09/03/2012 07:50 GMT+7

DN thủy sản nợ nần: Người nuôi cá chới với

H.Đăng
H.Đăng

TT - Thế chấp nhà đất để vay vốn nuôi cá tra nhưng lại bị DN chế biến chiếm dụng vốn, chây ỳ không trả tiền mua cá khiến nhiều người phải bán nhà, bán đất, làm thuê chạy gạo từng bữa, trở thành tay trắng.

Đó là thảm cảnh của nhiều người nuôi cá ở ĐBSCL.

“Đối tác thập thò, ngân hàng đóng cửa”Công ty Bình An bán bất động sản để trả nợ

LKivKDxi.jpgPhóng to
Mấy tháng nay tôi như ngồi trên đống lửa vì bị Công ty Bình An dây dưa tiền mua cá. Ông Nguyễn Văn Liền (người nuôi cá ở phường Tân Lộc,quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) - Ảnh: Tấn Đức

Nhà giàu cũng khóc

Nhiều nông dân đứng bên bờ vực

“Nhiều nguyên nhân khiến doanh nghiệp chây ỳ, chiếm dụng tiền mua cá của nông dân, trong đó có việc ngân hàng tạm ngưng cho vay, thanh khoản chậm và nhất là việc doanh nghiệp chế biến đầu tư vùng nuôi với sản lượng có nơi lên tới 70% nhu cầu nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu dẫn tới khó khăn về vốn. Nhiều nông dân đang đứng bên bờ vực phá sản nếu không giải quyết dứt tình trạng nóng bỏng này” - ông Lê Chí Bình, chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản tỉnh An Giang, nói.

Sau hàng chục năm nuôi cá tra hầm, gia đình ông Nguyễn Văn Liền (Ba Liền, 60 tuổi, TP Cần Thơ) được xếp vào hàng đại gia. Bốn ao nuôi với tổng diện tích hơn 15 công (15.000m2) bên dòng sông Hậu năm nào cũng mang lại lợi nhuận không dưới nửa tỉ đồng. Năm 2009, ông Liền mua thêm 40 công đất ruộng, rủ bà Phạm Thị Mai - một doanh nghiệp xay xát tại địa phương - hùn vốn đào ao tăng diện tích nuôi.

Trong hai năm đầu, ông Ba Liền đã đổ vào đây gần chục tỉ đồng đầu tư hệ thống cấp thoát nước, xử lý phèn, tôn tạo bờ bao chống lũ... Đến kỳ thu hoạch thứ ba (tháng 5-2011), ông Ba Liền tính với sản lượng trên 800 tấn, trong khi giá cá ở mức cao, ông sẽ trả dứt hết các khoản nợ đã vay để đầu tư và có lãi.

Nhưng niềm hi vọng của ông đã tan vỡ khi Công ty cổ phần thủy sản Bình An (Khu công nghiệp Trà Nóc 2, TP Cần Thơ) - đơn vị mua cá - cứ trả tiền nhỏ giọt và tính đến ngày 6-3 còn nợ 15,7 tỉ đồng “treo” luôn, chưa biết bao giờ mới trả.

Không thu được tiền bán cá, ông Ba Liền và bà Mai như ngồi trên đống lửa khi các chủ nợ liên tục đòi. Với tổng nợ hơn 15 tỉ đồng, lãi suất 1,8%/tháng, chỉ riêng số lãi phát sinh hằng tháng đã lên tới hàng trăm triệu đồng. Để giảm bớt áp lực, ông Ba Liền đành tìm người sang lại 40.000m2 ao nuôi với giá 2,5 tỉ đồng, chỉ bằng phân nửa so với số tiền ông đã bỏ ra để mua, chưa tính công cải tạo đất ruộng thành ao.

Trong khi nợ nần bủa vây, ông Ba Liền lại đang đối mặt với mối lo quá sức: mỗi ngày phải có gần 4 tấn thức ăn viên và 3 tấn thức ăn tự chế, tương ứng khoảng 60 triệu đồng “ném” xuống bốn ao cá đang nuôi dang dở. Rồi cùng đường, ông giao luôn ao cho cửa hàng cung cấp thức ăn, khi thu hoạch họ sẽ đứng ra bán cá cho doanh nghiệp chế biến và trực tiếp thu tiền để cấn nợ. “Bốn ao cá còn hơn tháng nữa bắt đầu thu hoạch nhưng coi như của người ta hết rồi, mình chẳng khác gì đang làm thuê để trả nợ ngay trên mảnh đất của mình” - ông Ba Liền chua xót.

g62GONqB.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Q.Cái Răng, phải đi “vay nóng” để trả nợ - Ảnh: Tấn Đức

Tại TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận có hàng chục nông dân đang ngắc ngoải trông chờ doanh nghiệp Bình An trả nợ như ông Liền, bà Mai. Như trường hợp ông Nguyễn Quang Tuyến ở P.An Hòa, TP Cần Thơ, đã hơn chín tháng Công ty Bình An vẫn còn nợ dây dưa 2 tỉ đồng. Không tiền thả nuôi vụ mới, ông Tuyến đành bỏ không hai ao cá mà ông mất bao công sức cải tạo. Hay tình cảnh của ông Nguyễn Văn Tuấn ở khu vực Phú Quới, P.Thường Thạnh, Q.Cái Răng (TP Cần Thơ), cuối năm 2010 ông thế chấp bằng khoán đất vay 2 tỉ đồng để nuôi cá tra. Tháng 7-2011, ông thu hoạch vụ nuôi đầu tiên, bán cho Công ty Bình An hơn 117 tấn cá, trị giá hơn 2,8 tỉ đồng. Qua hơn bảy tháng, sau gần 30 lần thanh toán, Công ty Bình An vẫn còn nợ ông hơn 600 triệu đồng. Kiểu trả tiền nhỏ giọt khiến ông Tuấn phải vay nóng, trả lãi hơn 30 triệu đồng mỗi tháng.

“Treo” ao đi làm thuê

pNxdJC56.jpgPhóng to
Bà Út Liềm bị DNTN Vạn Hưng nợ phải “treo” ao - Ảnh: Tấn Đức

Nợ lớn và còn phình ra

Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2010 (do Công ty TNHH Deloitte kiểm toán), tính đến ngày 31-12-2010, Công ty CP thủy sản Bình An có khoản nợ phải trả lên tới hơn 1.393 tỉ đồng, trong đó khoản nợ ngắn hạn gần 1.222 tỉ đồng và nợ dài hạn hơn 171 tỉ đồng. Cũng theo số liệu tại báo cáo tài chính này, chỉ riêng khoản lãi vay mà công ty này phải trả lên tới gần 78 tỉ đồng.

Trong năm 2011, dù lượng tiền mặt còn lại không nhiều nhưng Công ty CP thủy sản Bình An vẫn tiếp tục lao vào đầu tư những dự án không hiệu quả. Hậu quả là công ty đã không thể giảm được 30% tổng số nợ vay ngân hàng như mục tiêu đề ra (báo cáo thường niên năm 2010), mà các khoản nợ của công ty này tiếp tục phình ra.

Nhìn lên bàn thờ chồng, bà Lưu Thị Liềm (Út Liềm, 58 tuổi, TP Cần Thơ) nghẹn ngào kể: “Sau khi ông nhà tôi mất chừng hai tháng, Thức “mập” (Khưu Chí Thức, phó giám đốc DNTN Vạn Hưng, Sóc Trăng - PV) đã đến năn nỉ mua cá với cam kết sẽ trả hết tiền trong vòng 20 ngày kể từ khi bắt cá. Vậy mà họ cứ lần lữa mãi suốt gần ba năm trời, tôi phải hàng chục lần tìm đến tận nhà máy của họ ở Vĩnh Châu đòi được đồng lặn đồng mọc. Bây giờ họ còn nợ tôi gần 100 triệu đồng. Đó là gia tài tôi làm cả đời mới có”. Xem ra khả năng thu nợ của bà Liềm quá mờ mịt, bởi phó giám đốc DNTN Vạn Hưng đã bị Công an tỉnh Sóc Trăng khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong một vụ án khác.

Bà Út Liềm không có tiền tiếp tục nuôi cá, phải “treo” ao (bỏ không). Nguồn thu nhập còn lại của bà và vợ chồng người con trai út đang ở chung là bảy công ruộng nhưng cũng phải đem cầm cố để lấy 200 triệu đồng trả bớt nợ. Giờ đây bà đi làm thuê khắp xóm để mong có đúng 30.000 đồng mỗi ngày đủ mua gạo ăn. Thương mẹ tuổi cao sức yếu, cô con dâu út bày tiệm cơm chay, bánh khọt trước nhà để mẹ chồng làm việc nhẹ nhàng hơn. Người con trai thì đi thuê đất làm lúa “lấy công làm lời” mong đến ngày thu được nợ để gầy dựng lại sản nghiệp.

Cũng vì bị DNTN Vạn Hưng nợ tiền mua cá gần ba năm qua mà hàng chục hộ dân ở miền Tây phải điêu đứng, như hoàn cảnh vợ chồng anh chị Võ Thanh Tùng - Trần Thị Kiều ở khu vực Long Châu, P.Tân Lộc; hay như gia đình ông Trần Văn Tâm (53 tuổi, ở ấp Hòa An, xã Hòa Lạc, huyện Phú Tân, An Giang) bị DNTN Vạn Hưng dây dưa tiền mua cá phải bán hết ba ao nuôi, thêm một cái nhà và hai chiếc xe máy mới trả xong nợ. Giờ tay trắng, vợ chồng ông đi hái ớt, phơi khoai mì thuê để sống. Con trai đang học năm cuối chuyên ngành xây dựng tại Trường cao đẳng Nguyễn Tất Thành (TP.HCM) vì không có tiền đóng học phí, mua đồ dùng thực tập tốt nghiệp mà phải tạm ngưng việc học...

Đại tá Phan Hữu Thúy, chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Công an tỉnh Sóc Trăng, cho biết qua điều tra, đến nay có 30 trường hợp nông dân khắp các tỉnh ĐBSCL bị DNTN Vạn Hưng nợ tiền mua cá với tổng số tiền khoảng 20 tỉ đồng. Hiện cơ quan cảnh sát điều tra vẫn tiếp tục điều tra, xác minh trường hợp nợ của doanh nghiệp này.

Có thể sẽ bán công ty trả nợ

TmHpC0I7.jpgPhóng to
Ông Trần Văn Trí - Ảnh: Chí Quốc

Sau buổi họp báo “công bố những sự vụ dư luận đang quan tâm” của Công ty cổ phần thủy sản Bình An (gọi tắt là Công ty Bình An) ngày 7-3, nguyên nhân nợ nần hàng trăm tỉ đồng của doanh nghiệp này với nông dân và ngân hàng vẫn chưa được giải thích rõ ràng.

Ngày 8-3, phóng viên Tuổi Trẻ tiếp tục gặp ông Trần Văn Trí - tổng giám đốc Công ty Bình An - để tìm hiểu thêm vụ việc.

* Việc nợ nần như hiện tại có phải là do công ty đầu tư dàn trải, với việc làm dự án Viện Nghiên cứu thủy sản Bình An, Nhà máy sản xuất nước uống Callogen và đầu tư nhiều dự án bất động sản?

- Trước đây, Công ty TNHH xây dựng và thương mại Diệu Hiền có làm dự án bất động sản ở khu nam sông Cần Thơ nhưng cũng đã bán gần hết để tập trung vốn đầu tư Công ty Bình An. Còn Viện Nghiên cứu thủy sản Bình An, chúng tôi đầu tư vào viện này không hợp lý vì đúng vào thời điểm nền kinh tế khó khăn. Riêng Nhà máy sản xuất nước uống Callogen, tiền đầu tư không lớn. Các công nghệ dây chuyền chuẩn bị lắp đặt chúng tôi đã cho dừng hết rồi.

* Vậy theo ông, vì sao công ty ông nợ nần như vậy?

- Cái chính là do tiền lãi ngân hàng. Có những ngân hàng thương mại chúng tôi vay lãi suất tới 20%. Mặt khác, xuất khẩu cá đối tác thường đâu có trả tiền ngay, do đó công ty đã đóng lãi trong một thời gian dài. Chúng tôi đã cố gắng hết khả năng bằng việc bán đất đai từ các dự án để đầu tư vào nhà máy thủy sản này.

* Khi được hỏi có hay không việc Công ty Bình An nợ ngân hàng tới 1.200 tỉ đồng, ông nói với các phóng viên là để kiểm tra lại, giờ ông có số liệu chưa?

- Cái này là bí mật nhưng tôi cho rằng Công ty Bình An cân đối được.

* Tại buổi họp báo, nhiều hộ nông dân đang bị công ty ông nợ tiền mua cá vẫn chưa an tâm vì ông hứa “trong tháng 3 có tiền về sẽ trả cho những hộ lẻ”. Bình An có thực hiện được điều đó không?

- Chúng tôi có hai dự án bất động sản ở đường Nguyễn Văn Trỗi và đường Cao Thắng (TP.HCM). Những dự án này nếu bán được, trừ tiền trả ngân hàng, chúng tôi vẫn còn dôi dư để trả cho dân. Còn phần nợ ngân hàng, chúng tôi đã nghĩ đến phương án bán Công ty Bình An. Nợ ngân hàng thì doanh nghiệp nào chẳng nợ nhưng tôi đảm bảo là trả được.

H.Đăng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên