Ông Phan Xuân Hào, chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Quảng Bình, cho biết ngày 7-5 đoàn công tác của Tổng cục Môi trường và Sở Tài nguyên - môi trường Quảng Bình đã lặn khảo sát, lấy mẫu ở vùng biển Nhân Trạch, nơi được cho rằng có “cá chết xếp lớp và rạn san hô chết dưới đáy biển”.
Cảnh quay được dưới biển của đoàn công tác tương đối giống với những cảnh quay mà người dân đã lặn quay được trong những ngày qua, không thấy “cá chết xếp lớp” dưới đáy biển hay mắc trong rạn san hô và có nước đục trắng nghi hóa chất...
“Các mẫu đoàn đã lấy dưới đáy biển như bùn đất, xác thủy hải sản, san hô và các trầm tích phải được phân tích cẩn trọng, chuyên sâu. Các mẫu nước biển ở tầng đáy, tầng mặt... cũng phải phân tích kỹ lưỡng trước khi đưa ra kết luận về môi sinh biển” - ông Hào nói.
Ông Lê Minh Ngân, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Quảng Bình, cho biết từ đêm 7-5, ngay sau khi đoàn công tác từ biển trở về, ông và cán bộ chuyên ngành của Tổng cục Môi trường và sở đã xem rất kỹ các băng quay dưới đáy biển ở vùng biển xã Nhân Trạch.
Theo ông Ngân, trước mắt chưa thể đưa ra một nhận định nào.
Trước đó, phóng viên Tuổi Trẻ cùng với đội thợ lặn tại xã Nhân Trạch đã ra khơi lặn xuống vùng biển Nhân Trạch, Quảng Bình này để ghi lại những hình ảnh dưới đáy biển.
Tại điểm quay thứ nhất ở bãi Rạn, hình ảnh camera lướt đi dưới đáy biển cho thấy các thợ lặn đã thám thính ở một khu vực gần 500m2. Hoàn toàn không thấy một dấu hiệu nào của “lớp xác cá dày nửa mét” như một số thông tin trước đó.
Ngư dân Trương Đô nói: “Hai anh em đã lặn rất rộng ở những điểm có khả năng có nhiều cá chết nhất vùng biển ni rồi. Cá chết không thấy nhưng cá sống cũng không có nhiều. Cũng chẳng thấy một lớp bột trắng đục nào tích dưới biển như người ta đồn cả” -
Trong đoạn phim lần thứ hai, cách điểm quay lần thứ nhất, nước biển có vẻ trong hơn, phim quay được đẹp hơn.
Nhưng những gì các thợ lặn quay được đem lại một nỗi buồn không thể tả: không tôm không cá, chỉ thấy một vài con nhím biển là còn sống.
* Trong khi đó, chia sẻ khó khăn với người dân nuôi cá lồng trên sông Bưởi vừa bị thiệt hại nặng nề do cá chết hàng loạt, ngày 7 và 8-5 Huyện đoàn Thạch Thành (Thanh Hóa) đã đến thăm và hỗ trợ 24 hộ dân nuôi cá lồng bị thiệt hại nặng; mỗi suất quà cho người dân gồm gạo, mì gói, xà phòng (trị giá 500.000 đồng/suất).
Ngày 8-5, tất cả đoàn viên ở các xã ven sông Bưởi đồng loạt ra quân dọn vệ sinh môi trường trên dòng sông, vớt cá, tôm chết đem đi tiêu hủy; đồng thời giúp người dân nuôi cá vệ sinh lồng nuôi để chuẩn bị lứa nuôi cá mới thời gian tới.
Lãnh đạo UBND huyện Thạch Thành và Sở Tài nguyên - môi trường Thanh Hóa đã có buổi làm việc với Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Hòa Bình và một số nhà máy chế biến nông sản tại huyện Lạc Sơn tìm nguyên nhân gây ra việc cá tôm tự nhiên và cá nuôi lồng trên sông Bưởi chết hàng loạt nhiều ngày nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận