Gia đình nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - con trai nhạc sĩ Đỗ Nhuận - bên hình ảnh con tem bưu chính kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đỗ Nhuận - Ảnh: T.ĐIỂU
Nhà lý luận, phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu - phó chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam - tại hội thảo khoa học "Đỗ Nhuận - Âm thanh cuộc đời", do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức ngày 25-12 tại Hà Nội, cho biết đồng nghiệp và người yêu âm nhạc đã gọi tác giả Du kích sông Thao là "nhạc sĩ nhân dân" và ông hoàn toàn xứng đáng với sự vinh danh này. Hội thảo diễn ra nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Đỗ Nhuận.
Bà Minh Châu cho biết, tham gia cách mạng từ rất sớm, "một người tù vừa đi vừa hát" Đỗ Nhuận gắn bó ân nghĩa với nhân dân, với cách mạng. Nhạc kịch Cô Sao - vở opera đầu tiên của âm nhạc Việt Nam - chính là để tác giả "trả nghĩa cho Cách mạng Tháng Tám". Còn vở nhạc kịch thứ hai Người tác tượng (mới được Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam dựng năm 2019) chính là để "trả nghĩa cho đồng bào miền Nam".
Nhạc sĩ Thụy Kha thì gọi Đỗ Nhuận là người khởi sự, theo nghĩa ông là người tiên phong trong nhiều chuyện: người đầu tiên sáng tác nhạc về du kích (bài Du kích ca, Du kích sông Thao…), nhạc sĩ đầu tiên viết về kháng chiến Nam Bộ, nhạc sĩ tiên phong khai thác đề tài về đồng bào Tây Bắc trong âm nhạc bằng ca cảnh Anh Pàn để rồi mở ra một đề tài về người dân tộc thiểu số trong nghệ thuật cách mạng Việt Nam. Đỗ Nhuận cũng là người khởi sự mời các nhạc sĩ Việt Nam sáng tác ở nước ngoài về nước biểu diễn những năm 1990 như Nguyễn Thiện Đạo, Tôn Thất Tiết.
Trong số những sáng tác của Đỗ Nhuận, ông Kha đánh giá nhạc kịch Cô Sao là đỉnh cao của âm nhạc Việt Nam. Kể từ vở nhạc kịch đầu tiên này, đến nay Việt Nam mới có chừng tám nhạc kịch được sáng tác trọn vẹn. Dịp này, Bộ TT-TT cũng ra mắt bộ tem bưu chính kỷ niệm 100 năm sinh nhạc sĩ Đỗ Nhuận (1922 - 2022).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận