17/07/2019 20:00 GMT+7

Doanh nghiệp hưởng lợi gì từ chính sách hỗ trợ của ngành Dược?

T.D.V
T.D.V

Hàng loạt chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh, truyền thông quảng bá của các bộ ngành và bệnh viện... đã giúp thuốc Việt phát huy thế mạnh, hiện diện ngày càng sâu rộng hơn trong đời sống người dân.

Hưởng ứng đề án "Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam", 10 năm qua, Bộ Y tế và Sở Y tế các tỉnh thành đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng độ "phủ sóng" cho doanh nghiệp nội trên "sân nhà". Đề án thu được các thành tựu đáng khích lệ, không chỉ mở rộng thị phần trong nước, mà còn góp phần định vị thuốc Việt trên bản đồ dược phẩm thế giới.

Chính sách truyền thông, quảng bá thuốc Việt đến tay người bệnh

Những năm gần đây, nhận thức về thuốc nội của người dân đã gia tăng đáng kể, sau khi Bộ Y tế thực hiện hàng loạt các buổi tọa đàm (truyền hình, phát thanh) nhằm quảng bá tính ưu việt của thuốc Việt. Định kỳ mỗi năm 2 lần, Bộ Y tế cũng tổ chức hội chợ triển lãm quốc tế giới thiệu thuốc Việt tới thế giới, bên cạnh các hội thảo đánh giá hiệu quả điều trị và chất lượng sản phẩm của thuốc nội, nhằm thay đổi thói quen "sính ngoại" trong sử dụng thuốc hiện nay.

Trên truyền hình, các phim phóng sự giới thiệu ngành công nghiệp dược Việt Nam, thâm nhập loạt nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP-WHO, EU-GMP, PIC/s-GMP, Japan-GMP trong nước cũng được phát sóng rộng khắp. Nhờ đó, người dân có thêm góc nhìn cận cảnh về quy trình sản xuất dược phẩm đạt chất lượng quốc tế, thúc đẩy niềm tin vào thuốc Việt với giá thành rẻ hơn thuốc ngoại nhập.

Đáng chú ý nhất là chương trình "Con đường thuốc Việt", nơi vinh danh các sản phẩm thuốc tiêu biểu của Việt Nam trên 5 kênh truyền thông (truyền hình, phát thanh, báo giấy, báo điện tử và tọa đàm). Với kế hoạch truyền thông tổng lực, chương trình đã truyền tải tới cộng đồng thông điệp tích cực: "Việt Nam có đủ năng lực và công nghệ để sản xuất ra nhiều sản phẩm thuốc đảm bảo chất lượng, hiệu quả, an toàn trong phòng và chữa bệnh, với giá thành ở mức chấp nhận được so với thu nhập của người dân".

Doanh nghiệp hưởng lợi gì từ chính sách hỗ trợ của ngành Dược? - Ảnh 1.

Dược Hậu Giang chuẩn hóa các nhà máy lên PIC/s-GMP và Japan-GMP

Công tác truyền thông cũng thu hút sự hỗ trợ đáng kể của 52 Sở Y tế. Theo chỉ đạo chung, tất cả tỉnh thành đều đẩy mạnh các hoạt động tập huấn chuyên môn cho cán bộ y tế; tuyên truyền và vận động người dân ưu tiên sử dụng thuốc nội trên 4 kênh báo, đài, truyền hình địa phương, website Sở Y tế.

Nhiều tỉnh thành còn sáng tạo cách làm riêng, tiêu biểu như Sở Y tế Cần Thơ tổ chức cho hàng trăm bác sĩ tham quan các nhà máy sản xuất thuốc đạt chuẩn GMP. Trong khi đó, Kon Tum đưa tin thuốc nội chất lượng không thua kém thuốc ngoại đến người tiêu dùng, Quảng Bình tổ chức diễn đàn "Người Quảng Bình dùng thuốc Việt Nam" nhằm kêu gọi các cơ sở y tế tăng sử dụng thuốc nội...

Cơ chế hỗ trợ sản xuất kinh doanh, gia tăng lợi thế cho thuốc Việt

Có thể khẳng định rằng, kết quả nổi bật nhất của việc triển khai đề án là Bộ Y tế đã phối hợp cùng các Bộ/Ngành liên quan, trình Thủ tướng/Chính phủ các văn bản ưu tiên sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc nội. Theo thống kê, có 21 văn bản liên quan được ban hành từ năm 2013 đến nay.

Cụ thể, Luật Đấu thầu năm 2013 quy định, nếu có thuốc sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu điều trị và khả năng cung cấp, thì không được chào thầu thêm thuốc nhập khẩu tương đương. Thông tư 10/2016/TT-BYT cũng ban hành rõ danh mục tăng từ 146 thuốc lên 640 thuốc sản xuất trong nước đáp ứng các tiêu chí này, không chào thầu thuốc nhập khẩu. Kèm theo đó là quy định ưu tiên chấm thầu cao hơn 5 điểm cho 62 mặt hàng thuốc được vinh danh "Ngôi sao thuốc Việt", thuộc sở hữu của 30 doanh nghiệp dược nội địa.

Các thông tư liên quan về đấu thầu cũng đưa ra quy định tạo điều kiện thuận lợi cho thuốc nội. Theo đó, gói thầu Generic và gói thầu thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền đều có một nhóm thầu riêng dành cho các thuốc trong nước sản xuất trên dây chuyền đạt chuẩn WHO-GMP. Thuốc sản xuất trong nước đạt tiêu chuẩn EU-GMP thì sẽ được dự thầu nhóm 1 gói thầu Generic. Bộ Y tế cũng khuyến khích gia công, chuyển giao công nghệ các thuốc nước ngoài mà trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu điều trị, giá và khả năng cung cấp.

Bên cạnh đó, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi năm 2014 cũng gia tăng tỷ lệ sử dụng thuốc nội tại các cơ sở khám chữa bệnh. Việc lựa chọn danh mục thuốc do bảo hiểm xã hội chi trả được thực hiện trên nguyên tắc: ưu tiên thuốc sản xuất trong nước đạt tiêu chuẩn GMP hoặc sử dụng dược liệu khai thác tại Việt Nam... nhằm khuyến khích người Việt Nam sử dụng thuốc Việt Nam.

Doanh nghiệp hưởng lợi gì từ chính sách hỗ trợ của ngành Dược? - Ảnh 2.

Vùng dược liệu xanh đạt chuẩn GACP-WHO của Traphaco tại Nam Định

Hàng loạt Sở Y tế cũng đã xây dựng các cơ chế hỗ trợ linh hoạt cho doanh nghiệp dược địa phương. TP.HCM chỉ đạo các đơn vị sản xuất dược phẩm trên địa bàn ưu tiên đầu tư khoa học công nghệ, cải tiến mẫu mã bao bì để cung ứng thuốc chuyên khoa, thuốc đặc trị có chất lượng cao. Tiền Giang ban hành các chính sách ưu đãi về lãi xuất, thuế thuê đất xây dựng cơ sở mới, đặc biệt là sản xuất thuốc dược liệu cho doanh nghiệp nội. Trong khi đó, Nam Định xây dựng đề án lớn phát triển ngành công nghiệp dược và vùng trồng cây thuốc...

Nhiều quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng được đưa ra, nhằm thúc đẩy Chiến lược phát triển ngành dược Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, doanh nghiệp dược nội địa sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi sản xuất và kinh doanh.

T.D.V
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên