20/12/2018 17:55 GMT+7

Doanh nghiệp 'găm' ngoại tệ, gửi ngân hàng thay vì làm ăn

L.THANH
L.THANH

TTO - Theo báo cáo của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, huy động vốn ngoại tệ năm 2018 tăng mạnh, khoảng 17% so với 2,1% năm 2017. Tỉ lệ huy động vốn ngoại tệ chiếm 9,9% tổng vốn huy động.

Doanh nghiệp găm ngoại tệ, gửi ngân hàng thay vì làm ăn - Ảnh 1.

Xu hướng gửi ngoại tệ tăng mạnh trong năm 2018 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tại hội thảo Tổng quan thị trường tài chính Việt Nam 2019, tổ chức hôm nay 20-12, báo cáo của Ủy ban giám sát Tài chính quốc gia cho hay xu hướng gửi ngoại tệ năm nay tăng mạnh, ước đạt 17%, cao hơn rất nhiều so với mức 2,1% của năm 2017. Tỉ lệ huy động vốn ngoại tệ chiếm gần 10% tổng vốn huy động.

Bình luận về huy động vốn ngoại tệ tăng mạnh, tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa - nguyên phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia - nhận định các con số trên cho thấy doanh nghiệp đang găm ngoại tệ. 

Hiện tượng này xuất hiện kể từ đầu năm đến nay. Nói cách khác, các doanh nghiệp bắt đầu không dùng ngoại tệ để kinh doanh nữa mà gửi ngân hàng.

"Điều đó cho thấy các doanh nghiệp cũng rất cẩn trọng trong việc giữ khả năng thanh toán ngoại tệ của mình, tỏ ra lo ngại việc tỉ giá hối đoái có thể tăng. Đây là yếu tố mà Ngân hàng nhà nước phải cân nhắc để điều hành thị trường trong năm 2019", ông Nghĩa khuyến nghị.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng băn khoăn tỉ giá năm 2019 sẽ chịu tác động bởi việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất 4 lần trong năm nay.

Về vấn đề này, ông Lê Xuân Nghĩa nhận định việc Mỹ tăng lãi suất là sức ép rất lớn đối với tỉ giá hối đoái của năm 2019. Ngân hàng nhà nước có thể sẽ chọn phương án tiếp tục ổn định và nới lỏng một chút để đảm bảo cho xuất khẩu tốt hơn và có động thái can thiệp thị trường.

Theo ông Nghĩa, qua theo dõi từ đầu năm đến nay, thặng dư cán cân thương mại có dấu hiệu đi xuống khi quý I đạt 5,5 tỉ USD, sang đến quý II còn 2,3 tỉ USD, quý III thì thâm hụt hoặc tăng rất thấp. Cộng với thặng dư cán cân tài chính cũng đang giảm dần trong năm qua.

Về điều hành tỉ giá năm 2019, để góp phần hỗ trợ tăng trưởng đạt như mục tiêu đặt ra, ông Lê Đức Thúy - nguyên thống đốc Ngân hàng nhà nước - cho rằng nên điều hành linh hoạt, có lên có xuống như năm 2018.

Về tỉ giá năm 2018, so với hồi đầu năm, báo cáo của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia thống kê tỉ giá trung tâm tăng 1,5%; tỉ giá ngân hàng thương mại tăng 2,8% và tỉ giá thị trường tự do tăng 3,5%. Đây là mức điều chỉnh phù hợp và Ngân hàng nhà nước đã điều hành thành công, góp phần để hỗ trợ xuất khẩu, tăng trưởng kinh tế cả năm ước đạt 7%.

Riêng với việc FED tăng lãi suất lần thứ 4 trong năm nay hôm 19-12, ông Lê Xuân Nghĩa lo ngại có thể làm cho lãi suất của đồng Việt Nam chịu sức ép và khả năng chúng ta phải tăng lãi suất.

Về xu hướng của lãi suất, theo Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, so với năm 2017, lãi suất tiền gửi và cho vay đều năm nay đều cao hơn. Lãi suất tiền gửi bình quân năm nay là 5,25% còn lãi suất cho vay bình quân đạt 8,91%.

Lãi suất tăng là do kỳ vọng lạm phát tăng. Bên cạnh đó, các ngân hàng cơ cấu lại nguồn vốn đảm bảo tỉ lệ an toàn trong năm 2019 như tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ chỉ còn 40%, trong khi tỉ lệ này đang ở mức 52%.

GDP Việt Nam năm 2018 tăng 7% GDP Việt Nam năm 2018 tăng 7%

TTO - Ông Trương Văn Phước, quyền chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, cho biết ước tính tăng trưởng kinh tế cả năm nay đạt 6,9% - 7,0%, mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây.

L.THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên