Một trong những cơ sở của AVG trên đường Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN
Sau 18 tháng tiến hành thanh tra, ngày 14-3, Thanh tra Chính phủ đã chính thức công bố kết luận về vụ MobiFone mua 95% cổ phần của AVG.
Nhà nước thiệt hại 7.006 tỉ đồng
Theo đó, Mobifone sử dụng kết quả thẩm định giá do AMAX xác định giá trị AVG là 16.565 tỉ đồng để đàm phám giá mua cổ phần mà không trừ các khoản nợ phải trả 1.134 tỉ đồng, riêng việc làm này gây thiệt hại 1.134 tỉ đồng;
AMAX đã sử dụng số liệu đầu vào không có cơ sở để xác định "Giá trị tài sản vô hình ngoài Bảng cân đối kế toán là 13.448 tỉ đồng".
Sau khi loại trừ giá trị tài sản vô hình 13.448 tỷ đồng và loại trừ nợ phải trả 1.134 tỉ đồng thì giá trị vốn chủ sở hữu của AVG tại thời điểm 31-3-2015 chỉ là 1.983 tỷ đồng.
Trong khi đó, giá Mobifone mua 95% cổ phần AVG là 8.889,815 tỉ đồng.
Điều này cho thấy nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước tại Mobifone khoảng 7.006 tỉ đồng.
Chuyên gia Lý Trường Chiến: Giá trị định giá quá lớn
Ngay khi ra đời, AVG cũng tạo được sự chú ý tức thời nhất định, nhưng nếu thẩm định tốt cũng có thể dự báo những lợi thế AVG đưa ra lúc đó là ngắn hạn.
Thời điểm xác định giá trị, AVG có tình hình khá xấu. Tất nhiên trong kinh doanh vẫn có những khoản lỗ ngắn hạn để đầu tư dài hạn. Trường hợp doanh nghiệp lỗ theo chiến lược và chiến lược phát triển đó đúng, có tương lai thì không phải là vấn đề.
Tuy nhiên, nếu khoản lỗ xuất phát từ nguyên nhân quản trị kém, chiến lược phát triển sai lầm hay thậm chí lỗ do thương hiệu đó không có tương lai trong ngành đang hoạt động thì đó chính là khởi điểm cho giai đoạn suy thoái của một doanh nghiệp.
Trên thế giới có nhiều thương hiệu giá trị hơn cả tài sản hữu hình, thậm chí gấp 3 lần. Nhưng muốn vậy thương hiệu đó phải có bề dày thành tích, thị phần cũng đủ để chi phối cùng với tương lai phát triển trong lĩnh vực đó.
Ở AVG chúng ta chưa thật thấy rõ điều này. Nên con số giá trị thương vụ được định giá có cảm giác quá lớn...
Đại biểu Quốc hội Lê Văn Vân: Xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu
Kết luận thanh tra này đáng lẽ phải có từ sớm, không phải chờ Tổng bí thư nhắc nhở. Bởi vì hồ sơ mua bán đó nếu xem xét thì không phải quá khó, nhưng từ khi có tổng thanh tra mới thì mọi việc được đẩy lên rất nhanh và tôi đánh giá cao điều đó.
Còn việc hai bên thỏa thuận hủy hợp đồng hôm trước, nó chỉ được thực hiện sau khi có thông báo của Ban Bí thư. Việc này nên được coi là hành vi khắc phục hậu quả nhưng cần phải xem xét hành vi, mục đích xem có phải là việc hợp thức hóa sai phạm hay không.
Tôi cho rằng kết luận của Thanh tra Chính phủ sẽ hoàn thiện hơn nếu xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành liên quan trong vụ việc này, bởi các bộ, ngành là cơ quan hành chính, làm việc theo chế độ thủ trưởng.
Chỉ có xác định được trách nhiệm của người đứng đầu mới đánh giá đúng chất lượng cán bộ và rút ra những bài học sâu sắc về lựa chọn nhân sự chủ chốt.
Xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu với những chế tài tương xứng trong vụ việc này cũng tạo tiền đề quan trọng cho những ai thấy được tài hèn, đức mỏng thì đừng cố tìm mọi cách mà leo lên chiếc ghế vốn dĩ dành cho bậc hiền tài.
Kết luận thanh tra thẳng thắn
Trong kỳ họp Quốc hội vừa rồi, các đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi về thương vụ mua bán cổ phần của AVG nhưng chưa nhận được câu trả lời.
Hôm nay, Thanh tra Chính phủ ra kết luận đã nêu rõ những hành vi vi phạm pháp luật và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan, đồng thời kiến nghị chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra xem xét xử lý.
Kết luận và kiến nghị như vậy cho thấy sự thật khách quan của vụ việc đã được xem xét thấu đáo và có sự đánh giá nghiêm túc.
Tuy nhiên, vụ việc có sự quan tâm đặc biệt của dư luận và diễn đàn Quốc hội mà giờ mới kết luận được, theo tôi là hơi chậm.
Trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng hiện nay thì những vụ việc như thế này cần phải được kết luận nhanh và sớm hơn.
Ông Bùi Đặng Dũng, Phó chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Quốc hội
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận