ lực, xung kích trên mặt trận này. Nhìn ra thế giới, sức mạnh của nền kinh tế của mỗi quốc gia tùy thuộc sức mạnh của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân quốc gia đó, cho nên mọi quốc gia đều tìm cách chăm sóc, phát triển đội ngũ doanh nhân của mình.

Theo thống kê của chúng tôi, Quốc hội khóa XIII có 38 doanh nhân tham gia, bên cạnh đó doanh nhân cũng tham gia khá đông ở HĐND các cấp. Điều đó cho thấy sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự ghi nhận của xã hội về vai trò của một tầng lớp, một lực lượng xã hội đã và đang hình thành, phát triển trong nền kinh tế của đất nước.

* Doanh nhân có những thế mạnh nào khi tham gia Quốc hội để đóng góp cho sự nghiệp phát triển đất nước?

- Quyết định các vấn đề quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng các đạo luật về kinh tế… là một trong những nội dung quan trọng của tất cả các kỳ họp. Doanh nhân là những người hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực này, cho nên họ có thể mang đến diễn đàn Quốc hội hơi thở của đời sống kinh tế, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

* Có ý kiến cho rằng thực tiễn luôn có các nhóm lợi ích khác nhau, trong khi đó doanh nhân tham gia nghị trường nghĩa là trực tiếp xây dựng thể chế, xây dựng chính sách, liệu có những sự vận động vì lợi ích cục bộ?

- Tiếng nói của doanh nhân ở nghị trường phải là tiếng nói bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng. Mỗi doanh nhân khi tham gia Quốc hội phải vượt lên chính mình để trở thành người đại diện cho cử tri, cho các tầng lớp nhân dân, đại diện cho nền kinh tế chứ không phải chỉ đại diện cho giới của mình. Đó là thách thức rất lớn.

Rất nhiều doanh nhân khi tham gia nghị trường vẫn tiếp tục khẳng định vai trò của mình trong lĩnh vực kinh tế với tư cách là người tổ chức điều hành doanh nghiệp. Nhưng cũng có những doanh nhân cùng với quá trình hoạt động Quốc hội sẽ là bước đi đầu tiên để họ trưởng thành bằng con đường trở thành chính khách, trở thành các nhà quản lý và lãnh đạo.

Đó cũng là việc bình thường, vì trong bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa phương hiện có rất nhiều người đã trưởng thành từ doanh nghiệp.

V.V.THÀNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên