Phóng to |
Nhạc sĩ Đỗ Nhuận |
Cuốn hồi ký dày trên 500 trang, gồm ba phần chính với nhiều tư liệu quí thuật lại sự nghiệp của nhạc sĩ Đỗ Nhuận nói riêng và văn nghệ sĩ nói chung từ kháng chiến chống Pháp đến khoảng những năm 1960.
Xuyên suốt phần thứ nhất, bằng giọng văn giản dị, Đỗ Nhuận kể rất nhiều câu chuyện nhỏ nhưng đủ ấn tượng để khẳng định bản lĩnh sáng tác của một nhạc sĩ VN nhạy cảm với âm nhạc dân gian quyết không bắt chước nhạc Tây, Tàu (Ông Hai Tây, Ông Cà Rình, Người thổi kèn lá, Thầy đàn cải lương); quá trình giác ngộ và trưởng thành cách mạng của một nhạc sĩ đi theo kháng chiến một cách trong sáng và cương quyết (Tìm đường hoạt động, Cờ đỏ búa liềm phất phới tung bay, Tiếng hát trong tù…); thái độ lạc quan, sự tận tâm cống hiến cộng với tài năng làm nên một nhạc sĩ dồi dào và đa dạng trong sáng tác (Chiến dịch Trần Đình, Con ngựa già văn công. Vở chèo Hòn đá...).
Phần thứ hai của cuốn hồi ký tập hợp những bài viết về âm nhạc của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, gồm một số bài đã đăng báo và nói chuyện. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân (con trai của nhạc sĩ Đỗ Nhuận) nói: “Trong nhiều bài viết của cha tôi, ông kiên quyết bày tỏ thái độ đấu tranh nảy lửa với những khuynh hướng ông cho là không chính thống trong âm nhạc”.
Một số bài viết khác viết dưới dạng giải đáp thắc mắc về âm nhạc, một số viết dưới dạng kể chuyện với nhiều tư liệu thú vị về một số văn nghệ sĩ, hoàn cảnh ra đời bộ ba bài hát về Điện Biên.
“Nhạc sĩ Đỗ Nhuận - đất nước ghi công”, tên phần ba của cuốn sách, tổng hợp những bài viết của các tác giả về nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Có lẽ số bài viết ít ỏi (12 bài không dài) là một sự khiêm tốn cố ý của gia đình tác giả.
Những trang cuối cùng của cuốn sách được dành cho 10 ca khúc nổi bật trong sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Đỗ Nhuận từ năm 1943 - 1960, phù hợp với mốc thời gian đề cập trong nội dung hồi ký.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận