03/05/2020 10:03 GMT+7

Đinh tai nhức óc với lời rao bán hàng thu sẵn từ các loa 'tra tấn'

LÊ THẠCH (Bình Dương)
LÊ THẠCH (Bình Dương)

TTO - Chợ vốn náo nhiệt, giờ càng ồn ào hơn khi mỗi người bán trang bị một chiếc loa cầm tay để phát lời rao hàng. Nhiều loa phát cùng lúc như "tra tấn" lỗ tai nhau.

Đinh tai nhức óc với lời rao bán hàng thu sẵn từ các loa tra tấn - Ảnh 1.

Rao bán hàng qua loa phóng thanh ở một khu chợ tạm tại Dĩ An, Bình Dương - Ảnh: LÊ THẠCH

Chưa 6 giờ sáng, buổi chợ bắt đầu cũng là lúc mạnh ai nấy rao rền vang ở các khu chợ tạm, chợ chồm hổm, bán lề đường. Lời rao cũng len vào từng ngõ ngách các khu dân cư với những chiếc xe máy bán hàng rong.

Ai rao to hơn?

Trứng vịt, dưa hấu, bánh ướt... tất cả đều được rao vang trên loa. Mỗi người một cách rao, ngọt ngào có, hài hước có, chát chúa chanh chua cũng có, một rừng loa, càng nhiều loa thì âm thanh phát lớn hơn để át tiếng loa "hàng xóm".

Cứ đến giờ tan tầm ở các khu chợ công nhân, hàng loạt người bán hàng rong xếp hàng cặp các vỉa hè, lề đường ai cũng có loa. 

Ở chợ Xóm Vắng (TP Dĩ An, Bình Dương) có một gian hàng bán quần áo giá 35k (35.000 đồng) với lời rao ghi âm giọng một cô gái miền Bắc đọc không thôi từ sáng tới chiều: "Tất cả đều 35k. Bên ngoài hay bên trong tất cả đều 35k".

Kế bên, anh dán kính, ốp lưng điện thoại di động cũng có loa rao: "Dán cường lực 10k, ốp điện thoại 30k" nhưng cũng đành chào thua khi âm thanh nhà bên âm vang hơn, không bao giờ ngưng nghỉ. Anh nói vui, cứ vài ngày anh sẽ thu lại lời rao mới, còn chị ấy đã dùng lời rao kia 4 năm nay nên trở thành "nét truyền thống của chị".

Cách đó tầm mươi mét lại có một chiếc xe tải nhỏ với cái loa rao lời quen thuộc: "Ri rỉ rì ri, cái gì cũng 39k. 39k, ri rỉ rì ri cái gì cũng 39k". Bước thêm vài bước lại một giọng nam đặc sệt miền Tây: "Lâu lâu mới có một lần, dây nịt, bóp da cái gì cũng 100k". 

Bên kia đường, hàng chục chiếc xe máy đậu san sát, mâm gỗ sau xe đủ loại trái cây, rau quả cũng thi nhau rao. "Xả hết, dưa hấu Long An 15 ngàn một ký", "Trứng vịt miền Tây, 20 ngàn một chục", "Dưa leo, hành tây, củ cải"...

Các quán cà phê tại khu vực trung tâm thương mại Sóng Thần - Dĩ An lại càng không xa lạ với lời rao của anh ép dẻo. "Ép dẻo, ai ép dẻo đê. Ép dẻo chứng minh, bằng lái, bằng khen, giấy kết hôn...". 

Mấy hôm cách ly xã hội vì dịch Covid-19, cả khu cà phê vắng lặng, anh vẫn có mặt với lời rao cải tiến vang xa không thua loa phường: "Hưởng ứng lời kêu gọi ở nhà, mọi người không nên ra ngoài. Ép dẻo đê, ép dẻo tận nhà đê".

Dọc các tuyến đường phố thị (như ở TP.HCM), không khó gặp những chiếc loa ra rả ở các ngã tư: "Mở nắp ra là chuột đi hết, 10 ngàn một hũ". Vào hẻm nghe rao mua tóc dài, bán cóc vàng, bánh chưng bánh giò...

Dễ thương nhưng thương không nổi!

Có những tiếng rao xưa thành ký ức với nhiều người, lời rao gắn với những con người dầu dãi nắng mưa buôn bán nhỏ. Ngày nay, chỉ cần bỏ khoảng 200.000 đồng mua loa, ghi âm lời rao và phát liên tục. 

"Lời rao công nghiệp" này đỡ mệt hơi người bán nhưng quá mệt tai người mua và người qua đường. Khi mỗi khu chợ có hàng chục, hàng trăm loa cùng phát thì thành tạp âm hỗn độn. Một kiểu ô nhiễm tiếng ồn đang ngày càng nặng hơn.

Bà Xuân (70 tuổi, ở Bình Dương) khó chịu vô cùng vì sáng nào cũng bị "tra tấn" bởi tiếng loa của anh bán bánh chưng chiên. Sáng nào anh cũng đậu xe trước cửa nhà bà, loa mở hết công suất phát liên hồi, còn anh thì vào quán ăn sáng, tầm 30 phút anh đi. Mà lạ là anh chỉ ăn sáng mỗi nơi này!

Ông Tâm, một hộ dân sống gần chợ Xóm Nghèo (Dĩ An, Bình Dương), kể cạnh nhà ông có người đàn ông bán rau củ quả. Ngày nào ông ấy cũng thu âm lại tất cả những gì mình bán, không sót cọng hành, trái ớt hay lá ngò gai. 

Ông Tâm nói vui nếu đăng báo bán hàng thì mỗi ngày ông ấy phải đăng tận 2 trang lớn mới hết sản phẩm. Cái loa cho phép rao khoảng 30 giây nên ông này dùng đến 3 cái loa và để quanh chỗ ông ngồi, phát cùng lúc.

Tình trạng trên đang lan nhanh, phát mạnh không thua loa kẹo kéo. Nhiều người đã bắt đầu "ngán" âm thanh từ các loa bị lạm dụng này, nhất là số lượng loa tăng gấp bội, tiếng loa ngày càng lớn. Và thói quen phát loa này đi kèm với việc buôn bán lấn chiếm vỉa hè, đường phố. 

Các sạp hàng trong chợ xưa nay không ai dùng "chiêu" này và việc buôn bán trật tự, không ồn ào. Đua nhau phát loa lời rao kiểu này cần chấn chỉnh lại.

Có thể xử lý việc gây ồn?

Theo ông Thái Bình Sơn - trưởng ban quản lý chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình, TP.HCM), rao loa chủ yếu rơi vào nhóm mua bán nhỏ, lẻ. Việc phát loa như dạng lôi kéo khách có thể xử lý theo nội quy chợ.

Pháp luật có quy định rõ về giới hạn ngưỡng tiếng ồn cho phép, thời gian và khu vực nào được phép sử dụng phát loa với ngưỡng tiếng ồn tối đa cho phép là bao nhiêu... Do đó, nếu biện pháp vận động nhưng người vi phạm không chấp hành thì cơ quan chức năng xử lý dựa theo quy định của pháp luật.

Những trường hợp buôn bán ngoài phạm vi quản lý của chợ, lực lượng trật tự của UBND phường có thể xử lý. Trước tiên là hành vi lấn chiếm vỉa hè. Nơi nào cho phép bán hàng rong trên đường cũng cần gom về một khu vực và có quản lý. Khi đó có thể tuyên truyền và xử lý các trường hợp phát loa gây ồn sẽ dễ hơn.

NGUYỄN TRÍ ghi

Những khu vực nào ở TP.HCM có bụi và tiếng ồn vượt mức tiêu chuẩn? Những khu vực nào ở TP.HCM có bụi và tiếng ồn vượt mức tiêu chuẩn?

TTO - Hiện nay nhiều bảng quang báo điện tử giao thông ở TP.HCM đã hiện lên hàng chữ đỏ cảnh báo về khu vực bụi, tiếng ồn vượt mức cho phép.

LÊ THẠCH (Bình Dương)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: tiếng ồn