17/01/2025 09:22 GMT+7

Doanh nghiệp bất động sản hẹp cửa lách luật

Thời gian qua, cơ quan chức năng đã mạnh tay xử phạt, khởi tố nhiều vụ chủ đầu tư dự án bất động sản không bảo đảm pháp lý, lừa dối khách hàng.

Doanh nghiệp bất động sản hẹp cửa lách luật - Ảnh 1.

Một góc khu du lịch sinh thái thác Giang Điền (quy mô 118ha) - Ảnh: A LỘC

Đơn cử, Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố nhiều cá nhân thuộc Công ty cổ phần du lịch Giang Điền vì lừa đảo hơn 1.000 tỉ đồng của người mua đất nền dự án. Đây chỉ là một trong nhiều vụ án liên quan việc chủ đầu tư dự án bất động sản bội tín, lừa dối khách hàng bằng "cam kết có cánh".

Các tranh chấp phát sinh từ các thỏa thuận mua bán đất nền khi kiện ra tòa sẽ dễ bị tuyên vô hiệu. Vì vậy để tránh rủi ro việc mua dự án đất nền thì khách hàng cần tìm hiểu thật kỹ pháp lý dự án và nên đặt cọc mua bán thông qua công chứng hợp đồng đặt cọc để bảo đảm pháp lý...

Ông Nguyễn Hải Long (cố vấn pháp lý Công ty TNHH luật AGL)
Doanh nghiệp bất động sản hẹp cửa lách luật - Ảnh 2.

Đồ họa: TUẤN ANH

Mua phải dự án vi phạm pháp luật

Theo kết luận thanh tra, từ năm 2010 - 2018, Công ty Giang Điền được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt quy hoạch 1/2.000 với quy mô 118ha và được chia làm 3 khu (khu A, B và C). Sau đó, công ty này đã ký kết gần 1.300 hợp đồng mua bán đất nền tại dự án với các khách hàng, nhà đầu tư để thu lợi số tiền trên 1.000 tỉ đồng. Trong khi đó, các khu dân cư công ty phân lô rao bán, chưa được cấp quyết định chủ trương đầu tư, chưa được Nhà nước cho thuê đất, giao đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án...

Thậm chí, thanh tra còn kết luận có dấu hiệu tiếp tay của chính quyền địa phương. Cụ thể, Công ty Giang Điền nhận chuyển nhượng của các hộ gia đình, cá nhân với 73 hợp đồng được các văn phòng đăng ký đất đai chỉnh lý chưa đảm bảo quy định pháp luật. Nhiều hợp đồng Công ty Giang Điền nhận chuyển nhượng của các hộ gia đình, cá nhân, được UBND xã Giang Điền và UBND xã Quảng Tiến (huyện Trảng Bom) đưng ra chứng thực không đúng thẩm quyền.

Không chỉ dự án ở Công ty Giang Điền, tỉnh Đồng Nai còn một số dự án mua bán nền, nhà không đảm bảo tính pháp lý khiến việc tranh chấp, khiếu nại giữa nhà đầu tư và khách hàng dai dẳng, điển hình như dự án Gem Sky (huyện Long Thành).

Là một nạn nhân mua đất nền dự án Giang Điền, chị Thanh Thủy cho hay chị tích cóp, nghe theo lời rao bán dự án đất nền ở khu dân cư Giang Điền. Tuy nhiên, nhiều năm qua chờ nền, sổ vẫn chưa thấy. "Bao nhiêu người tin tưởng vào dự án rao bán nhưng cuối cùng cơ quan chức năng nói dự án này vi phạm pháp luật, lừa dối khách hàng", chị Thủy chia sẻ.

Còn anh Cảnh, một người dân đầu tư vào dự án Gem Sky ở huyện Long Thành, cho hay khi dự án sân bay Long Thành bắt đầu thi công, nhà đầu tư đã lập dự án Gem Sky và rao bán nhà phố rầm rộ. Nhưng khi anh cùng nhiều người bỏ tiền tỉ vào mua nhà nhưng đến nay vẫn chưa được giao sổ.

"Nhiều người dân vẫn trông chờ chính quyền, chủ đầu tư dự án trả lời bao giờ giao nhà, giao sổ cho dân. Chúng tôi chờ đợi nhiều năm rồi. Đối thoại với chính quyền và nhà đầu tư vẫn chưa có lối ra. Nhà đầu tư chưa làm xong các hạng mục của dự án nên chưa được cấp sổ. Còn chúng tôi thì chờ sổ đỏ và phải ôm nợ xấu từ ngân hàng", anh Cảnh nói.

Một người có trách nhiệm ở huyện Long Thành cho hay dự án Gem Sky thực hiện sau khi đấu giá đất. Dự án 92ha và có quy mô lớn ở Long Thành. Khi làm dự án Công ty Đ.X. là chủ đầu tư đã tự ý làm một con đường khác trên phần đất cao su nên cơ quan chức năng không có cơ sở để hoàn tất các thủ tục hồ sơ, cấp sổ cho người dân và phát sinh khiếu nại. "Chủ đầu tư phải khôi phục hiện trạng và hoàn tất các thủ tục pháp lý của dự án lúc đó mới được cấp sổ", vị này nói.

Vị này cũng cho hay có giai đoạn việc mua bán đất nền, nhà dễ như "mua rau muống" nên nhiều nơi quản lý đất đai, xây dựng không chặt chẽ. Người dân tin tưởng vào các dự án nên bỏ tiền đầu tư. Khi đổ vỡ ra người dân mới biết có những dự án "ma" hoặc chủ đầu tư thất tín với lời cam kết ban đầu.

Doanh nghiệp bất động sản hẹp cửa lách luật - Ảnh 3.

Luật Kinh doanh bất động sản đã có các điều chỉnh để bảo vệ khách hàng trong việc mua bán nhà, là bên ở thế yếu hơn - Ảnh: Q.ĐỊNH

Đánh vào tâm lý ham rẻ

Ở góc độ người mua, ông Nguyễn Hải Long, cố vấn pháp lý Công ty TNHH luật AGL, cho rằng người mua cần tỉnh táo và xem xét kỹ lưỡng các nội dung thỏa thuận, hợp đồng đặt cọc, hợp đồng mua bán để tránh các rủi ro khi mua nền đất dự án hoặc nhà ở hình thành trong tương lai.

Theo ông Long, Luật Kinh doanh bất động sản siết dự án phân lô bán nền tại các đô thị cho nên thực tế các dự án bán đất nền thường tọa lạc ở các tỉnh, xã vùng ven, chủ yếu là đất nông nghiệp, có giá mềm và thường được thực hiện bởi các công ty có quy mô nhỏ, không có nhiều uy tín trên thương trường. Các chủ đầu tư dự án này chủ yếu đánh vào tâm lý ham rẻ và lại muốn có cơ hội có nền đất để ở hoặc đầu tư sinh lợi.

Các dự án đất nền thông thường sẽ được chủ đầu tư che giấu pháp lý đất (vướng mắc pháp lý, thế chấp ngân hàng, giấy tờ đứng tên người khác...) kèm với dẫn dụ người mua về cơ hội sinh lợi lớn khi đất nền đầy đủ pháp lý. Thậm chí nhiều dự án người mua biết rõ pháp lý đất chưa được mua bán nhưng vẫn có niềm tin về khả năng sinh lợi nên vẫn mua để đầu tư. Rất nhiều người mua chỉ cần đặt cọc rồi lướt cọc sang tay kiếm lời.

"Các tranh chấp phát sinh từ các thỏa thuận mua bán đất nền khi kiện ra tòa sẽ dễ bị tuyên vô hiệu. Vì vậy để tránh rủi ro việc mua dự án đất nền thì khách hàng cần tìm hiểu thật kỹ pháp lý dự án và nên đặt cọc mua bán thông qua công chứng hợp đồng đặt cọc để bảo đảm pháp lý...", ông Long khuyên.

Khác với dự án đất nền có pháp lý "phập phù", các dự án nhà ở thương mại (căn hộ để ở, căn hộ du lịch, văn phòng...) được thực hiện bởi các chủ đầu tư lớn, có uy tín và pháp lý dự án rõ ràng hơn. Tuy nhiên từ thực trạng các chủ đầu tư thường huy động vốn nên người mua cần tự trang bị các kỹ năng cần thiết để đánh giá dự án có đáng tin hay không để quyết định "xuống tiền".

Cụ thể, người mua có thể xem các thông tin về pháp lý dự án trên thông tin công khai do chủ đầu tư công bố công khai. Kết hợp kiểm tra thông tin có văn bản xác nhận về đủ điều kiện mở bán (huy động vốn) từ sở xây dựng, kiểm tra dự án có được bảo lãnh của ngân hàng hay không. Bên cạnh đó người mua có thể tìm hợp đồng mẫu của dự án nhà ở hình thành trong tương lai mà chủ đầu tư đã đăng ký với sở công thương hoặc cục quản lý cạnh tranh.

"Ngoài ra người mua cũng nên kiểm tra liệu chủ đầu tư hoặc dự án mình muốn mua nhà có nằm trong danh sách vi phạm, nợ xấu, bị cấm đấu thầu... được công khai bởi các cơ quan chức năng, đơn vị liên quan hay không để đánh giá, bảo đảm chọn đúng uy tín...", ông Long khuyên.

Một số vụ xử lý hình sự chủ đầu tư

Bên cạnh vụ án lừa đảo tại Công ty cổ phần du lịch Giang Điền, thời gian qua cơ quan công an nhiều tỉnh thành đã khởi tố nhiều vụ án lừa đảo đối với các chủ đầu tư dự án bất động sản như: Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố gần 50 bị can Công ty Lộc Phúc (quận 12, TP.HCM) vì lừa đảo bán nền dự án "ma" ở xã An Viễn (huyện Trảng Bom, Đồng Nai).

Công an TP.HCM khởi tố vụ án lừa đảo bán dự án "ma" xảy ra tại Công ty TNHH House Land (quận 12); khởi tố Đinh Trường Chinh - Công ty cổ phần Phát triển và Kinh doanh nhà (TP.HCM) - tội lạm dụng tín nhiệm vì "lật kèo" đối với các lô đất dự án đã bán cho khách hàng; khởi tố vụ án lừa đảo đối với Công ty Đại Hải xảy ra tại dự án khu dân cư Hiệp Bình Chánh (tức Sông Đà, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức).

Công an TP Hà Nội khởi tố chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh Lê Thanh Thản tội lừa dối khách hàng; Bộ Công an khởi tố Đinh Hồng Hải (Công ty TNHH thương mại, xây dựng, kinh doanh nhà Tân Hồng Uy) tội danh lừa đảo...

Luật đã điều chỉnh để bảo vệ khách hàng

Doanh nghiệp bất động sản hẹp cửa lách luật - Ảnh 3.

Quản lý đất nông nghiệp luôn là vấn đề khó của các địa phương. Trong ảnh: những bảng cấm san lấp xây dựng nhà ở tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Hiện nay, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 đã có các điều chỉnh để bảo vệ khách hàng trong việc mua bán nhà, là bên thường ở thế yếu hơn.

Theo luật sư Bùi Quốc Tuấn - Đoàn luật sư TP.HCM, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 quy định hợp đồng đặt cọc mua nhà hình thành trong tương lai không quá 5% giá bán nhà khi đã đủ điều kiện đưa vào kinh doanh, để chống huy động vốn không đúng quy định. Thỏa thuận đặt cọc phải ghi rõ giá bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình. Việc này nhằm chấm dứt tình trạng mới chỉ ký hợp đồng đặt cọc, nhà ở chưa xây dựng nhưng chủ đầu tư thu của người mua đến 70 - 80% như trước đây.

Theo luật sư Tuấn, Luật Kinh doanh bất động sản hiện tại đã siết điều kiện kinh doanh, tạo hành lang pháp lý cho môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch hơn... Nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai chỉ được đưa vào kinh doanh khi có một trong các giấy tờ về quyền sử dụng đất; giấy phép xây dựng; thông báo khởi công xây dựng công trình; giấy tờ về nghiệm thu việc đã hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật; có văn bản đủ điều kiện bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai; đã được công khai thông tin về bất động sản, dự án bất động sản đưa vào kinh doanh... Luật cũng quy định rõ các tỉnh thành, các đô thị, các khu vực cấm phân lô bán nền. Còn các dự án đất nền có hạ tầng kỹ thuật được phép bán cũng phải đáp ứng các điều kiện quy định rất chặt chẽ.

Theo luật sư Lương Ngọc Đinh - giám đốc Công ty luật TNHH Thịnh Việt Trí, trước khi ký hợp đồng mua bán nhà theo Luật Kinh doanh bất động sản hiện hành, người mua cần tham khảo hợp đồng mẫu để rà soát điều khoản tùy nghi có khả năng gây ra rủi ro hay không để chủ động thương thảo với chủ đầu tư trước khi đặt bút ký.

Còn thông tin pháp lý dự án đủ điều kiện mở bán hay chưa thì khách hàng cần tìm hiểu tại sở xây dựng, tìm hiểu dự án có được ngân hàng bảo lãnh hay không... để quyết định việc mua nhà dự án. Đối với các hợp đồng mua bán nhà khách hàng đã ký với chủ đầu tư trước khi Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực mà nhận thấy chưa thỏa đáng, gây thiệt thòi quyền lợi, khách hàng có thể lựa chọn việc khiếu nại đến Cục quản lý cạnh tranh, sở công thương, hội bảo vệ người tiêu dùng, sở xây dựng hoặc kiện ra tòa để được phân xử...

Lách luật để huy động vốn

Doanh nghiệp bất động sản hẹp cửa lách luật - Ảnh 4.

Với dự án nhà ở hình thành trong tương lai, các chủ đầu tư sẽ lách luật để huy động vốn bằng các hợp đồng tư vấn, hợp đồng môi giới, đặt cọc... - Ảnh: Q.Đ.

Phân tích về "bẫy" trong hợp đồng mua bán bất động sản, luật sư Lương Ngọc Đinh cho rằng dù sản phẩm bất động sản là đất nền hay dự án nhà ở thì muốn đưa vào kinh doanh, bán cho khách hàng thì đều phải bảo đảm các điều kiện luật định.

Theo Luật về kinh doanh bất động sản 2024 (hoặc Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014), trước khi ký hợp đồng bán nhà đất cho khách hàng thì doanh nghiệp phải đăng ký hợp đồng mẫu với Cục quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) hoặc sở công thương các tỉnh. Dự án được mở bán (huy động vốn) khi đã có văn bản chấp thuận của sở xây dựng và bảo lãnh của ngân hàng. Tuy nhiên, thực tế không nhiều dự án chủ đầu tư bán cho khách hàng khi đã đủ điều kiện mà sẽ lách luật để huy động vốn hoặc thậm chí có ý lừa dối từ đầu (nhất là dự án đất nền).

Đối với dạng sản phẩm đất nền thì giao dịch giữa chủ đầu tư với khách hàng có thể thể hiện ở dạng văn bản thỏa thuận, hứa mua, hứa bán, quyền mua, quyền chọn... Các văn bản thỏa thuận trên có nội dung khá sơ sài, mơ hồ về thời điểm giao nền cũng như đất nền đủ giấy tờ pháp lý, chủ yếu là giấy tay chứ không thể hiện bằng hợp đồng công chứng. "Đối với dạng dự án đất nền này xuất hiện nhiều vụ án lừa đảo nhất và khách hàng gặp nhiều rủi ro nhất, mất tiền cọc, mất tiền thanh toán theo tiến độ...", luật sư Đinh nhận định.

Còn đối với dự án nhà ở hình thành trong tương lai thì các chủ đầu tư sẽ lách luật để bán nhà, huy động vốn bằng các hợp đồng tư vấn, hợp đồng môi giới, đặt cọc... Đến khi dự án hoàn thiện về pháp lý, điều kiện mở bán thì chủ đầu tư mới ký chính thức với khách hàng hợp đồng mua bán.

Về nguyên tắc hợp đồng bao gồm các điều khoản bắt buộc (như giá bán, diện tích, thanh toán...) đúng theo hợp đồng mẫu đã đăng ký với cơ quan chức năng thì hợp đồng còn có các điều khoản tùy nghi cho hai bên bán - mua thỏa thuận. Nhưng thực tế phía chủ đầu tư thường soạn sẵn các nội dung của điều khoản tùy nghi, tranh thủ phần "lợi" về mình và đẩy rủi ro cho phía khách hàng.

Điển hình, theo luật sư Đinh, một số điều khoản trong hợp đồng mua bán nhà gây bất lợi cho khách hàng như: bàn giao nhà theo "quý/năm" là một khái niệm thời gian không được luật định; điều khoản phạt tiền khách hàng chậm thanh toán theo tỉ suất; gài điều khoản bảo mật hợp đồng mua bán; gài điều khoản hạn chế quyền bán lại nhà dự án của khách hàng; hợp đồng không chốt rõ giá trị hợp đồng của nhà mua bán mà chỉ là "tạm tính"...

Đáng nói, theo luật sư Đinh, thời gian qua nổi lên phương thức phổ biến được các chủ đầu tư sử dụng đó là sử dụng nhiều pháp nhân khác nhau của cùng một hệ sinh thái với các phân công từng pháp nhân phụ trách các khâu khác nhau (như nhà phát triển dự án, nhà đầu tư, nhà phân phối, môi giới...) để giao dịch với khách hàng. Trong đó pháp nhân phụ trách tư vấn, phân phối đứng ra để tư vấn, ký hợp đồng (thể hiện ở dạng hợp đồng tư vấn, hợp đồng giới thiệu sản phẩm...), thu tiền thanh toán từ khách hàng.

Bằng cách này chủ đầu tư thực sự của dự án không bị quy kết việc huy động vốn, bán nhà chưa đủ điều kiện hoặc đỡ phần trách nhiệm khi dự án không bảo đảm cam kết về thời hạn bàn giao nhà cho khách.

Thủ thuật tinh vi

Theo luật sư Lương Ngọc Đinh, một "thủ thuật" tinh vi và khá phổ biến được một số chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại sử dụng đó là liên kết với tổ chức tín dụng cho vay mua nhà.

"Khách hàng sẽ thanh toán cho chủ đầu tư 30% giá trị hợp đồng. Phần còn lại khách hàng sẽ làm hợp đồng vay và ngân hàng sẽ giải ngân cho chủ đầu tư. Chủ đầu tư cam kết trong thời gian chưa bàn giao nhà, khai thác nhà ở thì chủ đầu tư sẽ đóng lãi suất khoản vay thay cho khách hàng. Tiếp đó, giữa chủ đầu tư và ngân hàng cùng với khách hàng sẽ thực hiện việc hợp thức hóa hồ sơ vay mua nhà theo quy định. Tuy nhiên khi dự án bị đình trệ, trễ nải, chủ đầu tư khó khăn không trả lãi thì bên mua sẽ gặp rủi ro bị ngân hàng thu nợ, siết nợ...", luật sư Đinh chỉ ra.

Doanh nghiệp bất động sản hẹp cửa lách luật - Ảnh 6.Chủ đầu tư bất động sản lách luật nhận đặt cọc, giữ chỗ với số tiền rất lớn

Bộ Xây dựng thừa nhận thị trường bất động sản bộc lộ một số bất cập, có việc chủ đầu tư huy động vốn từ người mua nhà khi dự án nhà ở chưa đủ điều kiện.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên