![]() |
Quy định này được đưa ra trong Dự thảo lần 3 Nghị định về Lữ hành, vận chuyển khách du lịch và hướng dẫn du lịch, do Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) soạn thảo và lấy ý kiến DN lần hai để hoàn thiện, trình Chính phủ trong tháng này. Tuy nhiên, tại hội thảo lấy ý kiến DN hôm 7-12, tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), DN vẫn kêu rất nhiều về mức tiền ký quỹ.
Mất khoản tiền lớn không sinh lời
Theo quy định, DN kinh doanh lữ hành bắt buộc phải đóng tiền ký quỹ để trả cho khách hàng khi DN vi phạm hợp đồng với khách; hoặc khi giải quyết những rủi ro đột xuất xảy ra với du khách trong trường hợp DN không đủ năng lực tài chính. Số tiền này được gửi vào một tài khoản thống nhất tại ngân hàng, và hàng tháng, DN sẽ được nhận lãi suất tiền gửi.
Tuy nhiên, Điều 8 Chương II của dự thảo Nghị định có nói rằng, cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch có quyền thẩm định và cho ý kiến đối với các dự án xây mới hoặc nâng cấp cơ sở lưu trú du lịch. Theo nhiều đại biểu, điều kiện này đang vấp phải những quy định đã có của Bộ, ngành về đất đai và xây dựng cùng các Sở Địa chính trong toàn quốc. Do vậy, phải thống nhất một đầu mối cấp phép để DN đỡ gặp rắc rối, phiền hà khi đi xin giấy phép.
Bà Khúc Thị Quả, Phó Giám đốc Công ty Du lịch VN tại Hà Nội, cho rằng, mục đích của việc ký quỹ là rất tốt nhằm bảo vệ du khách cũng như lập lại kỷ cương trật tự trong kinh doanh du lịch lữ hành. Song, với mức lãi suất tiền gửi quá thấp thì DN không thu lời là bao. Trong khi đó, việc đầu tư cho kinh doanh lại cần nguồn vốn rất lớn. Chỉ với mức ký quỹ là 250 triệu đồng như hiện nay, cộng với 30.000USD đặt cọc làm đại lý vé máy bay, Công ty Du lịch VN tại Hà Nội lại phải tất tả đi vay với lãi suất trên 1,1%.
Đồng tình với ý kiến này, ông Tô Lâm (Hiệp hội Du lịch VN bức xúc, việc ký quỹ là cần thiết nhưng nên ở mức độ hợp lý, bởi với mức 500 triệu đồng mà Dự thảo Nghị định đưa ra thì DN mất đi một nguồn vốn sinh lời lớn. Trong khi đó, có tới 473 DN lữ hành đang hoạt động tại VN, mỗi DN phải ký quỹ 250 triệu đồng, vậy có đến 118,25 tỷ đồng đang nằm chết tại ngân hàng.
Bà Phạm Thu Hằng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DN vừa và nhỏ (VCCI) gợi ý, tại sao Nghị định không quy định là tùy từng DN sẽ trích phần trăm doanh thu hoặc vốn pháp định của DN để ký quỹ, thay vì cứ phải ấn định một con số 500 triệu như vậy? Sau này khi đồng tiền trượt giá, chúng ta lại phải sửa đổi Nghị định để nâng mức tiền này lên hay sao?
Nên áp dụng một mức tiền ký quỹ
Một giảng viên của trường ĐH Kinh tế Quốc dân nêu ý kiến không nên phân biệt hai loại tiền ký quỹ như vậy (ngoài 500 triệu đồng đối với kinh doanh lữ hành đón khách du lịch quốc tế vào VN hoặc đưa khách du lịch ra nước ngoài, DN phải đóng 250 triệu đồng nếu chỉ kinh doanh đón khách du lịch vào VN). Điều này chỉ là khe hở để DN lách luật, tức là họ chỉ đóng tiền cho một loại ký quỹ, nhưng trên thực tế vẫn thực hiện cả hai mà không ai kiểm soát.
Để minh chứng cho điều này, ông Trần Văn Thành, Giám đốc Công ty CP Thương mại và Du lịch Than Việt Nam, cho biết, ngay trong 3 DN làm du lịch của Tập đoàn Than, chỉ riêng công ty ông đóng tiền ký quỹ về kinh doanh đón khách quốc tế và đưa khách du lịch nội địa ra nước ngoài, 2 DN còn lại thì không.
Vậy mà hai DN này vẫn ngang nhiên đón khách quốc tế, vẫn đưa khách nội địa ra nước ngoài, thậm chí còn cạnh tranh mạnh với Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch Than VN. Trong trường hợp này, theo ông Thành, phải thu giấy phép của DN hoặc xử phạt hành chính thật nghiêm.
Vì vậy, ông Thành cho rằng nếu đã ký quỹ thì nên để mức tiền bằng nhau hết, cùng là mức 250 triệu đồng như hiện nay hoặc cùng là 500 triệu đồng như dự thảo Nghị định đưa ra cho cả hai loại hình kinh doanh lữ hành. Ông cũng thắc mắc, cứ cho là DN vi phạm hợp đồng với khách hàng đi, thì số tiền này bồi thường khách như thế nào? Điều này chưa thấy quy định rõ trong Dự thảo Nghị định.
Tại sao mở VPĐD thứ 3 trở đi lại phải ký quỹ?
Theo Dự thảo Nghị định, DN thành lập chi nhánh hoặc đơn vị phụ thuộc phải nộp thêm tiền ký quỹ là 100 triệu đồng cho một chi nhánh hoặc đơn vị phụ thuộc từ thứ ba trở lên. Vị giảng viên trường ĐH Kinh tế Quốc dân lập tức phản đối điều kiện này và cho rằng, đó là quy định vô lý vì DN đã ký quỹ rồi, nay họ muốn mở rộng hoạt động kinh doanh thì tại sao lại hạn chế? Hơn nữa, tại sao lại là chi nhánh thứ ba mà không phải chi nhánh thứ 5, thứ 7?
Lý giải điều này, ông Vũ Thế Bình, Vụ trưởng Vụ Lữ hành - đơn vị tham gia soạn thảo Nghị định, nói, một DN kinh doanh lữ hành du lịch không cần thiết phải mở nhiều văn phòng đại diện (VPĐD) vì du lịch lữ hành thuộc các ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Ngay tại Hà Nội, có DN đã mở tới 18 chi nhánh, dẫn tới tình trạng Giám đốc chi nhánh ký khống mà Giám đốc công ty cũng không hay biết. Việc thành lập quá nhiều VPĐD dễ gây lộn xộn cho hoạt động lữ hành của VN. Nghị định chỉ hạn chế mở nhiều VPĐD chứ không phải cấm DN không được mở thêm chi nhánh.
Tuy nhiên, ông Trần Văn Thành vẫn chưa hài lòng với cách giải thích trên. Ông cho biết, DN ông muốn mở chi nhánh nhưng không phải làm du lịch mà để kinh doanh hàng lưu niệm, vậy khi đó có phải đóng tiền ký quỹ hay không? Hoặc DN có nhu cầu mở nhiều VPĐD, đặc biệt ở những địa điểm du lịch nổi tiếng, mà chỉ riêng ở Việt Nam con số này đã trên 10 điểm, thì cũng phải đóng tiền ký quỹ?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận