![]() |
Sinh viên tại một ngày hội việc làm. Nhiều doanh nghiệp cho rằng sinh viên cần trang bị thêm kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ, làm việc nhóm... - Ảnh: Hà Bình |
Tại hội thảo, các doanh nghiệp đã thẳng thắn chỉ ra những điểm yếu kém của sinh viên khi mới vào làm tại doanh nghiệp và những kỹ năng họ mong muốn ở sinh viên. Ông Masaki Yamashita - chủ tịch Hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam - cho biết nhiều doanh nghiệp nước ngoài không hài lòng với kỹ năng giao tiếp và kỹ năng làm việc nhóm của nhân viên Việt Nam làm việc tại công ty họ.
“Trong công việc, chắc chắn sẽ nảy sinh những vấn đề mà không có khả năng làm việc nhóm thì không thể giải quyết được. Ở công ty tôi, có vấn đề thảo luận bằng tiếng Anh thì các bạn không hiểu. Tôi để các bạn trao đổi với nhau bằng tiếng Việt thì các bạn nói không phải lỗi do tôi. Cuối cùng, không giải quyết được gì” - ông Masaki Yamashita nói. Cũng theo ông Masaki
Yamashita, nhân viên Việt làm việc tại công ty ông ngại nói chuyện với cấp trên là người lớn tuổi. “Công việc phát sinh vấn đề gì các bạn thường ngại nói với cấp trên mà chỉ nói với nhau. Đến khi cấp trên biết thì việc đã rất lớn và giải quyết rất mất thời gian” - ông Masaki nói thêm.
Tương tự, ông Trần Thanh Liêm - Tổng công ty điện lực TP.HCM - cũng cho rằng sinh viên về làm việc tại công ty ông còn thiếu một số kỹ năng như diễn thuyết, trình bày và đặc biệt là yếu ngoại ngữ. Ông Liêm nói: “Các bạn có thể đọc được, viết được nhưng không nói được. Do đó, chúng tôi khó tìm được người để cử đi dự hội thảo, hội nghị và học tập ở nước ngoài. Một kỹ năng nữa là làm việc nhóm. Các bạn làm việc cá nhân rất tốt nhưng khi làm việc nhóm có những bất đồng không giải quyết được. Các bạn cũng yếu về kỹ năng nghiên cứu, viết luận, nhìn nhận vấn đề khó khăn của cơ quan để giải quyết”.
Ông Liêm cũng cho biết công nghệ thay đổi rất nhanh và trường ĐH cập nhập không kịp. “Bên tôi thường đấu thầu những thiết bị, kỹ thuật tiên tiến. Đấu thầu xong thì những tài liệu kỹ thuật của thiết bị đó không dùng nữa. Các trường có thể liên hệ, chúng tôi sẽ trao lại nhằm giúp sinh viên tiếp cận những tài liệu này, để cập nhật kỹ thuật, thiết bị mới” - ông Liêm gợi ý.
Trong tham luận gởi đến hội thảo, TS. Lê Hữu Phước - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM thông tin qua khảo sát sinh viên ra trường, có 6 yếu tố chính giúp sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm (xếp thứ tự từ cao đến thấp) là: kiến thức chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, kỹ năng mềm, trình độ tin học, quan hệ quen biết và vốn sống. Từ thực tế đó, góp ý cho cải tiến chương trình đào tạo, cựu sinh viên đề nghị tăng thời gian học thực hành, gắn lý thuyết với thực hành; giảm bớt một số môn học đại cương, tăng cường cho sinh viên đi thực tế, đòi hỏi cao hơn trình độ tiếng Anh và kỹ năng tin học, tăng thêm các môn học về kỹ năng mềm...
Tham dự hội thảo, ông Trần Anh Tuấn - phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM - thông tin trong năm 2013, TP.HCM sẽ có 270.000 chỗ việc làm trống, trong đó có 140.000 việc làm mới.
Theo ông Tuấn, nhu cầu tuyển dụng trong năm 2013 tập trung nhiều vào những ngành nghề thuộc lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ như: nhân viên kinh doanh, bán hàng, dịch vụ, phục vụ, y tế, chăm sóc sức khỏe, du lịch, tư vấn, bảo hiển... Trong đó, nhu cầu nhân lực chất lượng cao sẽ thu hút nhân lực ở các ngành nghề như cơ khí, xây dựng, công nghệ thông tin, điện tử, điện, điện công nghiệp, điện lạnh...
Áo Trắng số 23 ra ngày 15/12/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận