Phóng to |
Bé Sang (trái) chơi với bạn trong khuôn viên trường mẫu giáo - Ảnh: T.T.D. |
Không có ai tên giống mẹ đứa bé Ông Đặng Thọ Liễu - bí thư kiêm chủ tịch xã Tùng Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) - cho biết ở thôn Tây Vinh không có người nào tên khai sinh là Nguyễn Thị Thảo, sinh 1986. Theo ông Liễu, hiện nay ở thôn Tây Vinh có đến bốn người có tên là Thảo, đang sinh sống với chồng con, người thân nhưng đều khác họ, khác tuổi với trường hợp chị Thảo nói trên. VĂN ĐỊNH |
Tôi chạy vạy, lạy lục khắp nơi mà người ta cứ hẹn lần hẹn lữa. Tôi không có hộ khẩu nên người ta nói tôi không đứng ra làm khai sinh cho cháu được.
Hiện giờ tôi chỉ còn tờ giấy chứng sinh do Bệnh viện Từ Dũ xác nhận cho cháu nội tôi là Lê Quang Sang, 6 tuổi (cha là Lê Văn Kiệt) được mẹ nó là Nguyễn Thị Thảo (sinh năm 1986 tại thôn Tây Vinh, xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) sinh ra ngày 3-6-2007.
Bởi cha mẹ chúng thương nhau rồi có bầu nên hai đứa đưa nhau về nhà tôi ở, không có đăng ký kết hôn. Cũng tính bao giờ nó sinh mẹ tròn con vuông thì biện cơi trầu ra quê nói chuyện với ông bà sui. Nhưng sau khi sinh con mới được 15 ngày, mẹ của cu Sang bỏ đi không nói lý do, cũng không ai biết đi đâu. Mẹ bỏ đi, cha đi làm thuê nơi khác, rồi lập gia đình, ở riêng, bé Sang ở lại với chúng tôi. Hai vợ chồng già ngày đi làm thuê kiếm tiền, vừa để lo cho gia đình vừa để nuôi thằng bé. Nhưng trộm vía, nó ngoan nên chăm sóc cũng đỡ cơ cực. Nhiều lúc tôi cũng tự hỏi tại sao con dâu tôi lại bỏ đứa con thơ dại lại?
Tám tháng sau ngày con dâu bỏ đi, tôi nhận được tin mẹ cháu đã chết vì tai nạn giao thông. Phải đi làm thuê từng bữa nên chúng tôi cũng chẳng thể về quê ngoại của thằng bé, hơn nữa cha cháu cũng đã lấy vợ khác rồi nên chẳng thiết tha gì việc tìm mẹ cho cháu nữa.
Ông Lê Văn Hiệp với nỗi ưu tư về việc làm giấy khai sinh cho cháu - Ảnh: T.T.D. |
Đặt tên thằng bé là Lê Quang Sang nhưng đó chỉ là tên gọi thôi, tôi chẳng có giấy tờ gì chứng minh rằng thằng bé có tên như thế. Gia đình tôi trước đây có hộ khẩu ở quận 4, sau tôi đi kinh tế mới ở Tây Ninh, rồi làm ăn khó khăn quá tôi lại về TP.HCM. Nhưng khi đó, do suy nghĩ nông cạn nên nhà tôi không chuyển hộ khẩu theo. Đến nay ở Tây Ninh cũng đã cắt khẩu, ở TP.HCM thì không nhập được nên các con của tôi đều không có khai sinh. Tôi cũng chẳng có tài sản, nhà cửa gì, nay thuê đây, mai thuê chỗ khác nên chẳng ai nghĩ đến việc làm giấy khai sinh cho cu Sang, cháu không xin học trường công lập được nên phải học mẫu giáo ở Trường tư thục Sơn Ca. Nhưng đến lớp 1 thì phải có giấy khai sinh.
Tôi lên xã để hỏi, hỏi cả luật sư, văn phòng trợ giúp pháp lý cho người nghèo nhưng càng hỏi càng rối tinh vì không biết sẽ bắt đầu làm khai sinh cho cháu bằng cách nào. Cầm giấy chứng sinh kèm tất cả giấy tờ mà cán bộ tư pháp yêu cầu, tôi lên xã, nhưng đã gần một tháng trôi qua rồi mà họ bảo vẫn chưa xác minh xong. Kể cả người hàng xóm tốt bụng cạnh nhà tôi đã có hộ khẩu tại xã, nói sẽ nhận thằng bé làm con nuôi để khai sinh cho cháu nhưng cũng không thể làm được. Chẳng lẽ cháu tôi không bao giờ làm khai sinh?
Mọi việc giậm chân tại chỗ Trả lời báo Tuổi Trẻ ngày 11-4-2013 về việc khai sinh cho cháu Lê Quang Sang, bà Nguyễn Thị Hồng Yến - phó chủ tịch UBND xã Hưng Long, huyện Bình Chánh - cho biết: “Gia đình ông Lê Văn Hiệp mới chuyển về ấp 5, xã Hưng Long, huyện Bình Chánh được bảy tháng. Tuy nhiên, cán bộ của xã sẽ hướng dẫn ông Hiệp những thủ tục và bản khai cần thiết để thực hiện việc khai sinh. Về việc mẹ cháu bé đã bỏ đi, không ở tại địa phương thì người nuôi dưỡng có thể mang sổ tạm trú đến để nộp và thực hiện theo đúng quy trình thủ tục theo quyết định số 07 ngày 1-3-2013 của UBND TP.HCM về quy chế thực hiện cơ chế một cửa liên thông nhóm thủ tục hành chính về lĩnh vực hộ tịch, bảo hiểm y tế và đăng ký quản lý cư trú trên địa bàn TP.HCM”. Tuy nhiên, đúng một tháng sau (ngày 11-5), khi ông Hiệp bổ sung các loại giấy tờ để xin khai sinh cho cháu, mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ! Đăng ký khai sinh cho con không nhất thiết cần hộ khẩu Về nguyên tắc chung, thẩm quyền đăng ký khai sinh cho người con là UBND cấp xã nơi cư trú của người mẹ, nếu không xác định được nơi cư trú của người mẹ thì UBND cấp xã nơi cư trú của người cha thực hiện việc đăng ký khai sinh. Trường hợp ông Lê Văn Kiệt, cha của bé Sang, muốn làm khai sinh mà ông không có hộ khẩu thì UBND cấp xã nơi bé Sang đang sinh sống trên thực tế vẫn có thẩm quyền đăng ký khai sinh trong trường hợp không xác định được nơi cư trú của người mẹ và người cha (khoản 2, điều 13, nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27-12-2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch). Do cha mẹ của cháu bé không có đăng ký kết hôn và mẹ bé bỏ đi không xác định được địa chỉ, quyền đăng ký khai sinh cho con sẽ theo khoản 4, mục II, thông tư 01/2008/TT-BTP ngày 2-6-2008 hướng dẫn thực hiện một số quy định của nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27-12-2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch: “Trong trường hợp cha, mẹ của trẻ chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn, người mẹ để con lại cho người cha và bỏ đi không xác định được địa chỉ thì khi người cha làm thủ tục nhận con, không cần phải có ý kiến của người mẹ. Khi đăng ký khai sinh, phần ghi về người mẹ trong giấy khai sinh và sổ đăng ký khai sinh được ghi theo giấy chứng sinh. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì ghi theo lời khai của người cha, nếu người cha không khai về người mẹ thì để trống”. Do vậy, ông Lê Văn Kiệt có quyền yêu cầu UBND cấp xã nơi con mình sống trên thực tế đăng ký khai sinh. Luật gia NGUYỄN THANH XUÂN |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận