07/05/2015 11:40 GMT+7

​Điều trị ung thư đại tràng bằng nội soi

TS.BS QUÁCH TRỌNG ĐỨC (tổng thư ký Hội Khoa học  tiêu hóa TP.HCM)
TS.BS QUÁCH TRỌNG ĐỨC (tổng thư ký Hội Khoa học tiêu hóa TP.HCM)

TT - Ung thư đại tràng là một trong những bệnh ác tính thường gặp. Phương pháp điều trị kinh điển là phẫu thuật. Tuy nhiên, nội soi đã mang lại những lợi ích to lớn cho cộng đồng.

Ảnh minh họa về tiến trình phát triển từ pô-líp lành tính thành tổn thương ung thư hóa: giai đoạn pô-líp còn nhỏ (hình 1, 2, 3) có thể cắt đốt trọn qua và giai đoạn pô-líp đã bị ung thư hóa, xâm lấn thành đại tràng (hình 4). Trong hình 4, cắt đốt pô-líp qua nội soi không thể lấy hết được tế bào u và phẫu thuật cắt đoạn đại tràng bổ sung là cần thiết
Nếu gia đình có người bị ung thư đại tràng thì người liên hệ huyết thống trực tiếp cần nội soi đại tràng tầm soát sớm hơn 10 năm so với tuổi của người thân lúc bị ung thư đại tràng (hoặc bắt đầu từ 40 tuổi) ngay cả khi những người này hoàn toàn chưa có biểu hiện triệu chứng 

Hầu hết ung thư đại tràng đều phát sinh từ những tổn thương ban đầu còn nhỏ và lành tính nằm trên thành đại tràng được gọi là pô-líp. Đây là các tổ chức tế bào phát xuất từ lớp áo trong cùng của thành đại tràng (còn gọi là lớp niêm mạc), nhô vào lòng ruột nhưng diễn tiến nhiều năm có thể chuyển dạng thành ung thư.

Việc phát hiện và cắt đốt các pô-líp này trong khi nội soi đại tràng giúp phòng ngừa được nguy cơ ung thư đại tràng. Thậm chí, ngay cả một số trường hợp pô-líp đã ung thư hóa nhưng còn ở giai đoạn sớm cũng có thể điều trị tận gốc bằng phương pháp đốt pô-líp qua nội soi.

Xu hướng trẻ hóa

Ở các nước Âu Mỹ, độ tuổi từ 50 trở lên được xem là có nguy cơ bị ung thư đại tràng và được khuyến cáo tầm soát. Tuy nhiên bệnh gần đây có xu hướng ở độ tuổi trẻ hơn. Tổng kết đầu năm 2015 của chúng tôi trên 1.033 trường hợp ung thư đại tràng cho thấy có đến 1/4 trường hợp ở độ tuổi dưới 50, nhưng hầu hết bệnh đã ở giai đoạn trễ, không thể giải quyết bằng nội soi đại tràng cắt đốt pô-líp.

Các yếu tố nguy cơ mắc pô-líp và ung thư đại tràng gồm tuổi từ 50 trở lên (ở Nhật Bản lấy mốc từ 40 tuổi), nam giới, hút thuốc lá (ngay cả từng hút nhưng hiện đã bỏ thì nguy cơ vẫn cao hơn người không hút) và trong gia đình có người thân liên hệ huyết thống trực tiếp (cha, mẹ, anh chị em hoặc con ruột) bị ung thư đại tràng.

Trong các yếu tố trên, yếu tố gia đình cần được đặc biệt lưu ý vì một số thể ung thư đại tràng có tính di truyền mạnh. Chúng tôi từng gặp không ít trường hợp đáng tiếc là trong cùng một gia đình có nhiều người cùng bị ung thư đại tràng phát hiện trễ. 

Điểm cần lưu ý là pô-líp và ung thư đại tràng khi ở giai đoạn sớm thường diễn tiến âm thầm hoặc chỉ có những triệu chứng khó nhận biết. Khi có các biểu hiện như tiêu ra máu, cảm giác đi tiêu không hết phân, giảm cân đáng kể hoặc sờ được khối u ở bụng thì bệnh đã ở giai đoạn trễ, việc điều trị sẽ khó khăn, thường cần đến phẫu thuật lớn hoặc thậm chí bệnh đã tiến triển quá xa không còn khả năng phẫu thuật.

Trong một chương trình tầm soát trên hơn 500 thân nhân người bệnh ung thư đại tràng tại TP.HCM, chúng tôi ghi nhận có đến 1/5 trường hợp có pô-líp hoặc ung thư đại tràng ở giai đoạn sớm được phát hiện qua nội soi, đa số đều có thể cắt đốt qua cuộc soi đại tràng và không cần phẫu thuật.

Hai phương pháp chính tầm soát ung thư đại tràng

Đó là xét nghiệm phân tìm máu ẩn và nội soi đại tràng. Phương pháp tìm máu ẩn trong phân nhằm phát hiện tình trạng chảy máu rỉ rả từ tổn thương ung thư đại tràng nhưng ít, không quan sát được bằng mắt thường. Phương pháp này cần được tiến hành trên mẫu phân của ba lần đi tiêu (hoặc chỉ cần hai lần nếu sử dụng phương pháp xét nghiệm chuyên biệt cho hồng cầu người) và xét nghiệm cần được lặp lại mỗi năm.

Khi chọn lựa phương pháp nội soi đại tràng và kết quả nội soi bình thường thì nhìn chung chỉ cần kiểm tra lặp lại sau 5-10 năm nếu không có tiền sử ung thư đại tràng trong gia đình và đại tràng đã được chuẩn bị sạch. Ngoài ra, nội soi còn được xem là phương pháp phòng ngừa ung thư đại tràng với khả năng phát hiện và cắt đốt pô-líp qua nội soi.

Tóm lại, ung thư đại tràng tuy nguy hiểm nhưng có thể phòng ngừa và điều trị nhẹ nhàng tránh phẫu thuật nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm. Ý thức về sự phổ biến, nhận biết các yếu tố nguy cơ mắc bệnh cũng như vai trò của các phương pháp tầm soát bệnh có vai trò hết sức quan trọng cho sức khỏe cộng đồng.

TS.BS QUÁCH TRỌNG ĐỨC (tổng thư ký Hội Khoa học tiêu hóa TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên