Đây chưa phải là con số cuối cùng vì các địa phương vẫn tiếp tục xác minh.
Phóng to |
Nhóm người Trung Quốc đến Công ty TNHH Trung Hàn (xã Tân Hội, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) ngày 27-6 - Ảnh: Trường Giang |
Các DN nước ngoài này thuê đất từ nhiều năm nay, có nơi đã thuê tới năm năm nhưng mãi đến nay cơ quan chức năng mới phát hiện. Đáng chú ý, các hợp đồng thuê đất được UBND các xã và Sở Tư pháp tỉnh Bến Tre công chứng, chứng thực một cách vô tư dù việc làm đó vi phạm pháp luật.
8/10 DN thuê đất trái phép đến từ Trung Quốc
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bến Tre, 10 DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thuê đất của dân trái pháp luật đều đã được tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư. Trong đó có ba DN nuôi trồng thủy sản và bảy DN sản xuất, chế biến các sản phẩm từ dừa. Trong số này có đến tám DN của Trung Quốc, hai DN còn lại của Nga và Indonesia.
Mở màn “chiến dịch” âm thầm thuê đất của dân không thông qua UBND tỉnh Bến Tre là Công ty TNHH Trung Lâm (Trung Quốc). Công ty này được cấp giấy chứng nhận đầu tư tháng 10-2007 thực hiện dự án đầu tư sản xuất, mua bán, xuất nhập khẩu các sản phẩm từ dừa. Địa điểm thực hiện dự án tại xã Nhuận Phú Tân, huyện Mỏ Cày Bắc. Sau khi có giấy chứng nhận đầu tư, ông Li Qiu Sheng (quốc tịch Trung Quốc, đại diện công ty) đã trực tiếp liên hệ thuê 2.000m2 đất của một hộ dân ở xã Mỹ Thạnh An, TP Bến Tre trong thời hạn 10 năm (2008-2018) để sản xuất. Hợp đồng thuê đất được Sở Tư pháp Bến Tre công chứng.
Tiếp đó, tháng 11-2008, Công ty TNHH Trung Nhạc (Trung Quốc) được cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án sản xuất thạch dừa, lập tức thuê 2.700m2 đất và nhà xưởng của một hộ dân ở xã Bình Phú, TP Bến Tre thời hạn 10 năm.
Phong trào thuê đất của dân rộ lên trong giai đoạn năm 2010-2012. Công ty TNHH một thành viên Kim Tuyền (Trung Quốc) thuê hơn 19.000m2 đất trong 15 năm của bốn hộ dân ở xã Tân Hội, huyện Mỏ Cày Nam; Công ty TNHH xuất nhập khẩu Trung Hàn (Trung Quốc) thuê hơn 18.000m2 đất tại xã Tân Hội (huyện Mỏ Cày Nam), xã Khánh Thạnh Tân (huyện Mỏ Cày Bắc) và xã Phước Long (huyện Giồng Trôm); Công ty TNHH thực phẩm Ngưu Dừa (Trung Quốc) thuê 6.864m2 đất ở xã Nhuận Phú Tân, huyện Mỏ Cày Bắc; Công ty TNHH Trung Hải (Trung Quốc) thuê 10.520m2 đất của năm hộ dân ở xã Tân Hội (huyện Mỏ Cày Nam) và xã Mỹ Thành (huyện Châu Thành); chi nhánh Công ty Uni-
President Việt Nam (Đài Loan, Trung Quốc) thuê trại tôm giống rộng 954m2 tại xã Thạnh Trị, huyện Bình Đại.
DN duy nhất của Indonesia trong danh sách này là Công ty TNHH Denikin Việt Nam do ông Chiou Chung Lien làm đại diện. Công ty này thuê 2.850m2 đất của dân ở xã Phước Long, huyện Giồng Trôm để xây dựng nhà xưởng chế biến hàng nông sản. Hiện nhà máy đã lắp đặt thiết bị nhưng chưa hoạt động.
Hai DN nước ngoài thuê nhiều đất nhất tại tỉnh Bến Tre là Công ty TNHH nuôi trồng thủy sản Simmy (Đài Loan, Trung Quốc) và Công ty TNHH một thành viên nuôi trồng thủy sản Việt - Nga (Nga). Cả hai DN đều thuê đất tại xã Đại Hòa Lộc và Thạnh Phước, huyện Bình Đại với tổng diện tích lên đến 76ha. Công ty Simmy đang sử dụng tới 64,5ha (trong đó mua của dân hơn 14,5ha), còn lại 50ha thuê của dân để nuôi cá măng. Còn Công ty Việt - Nga thuê 12ha đào ao nuôi thủy sản. Trong lúc DN này đang chuẩn bị thuê thêm 40ha ở huyện Ba Tri thì cơ quan chức năng tỉnh Bến Tre phát hiện, yêu cầu dừng ngay việc này.
“Qua mặt” tỉnh
Thương lượng hủy hợp đồng Ông Cao Văn Trọng, phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết tỉnh đã giao Sở Tài nguyên - môi trường chủ trì thành lập đoàn kiểm tra liên ngành rà soát toàn bộ các vụ người nước ngoài thuê đất trái phép trên địa bàn tỉnh. Sau khi kiểm tra xong mới bàn cách giải quyết. Trước mắt, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp mời các DN nước ngoài và người dân đến giải thích, hủy hợp đồng mà sở đã công chứng. Trường hợp người dân đồng ý, tỉnh sẽ làm thủ tục thu hồi đất, bồi thường cho dân rồi cho DN nước ngoài thuê theo quy định của pháp luật. Còn nếu dân không đồng ý, tỉnh sẽ tìm đất khác cho DN thuê. “Trước mắt tỉnh sẽ hủy hợp đồng của một DN Trung Quốc và một DN Indonesia” - ông Trọng nói. |
Theo UBND tỉnh Bến Tre, hầu hết hợp đồng cho thuê đất đều được phòng công chứng Sở Tư pháp và UBND các xã chứng thực, thừa nhận. Ngày 18-1, Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Bến Tre có văn bản (kèm theo hợp đồng do Sở Tư pháp chứng thực) đề nghị cơ quan này có ý kiến xem việc chứng thực đó là đúng hay sai. Mãi đến ngày 6-3, tức gần hai tháng sau, giám đốc Sở Tư pháp Phan Tuấn Thanh mới ký văn bản trả lời, thừa nhận: “Việc công chứng, chứng thực các hợp đồng thuê đất giữa cá nhân, hộ gia đình với tổ chức, cá nhân nước ngoài là không đúng theo quy định của pháp luật về đất đai”.
Theo Sở Tư pháp, Luật đất đai quy định hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất không phải là đất thuê chỉ được phép cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, người VN định cư ở nước ngoài đầu tư tại VN thuê quyền sử dụng đất (khoản 4, điều 113). Ngoài ra, luật cũng quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài có dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt thì được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần hoặc hằng năm để thực hiện dự án đầu tư (khoản 1, điều 73). Về cơ quan có thẩm quyền quyết định việc cho DN nước ngoài thuê đất, điều 37 Luật đất đai quy định đó là UBND tỉnh.
Từ việc thừa nhận làm sai, Sở Tư pháp tỉnh Bến Tre cho biết đã họp nội bộ để rút kinh nghiệm và có văn bản chấn chỉnh việc công chứng, chứng thực, đồng thời sẽ có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan khắc phục hậu quả.
Chúng tôi làm việc với một số xã chứng thực hợp đồng cho DN nước ngoài thuê đất trái pháp luật thì nhận được câu trả lời là do người Việt của DN nước ngoài đứng ra thuê nên xã phải ký! Ông Lê Văn Danh, chủ tịch UBND xã Tân Hội, huyện Mỏ Cày Nam, thừa nhận biết đằng sau việc thuê đất mà xã ký là các công ty Trung Quốc. “Tuy nhiên họ cử người Việt đại diện đứng ra ký hợp đồng thuê đất của người dân trong xã. Về mặt pháp lý, cấp xã phải chứng thực hợp đồng này. Còn các trường hợp người nước ngoài đứng ra thuê thì xã chỉ họ lên Sở Tư pháp công chứng”.
Dân không hiểu luật Nhiều người dân cho DN nước ngoài thuê đất nói họ không hiểu luật. Khi có người thuê đất với giá chấp nhận được thì họ cho thuê. Hợp đồng thuê đất được UBND xã hoặc Sở Tư pháp chứng thực nên họ càng tin tưởng, không nghĩ là vi phạm pháp luật. Ông Phan Văn Năm (xã Tân Hội, huyện Mỏ Cày Nam) cho Công ty TNHH Trung Hàn (Trung Quốc) thuê gần 2ha đất. Ông Năm kể lúc đầu người đứng ra làm hợp đồng thuê đất là một phụ nữ tên Mai Thị Bích Hạnh. Hợp đồng được UBND xã chứng thực. Nhưng sau đó ông Zhou Zhunhan (người Trung Quốc) đưa thêm bản hợp đồng bằng tiếng Hoa bảo ông ký. “Lúc cầm hợp đồng này tôi cũng sợ lắm nên nhờ người dịch cho nghe. Thấy nội dung không có gì nên tôi mới ký” - ông Năm kể. Tương tự, ông Nguyễn Trúc Sơn - giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Bến Tre - cho biết cơ quan này đã làm việc với các DN nước ngoài thuê đất trái phép. Các DN giải thích do họ không hiểu chứ không cố ý coi thường pháp luật VN. Hiện Công ty Simmy, Công ty Việt - Nga và các DN khác đều cam kết sẵn sàng hủy hợp đồng, trả lại đất cho người dân để thuê đất của Nhà nước. Nguyện vọng của các DN này là làm ăn lâu dài ở Bến Tre nên cần thuê đất nhiều hơn 10 năm mà họ thuê trực tiếp của dân. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận