29/12/2013 07:37 GMT+7

Doanh nhân bí ẩn trong đại án tham nhũng

NGUYỄN NGỌC HÙNG
NGUYỄN NGỌC HÙNG

TT - Đất nước Thổ Nhĩ Kỳ đang trải qua những ngày sóng gió. Bão tố khởi lên từ một chiến dịch quét tham nhũng mà nguồn gốc dính líu đến tận... Iran.

H0VM3OmI.jpgPhóng to
Doanh nhân Reza Zarrab (giữa) đến trình diện tại Sở Cảnh sát Istanbul - Ảnh: AFP

“Tình hình Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay là nghiêm trọng không chỉ vì giá trị đồng lira và chứng khoán sụt giảm mà còn vì sự ngờ vực bao phủ” - ông Markus Huber, nhà môi giới chứng khoán của Công ty Peregrine & Black, nhận định dựa trên các số liệu của thị trường mấy ngày qua. Đồng lira mất 7,5% trị giá tính từ đầu tháng đến giờ, chỉ số chứng khoán Istanbul cũng liên tục giảm ba ngày liên tiếp.

Ai cũng biết nguyên do sờ sờ trước mắt là chiến dịch quét tham nhũng đang bị cho là có yếu tố tranh chấp quyền lực. Hôm qua, ba nghị sĩ thuộc Đảng Công lý và phát triển (AKP) cầm quyền đã xin từ chức như một cách phản ứng với Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan. Nhưng nhân tố trung tâm của vụ tai tiếng này lại là một người Iran gốc Azerbaijan tên Reza Zarrab (có nguồn tin gọi tên là Reza Zerrab).

Reza Zarrab - nằm trong số các nhân vật bị câu lưu hồi giữa tháng - là một doanh nhân kết hôn với một nữ ca sĩ danh tiếng của Thổ Nhĩ Kỳ. Những thông tin được cho là tung ra từ cơ quan điều tra cho biết Zarrab dính đến hoạt động ngầm của chính quyền Iran để vượt qua rào cản cấm vận quốc tế trừng phạt chương trình hạt nhân của nước này.

Công ty “ma” ở Trung Quốc

Theo các nguồn thạo tin, để “bôi trơn” cho việc thanh toán và chuyển các khoản tiền hàng chục tỉ USD vượt rào cản trừng phạt quốc tế, Zarrab đã đưa hối lộ lên đến 40 triệu USD cho bộ trưởng kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, và gửi cho thống đốc Halkbank đến 7,7 triệu USD.

Vụ tham nhũng cũng cho thấy vai trò của ngân hàng nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Halkbank, mà trực tiếp là thống đốc Suleyman Aslan, đã góp phần tạo dễ dàng cho Iran thực hiện ý đồ của họ thông qua các hoạt động giao thương của doanh nhân Zarrab.

Báo chí Thổ Nhĩ Kỳ đưa theo các nguồn tin cảnh sát cho biết có những công ty bình phong đăng ký hoạt động tại Trung Quốc để tránh sự dòm ngó của Mỹ. Iran chuyển tiền cho các công ty “ma” này, dưới danh nghĩa thanh toán các hợp đồng nhập hàng “ma” từ Trung Quốc. Nhiều khoản tiền đó sẽ nằm dưới danh nghĩa của Trung Quốc để chuyển tới các công ty mở tại Thổ Nhĩ Kỳ và do Zarrab điều hành để mua vàng. Số vàng ấy lại được chuyển qua một nước thứ ba trước khi về tay Iran.

Theo báo Zaman của Thổ Nhĩ Kỳ, đây là cách thức phức tạp để Iran hóa giải tiền bán dầu và khí đốt thành dự trữ quốc gia, tránh lệnh trừng phạt quốc tế. Trong ba năm vừa qua, các công ty của Zarrab đã làm trung gian chuyển mua vàng cho Iran đến 120 tỉ USD.

Có lẽ biết được mánh lới này, tháng 1-2013 Mỹ áp đặt trừng phạt mới cấm chuyển vàng vào Iran. Quyết định này khiến Iran bị kẹt khối lượng vàng trị giá 13 tỉ USD đã mua trước và đang gửi tại Thổ Nhĩ Kỳ. Mỹ còn trực tiếp yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ ngưng việc chuyển một khối lượng vàng trị giá 6,5 tỉ USD về Iran. Chưa kể điều tra cho thấy Halkbank còn nhận của Ấn Độ 5,3 tỉ USD tiền gửi để thanh toán các hợp đồng New Delhi mua dầu lửa của Iran, vi phạm lệnh trừng phạt quốc tế.

Lớn hơn cả chuyện hối lộ

Khi cưới vợ và nhập quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ, doanh nhân trẻ tuổi Zarrab nhanh chóng nổi lên trên thương trường Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2008 như một người thành đạt trên thị trường vàng, chiếm tới 46% thị phần vàng xuất khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó, anh ta chỉ là một công chức bình thường của hai ngân hàng tại Dubai. Công luận cho rằng Zarrab không thể thành đạt nhanh chóng như thế nếu không có “những thế lực” đứng sau và không nhận được sự che chở từ phía chính quyền Ankara.

Vụ Zarrab đưa hối lộ cho các bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ không đơn thuần chỉ mang “tính chất cá nhân”, bởi đây là thủ đoạn hoạt động của Zarrab nhằm thừa hành những “trọng trách” mang tầm quốc gia. Doanh nhân này tạo dựng các kênh quan hệ với các bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có thống đốc Halkbank, cùng các con của một số bộ trưởng, nhằm tìm cách che đậy các hoạt động của Chính phủ Iran vượt qua rào cản cấm vận quốc tế.

Cha ruột của Zarrab còn là một người “gần gũi” với cựu tổng thống Iran Ahmadinejad. Bản thân Zarrab có quan hệ thân tình với Babak Zanjani - một doanh nhân tỉ phú của Iran rất thân cận với các chính khách nước này. Các phương tiện truyền thông Iran chỉ ra rằng Zanjani bỗng nhiên giàu sụ “chỉ trong một sớm một chiều” tại một đất nước đang điêu đứng vì cấm vận quốc tế chỉ có thể được giải thích theo cách tỉ phú này đã dùng “danh nghĩa cá nhân” để thực hiện các hoạt động bí mật của chính quyền.

Vụ chống tham nhũng đang làm rúng động chính quyền của Đảng AKP do Thủ tướng Erdogan đứng đầu không chỉ đơn thuần là chuyện đấu đá chính trị. Nó còn hứa hẹn những diễn biến nhiều kịch tính (ngấm ngầm hoặc công khai) trong quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ, bởi Thổ Nhĩ Kỳ vốn là một thành viên NATO và đồng minh quan trọng của Mỹ trong khu vực, nay lại bị phát hiện ngầm trợ giúp Iran vượt qua trừng phạt quốc tế mà Mỹ áp đặt.

NGUYỄN NGỌC HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên