20/06/2009 00:00 GMT+7

DK1 - 20 năm giữ thềm lục địa - Kỳ 2: Những người đầu tiên

LÊ ĐỨC DỤC - MAI THẮNG
LÊ ĐỨC DỤC - MAI THẮNG

TT - Nhắc đến “cái buổi ban đầu gian khó ấy”, trung tá Dương Thế Đường - chỉ huy trưởng ban chỉ huy DK1 - bảo: “Thế hệ đầu tiên của DK1 có người đã ra quân, có người còn ở lại, nhưng lính cựu của DK1 vẫn luôn quấn quýt quanh đây thôi. Anh Nguyễn Văn Nam, “cựu binh số 1” của DK1 giờ đã về hưu, nhà cũng gần đơn vị. Anh Bùi Xuân Bổng còn tại ngũ. Để tôi giới thiệu với các anh ấy”.

rNkqm429.jpgPhóng to
Nhà giàn thế hệ đầu tiên đơn sơ và mong manh giữa biển Đông -Ảnh: tư liệu lữ đoàn 171

“Còn biển là còn người, còn người là còn trạm!”

Nếu như những người lính nhà giàn có một tấm thẻ đánh số thứ tự thì hẳn thượng tá Nguyễn Văn Nam sẽ là người mang tấm thẻ số 001. Tháng 6-1989, đại úy trẻ Nguyễn Văn Nam chỉ huy một đơn vị nhỏ lần đầu tiên ra bám trụ nhà giàn DK1/3 ở bãi Phúc Tần, rồi từ đó anh trở thành chỉ huy trưởng của khung quản lý DK1 suốt gần 20 năm cho đến ngày về hưu. Một thâm niên đáng nể và cũng là một kỷ lục ở DK1. Đã nghỉ hưu nhưng ký ức về tuổi trẻ đời lính và những ngày đầu gian khó của DK1 vẫn còn tươi nguyên trong anh.

Trong căn nhà nhỏ thuộc khu tập thể A đoàn M71 hải quân ở Vũng Tàu, câu chuyện giữa anh Nam với chúng tôi cứ quyện lấy trong bao nỗi niềm riêng chung. Mùa hạ năm 1989, khi nhận nhiệm vụ ra chốt giữ nhà giàn DK1, chưa ai hình dung được cuộc sống trên những ngôi nhà giàn mong manh giữa bao la biển cả sẽ như thế nào. Biển Đông những năm tháng ấy đang “nóng bỏng”, nhưng như bao người lính Việt, anh Nam vẫn thanh thản lên đường khi Tổ quốc cất tiếng gọi. Đi DK1 ngày ấy đồng nghĩa với cuộc chiến sinh tử, khó hẹn ngày về.

qEhaTvNG.jpgPhóng to
Cựu binh Nguyễn Văn Nam

Ba ngày trước khi đưa đơn vị khởi hành ra nhà giàn DK1, em trai của anh Nam bị tai nạn qua đời, vợ anh - chị Đặng Thị Thủy - đang ốm nặng. Biết gia đình anh Nam gặp khó khăn, trung tá Phạm Xuân Hoa, lữ đoàn trưởng lữ đoàn 171, đã đến tận nhà động viên: “Đồng chí cứ chỉ huy anh em ra nhà giàn làm tốt nhiệm vụ. Vợ con ở nhà hãy yên tâm, có đơn vị, có chúng tôi chăm lo!”. Chị Thủy cũng cố tiễn chồng ra cửa, gạt nước mắt dặn chồng: “Anh đi bình an, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Em và con đợi anh về”.

Anh Nam mím chặt môi cố nén xúc động, bế con hôn lên má và giấu giọt nước mắt chực trào ra. Con tàu HQ-727 sau hành trình ba ngày đêm liên tục đã đưa các cán bộ chiến sĩ đầu tiên ra đến nhà giàn Phúc Tần. Đến nơi, anh Nam viết thư gửi theo thuyền về đất liền, thư dặn dò nhờ người em ruột ở Vĩnh Phú: “Nếu anh hi sinh thì chú vào Vũng Tàu đưa vợ con anh về quê sinh sống”. Nắng giữa đại dương cháy da cháy thịt và tiếng gió gào thét suốt đêm ngày, những người lính đầu tiên của DK1 bắt tay vào một cuộc sống mới, một sứ mệnh mới.

Năm đầu tiên trôi qua, đại úy Nguyễn Văn Nam cùng cán bộ chiến sĩ DK1/3 về đất liền cho kíp trực khác ra thay. Chia tay nhà giàn và những người ở lại, anh Nam dặn dò anh em: “Gian khổ thế nào cũng phải giữ vững ý chí chiến đấu. Còn biển là còn người, còn người là còn trạm!”. Chiếc xuồng nhỏ bé chở anh và đồng đội ra tàu 931 về đất liền. Ngồi trên xuồng, ngoảnh lại nhìn lên nhà giàn, anh Nam và mọi người đều bật khóc.

Thương anh em đồng đội, thương ngôi nhà giàn nhỏ bé giữa mênh mông nước cứ như sắp bị nuốt chửng vào lòng biển. 20 năm gắn bó cùng DK1 với 132 chuyến lặn lội ra với biển khơi, “sói biển” Nguyễn Văn Nam đã dâng hiến những năm tháng đẹp nhất đời mình cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền thềm lục địa.

Khó khăn sinh tử

p54mi6UJ.jpgPhóng to
Thiếu tá Bùi Xuân Bổng- Ảnh: L.Đ.Dục
Nếu thượng tá Nam với gương mặt rất phong trần, tạo ấn tượng của một “sói biển” dạn dày sóng gió thì thiếu tá Bùi Xuân Bổng - cũng là một “sói biển” của DK1 - đang ngồi trò chuyện với chúng tôi, trên gương mặt vẫn mang những nét hiền khô như ngô lúa của một trai làng ra đi từ miền quê Ứng Hòa (Hà Tây cũ).

21 năm tuổi lính, 20 năm gắn bó với nhà giàn. Những hi sinh gian khó của người lính DK1 trong buổi đầu, thậm chí ngay cả khi nhà giàn bị sập, anh Bổng từng cùng đồng đội chống chọi với bão tố, đối mặt với cái chết cận kề nhưng giọng kể của anh vẫn bình thản và dung dị, như thể những khó khăn sinh tử kia là chuyện thường tình.

Và chính từ sự bình thản ấy của anh, chúng tôi nhận ra đó mới là “nội lực thượng thừa” của một người đã đi qua bão tố đại dương, cái vẻ bình thản ấy dễ khiến người đối diện thấy áy náy nếu đã đôi lần trong đời mình trót “cường điệu” những khó khăn vớ vẩn nào đó.

Giờ thì anh Bổng chầm chậm kể về những ngày trên nhà giàn DK1. Ngoài trời, cơn mưa chiều Vũng Tàu theo gió biển quất ràn rạt qua khoảng sân rộng trước doanh trại. Những ngôi nhà giàn thế hệ đầu tiên, do chưa có kinh nghiệm xây dựng, từ mặt biển lên mặt sàn chỉ mấy mét, không đủ đương đầu với sóng to gió lớn, thậm chí nhiều khi sóng đánh tung nước qua kẽ hở ván sàn, có khi hất tung luôn ván.

Nhà giàn thế hệ đầu có kết cấu dạng pông - tông (một dạng phao lớn hình khối hộp làm bằng sắt) đặt lên nền san hô, nên chỉ cần sóng cấp 4 hoặc dòng nước chảy mạnh là khối pông-tông đã dịch chuyển bập bềnh trôi trong nước. Luẩn quẩn trong không gian chật hẹp đó, anh em trên nhà giàn quanh năm trong tình trạng quần áo ẩm ướt, những ngày biển động mạnh thì hầu như ướt sũng cả mấy ngày liền. Nước ngọt bấy giờ chỉ đủ cho mỗi người vài lít/ngày, lắm khi mấy tháng trời không mưa chỉ dám dùng nấu cơm.

Anh Bổng trầm giọng: “Khó khăn đến thế nhưng thật lạ lùng anh em vẫn kiên cường lắm, lạc quan lắm, sẵn sàng chấp nhận hi sinh. Có lẽ có được điều ấy là vì tất cả đều rất trẻ, mới ngoài 20 cả”. Như anh Bổng, 20 tuổi bước chân vào trường sĩ quan pháo phòng không, vừa tốt nghiệp ra trường thì tăng cường cho DK1.

Nếu so sánh những nhà giàn hôm nay với thế hệ nhà giàn đầu tiên thì quả là ngoài tầm mơ ước. Những năm đó phương tiện duy nhất để nắm tin tức đất liền là radio thì hầu như dùng được một thời gian cái nào cũng hỏng, mà sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam cũng chập chờn lúc bắt được lúc không, tivi càng không thể có.

Một anh lính DK1 viết thư cho người yêu để diễn tả sự xa xôi của nhà giàn đã viết: “Chỗ anh đóng quân xa, xa lắm, ngay đến sóng của đài Hà Nội cũng không bắt được!”. Những thứ ở đất liền rất bình thường như rau xanh và nước ngọt thì ở đây cực kỳ hiếm hoi và quý giá. Bạn có bao giờ nghe nói về khô rau muống chưa? Rau muống luộc lên, đem phơi khô trong đất liền rồi mang ra nhà giàn ăn dần, thay rau xanh.

Nhưng khó khăn mỗi ngày như vậy chưa phải là tận cùng. Một đêm mùa đông năm 1990, ngôi nhà giàn DK1/3 ở Phúc Tần đã bị sóng mạnh xô đổ. Vật lộn với sóng biển trong đêm đen cho đến chiều hôm sau anh em trên nhà giàn được tàu cứu, nhưng đã có ba đồng đội của anh Bổng đã nằm lại mãi mãi trong lòng biển sâu.

____________________________

Những ngày đầu không chỉ nhà giàn bị sập mà có cả những cơn sóng lớn khiến tàu trực khu vực cũng bị chìm. Và những người lính đầu tiên hi sinh ở nhà giàn DK1.

Kỳ tới: Đương đầu cùng bão biển

LÊ ĐỨC DỤC - MAI THẮNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên