04/01/2023 09:51 GMT+7

Điều tra: Lật tẩy thần dược giả, quảng cáo dỏm - Thần y cũng bị lừa

Để dụ dỗ người bệnh sập bẫy, các đối tượng lừa đảo đã dựng lên những vị "thần y miền sơn cước", tự nhận mình là người bào chế ra thần dược chữa bách bệnh. Vậy những vị thần y này là ai?

Điều tra: Lật tẩy thần dược giả, quảng cáo dỏm - Thần y cũng bị lừa - Ảnh 1.

Ông Triệu Văn Tiến, nông dân người Dao, làm nghề bốc thuốc ở trong xóm được “hô biến” thành thần y miền sơn cước bào chế thuốc Huyết Mạch Tâm An - Ảnh: Q.T.

Điều tra: Lật tẩy thần dược giả, quảng cáo dỏm - Thần y cũng bị lừa - Ảnh 2.

Ông Triệu Văn Tiến, nông dân người Dao - Ảnh: Q.T.

Từ giữa tháng 6 đến cuối tháng 11-2022, ông Triệu Văn Tiến (49 tuổi, xóm Bãi Bông, xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên), người dân tộc Dao, được tung lên mạng như một vị "thần y" có khả năng chữa khỏi bách bệnh. Trong "phóng sự truyền hình" được phát trên mạng, ông Tiến nhận mình là người đã bào chế ra nhiều loại thần dược, trong đó có Huyết Mạch Tâm An và cam kết chữa dứt điểm bệnh cao huyết áp.

Sự thật về vị "thần y miền sơn cước"

Trong vai người bệnh đi tìm thầy thuốc, chúng tôi đã gặp ông Tiến. Ông Tiến chỉ là một người nông dân, ông có bốc thuốc chữa các bệnh cảm mạo đơn giản cho bà con trong bản.

Gặp chúng tôi, như chất chứa bức xúc từ lâu, "thần y" Tiến "tố" ngay: "Tôi không phải "thần y miền sơn cước", thuốc Huyết Mạch Tâm An cũng không phải do tôi bào chế như quảng cáo". Ông Tiến cho biết có một nhóm người đến tìm ông, họ nói sắp mở chi nhánh nên muốn mua thuốc của ông. Vì muốn "làm ăn lâu dài" họ đề nghị ông hỗ trợ ghi hình. Vì nghĩ đơn giản nên ông đã mặc cả quần áo của đồng bào dân tộc để diễn. Vài tháng sau chưa hợp tác được gì thì ông Tiến phát hiện thuốc đã bán ra thị trường. "Nhóm người bán thuốc giả rất chuyên nghiệp. Họ có cả một đội ngũ tư vấn, nhiều thanh niên còn nhái được cả giọng của tôi", ông Tiến nói.

Ông Tiến còn than thở rằng vào giữa tháng 8-2022, người bệnh ở nhiều nơi mua thuốc uống nhưng bệnh tình không thuyên giảm nên tìm đến tận nhà ông bắt đền. "Nhiều người bệnh tìm đến tận nhà trả thuốc. Tôi có lấy thuốc nhấp thử nhưng không biết nó được nấu từ cái gì ra. Ngay cả bà con dân tộc Dao quen biết tôi cũng bị lừa, mất tiền oan vì nghĩ thuốc do tôi bào chế", ông Tiến nói. Theo mô tả của ông Tiến, thuốc có bao bì màu vàng, vị ngọt hắc, mùi hơi khét, pha với nước ấm ra màu cánh gián...

Theo tìm hiểu, bên ngoài nhiều hộp thuốc Huyết Mạch Tâm An ghi: "Lô SX: 010822, NSX: 270822, HSD: 270825" và có hộp chỉ có thông tin: "NSX: 05/2022, HSD: 05/2024, sản xuất tại nhà thuốc Triệu Văn Tiến, địa chỉ xóm Bãi Bông, xã Hợp Tiến, Đồng Hỷ, Thái Nguyên" mà không có lô sản xuất.

Không chỉ tìm đến nhà ông Tiến, người bệnh bị lừa còn tố tới Công an huyện Đồng Hỷ. Ngày 30-12, thượng tá Lăng Đức Trung, phó trưởng Công an huyện Đồng Hỷ, cho biết sau khi nhận được đơn tố cáo, đơn vị này đã tiến hành xác minh. Công an xác định ông Tiến không sản xuất và bán thuốc Huyết Mạch Tâm An. Số điện thoại dùng để bán hàng không phải của ông Tiến.

Thượng tá Trung cho biết thêm đối với ba tên miền đăng tải bán thuốc lấy hình ảnh của ông Tiến gồm Huyetmachtaman.com, huyetmachtaman.net, trieuvantien.com được đăng ký bởi Kiều Văn Kiên (trú huyện Mê Linh, Hà Nội). Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên đã yêu cầu chủ tên miền gỡ bỏ ba trang web nói trên.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Mạnh Tuấn, chủ tịch UBND xã Hợp Tiến, cho biết: "Có rất nhiều trường hợp là người bệnh đã gọi điện thoại đến Công an xã Hợp Tiến để phản ánh mua thuốc uống nhưng không khỏi bệnh. Tuy nhiên nhiều cơ quan đã vào cuộc khẳng định ông Tiến không bán thuốc Huyết Mạch Tâm An và trên địa bàn xã không có cơ sở nào được cấp phép sản xuất thuốc trên".

Điều tra: Lật tẩy thần dược giả, quảng cáo dỏm - Thần y cũng bị lừa - Ảnh 3.

Ông Đặng Đạm (Hà Nội) bất ngờ trở thành “thần y” Triệu Văn Thanh (xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, Lào Cai) chỉ sau một buổi sáng - Ảnh: Q.T.

Trở thành thần y chỉ sau một buổi sáng

Thời gian gần đây nhiều người không khỏi ngỡ ngàng khi ông Đặng Đạm (ngụ Hà Nội) bất ngờ trở thành thần y Triệu Văn Thanh ở xã Bản Lầu, huyện Mường Khương (Lào Cai). Ông Đạm trở thành thần y chỉ... sau một buổi sáng.

Trong "phóng sự" có MC dẫn chương trình, đông đảo người bệnh đến thăm khám, tái hiện cảnh ông Đạm lên rừng cực khổ tìm cây thuốc quý, rồi trực tiếp nấu thành cao. "Tôi nấu phải mất 15 ngày mới được 10 lạng cao hoàn toàn bằng thảo dược tự nhiên, chiết xuất từ 18 vị thuốc. Sau khi sử dụng thuốc Tiêu U Giáp từ hai đến ba tháng sẽ không còn mầm mống nào của u tuyến giáp nữa", ông Đạm giới thiệu trong "phóng sự".

Ngoài hình ảnh ông Đạm, "phóng sự" còn ghi ý kiến người đến thăm khám, người khỏi bệnh cảm tạ. Đáng chú ý, ông Lê Văn Trình (quê Thái Bình) nhập vai người bệnh tên Nguyễn Minh Vương (Hà Nội). Ông Trình tấm tắc gật đầu: "Sau khi sử dụng thuốc Tiêu U Giáp tôi kiểm tra tế bào ung thư không còn nữa". Một phụ nữ thì tươi cười nói: "Uống thuốc của thầy, u giáp của tôi đã teo hết cả rồi...".

Tìm gặp ông Đạm, ông này cho biết nhân vật thần y Triệu Văn Thanh đang nổi trên mạng xã hội chỉ là hư cấu, ông không phải là thần y. Ông Đạm cho biết bối cảnh quay "phóng sự" là tại Hà Nội, sau đó họ dựng phim, gắn thêm biển hiệu chỉ dẫn ở tận... Lào Cai. "Họ mời tôi quay tại Ba Vì, sau này phát nội dung tôi mới biết họ gắn địa chỉ ở Lào Cai. Nơi quay được họ thuê lại của một nhà thuốc, Tiêu U Giáp là thuốc giả. Ban đầu chỉ nghĩ đơn giản thôi, ai ngờ hậu quả nó lại như vậy...", ông Đạm tỏ ra hối hận.

Cũng như ông Đạm, ông Triệu Xuân Khang bỗng dưng nổi tiếng vì đã vào vai cả bác sĩ và người bệnh. "Trào ngược, viêm loét, khuẩn HP cứ liên hệ với tôi chỉ sau 3 - 5 ngày là có hiệu quả ngay. Bệnh 10 năm, 20 năm, nặng mấy tôi cũng giúp được", "bác sĩ Khang" nói trong clip quảng cáo. Đáng chú ý, clip đăng trên Facebook ông Khang đóng vai bác sĩ đã có hơn 100.000 lượt xem, kèm hàng ngàn bình luận đặt mua thuốc. Trong clip cho thấy ông Khang có phòng khám ở Điện Biên và có hẳn hoi giấy phép khám chữa bệnh.

Tuy nhiên, qua điều tra chúng tôi phát hiện "bác sĩ Khang" hiện ở phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) và không có phòng khám ở Điện Biên. Ông Khang cho hay giấy phép khám chữa bệnh số 0617..., do Sở Y tế Hà Nội cấp ngày 30-1-2020 và giấy phép số 001529..., do Bộ Y tế cấp ngày 15-1-2014 mang tên Triệu Xuân Khang là giả. "Tôi chỉ đóng vai. Clip không phải tôi đăng lên mạng nên giờ không gỡ xuống được", ông Khang than thở.

Thế nhưng, trong một clip review khác, "bác sĩ Khang" lại vào vai chủ một doanh nghiệp cơ khí mắc bệnh dạ dày. Trong clip ông nhăn nhó: "Do phải tiếp đối tác nhiều, rượu bia không thể tránh khỏi nên tôi bị đau dạ dày...".

Theo Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), tính đến ngày 23-12-2022 đơn vị này chưa cấp giấy đăng ký lưu hành cho bất kỳ sản phẩm nào có tên thuốc Huyết Mạch Tâm An và Tiêu U Giáp. Theo quy định, để thuốc được phép lưu hành trên thị trường phải được cấp giấy đăng ký lưu hành theo quy định của Luật dược năm 2016.

Không chỉ hai loại thuốc Huyết Mạch Tâm An và Tiêu U Giáp, theo điều tra, nhóm giả danh ông Triệu Văn Tiến còn bán cả thuốc trị tiểu đường, xương khớp...

Bà Nguyễn Thị Thu (ngụ huyện Tánh Linh, Bình Thuận) cho biết bà bị tiểu đường lâu năm nên sau khi xem "phóng sự" trên YouTube đã tin tưởng mua. Tuy nhiên chồng bà Thu cho hay: "Mua hơn 10 triệu đồng, vợ tôi uống thuốc vào người mệt hơn. Vẫn còn 8 hộp thuốc dạng cao nhưng tôi không dám cho vợ uống tiếp".

Nhận tiền để thổi phồng công dụng thuốc

“Thuốc” Huyết Mạch Tâm An

Từng review thuốc Huyết Mạch Tâm An, ông Lê Văn Điệp (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: "Thần thái khi nhập vai diễn rất quan trọng. Mình đang mắc bệnh mặt không thể tươi vui được. Đang nói về bệnh sao mà tươi cười, nhưng khi nói "từ khi sử dụng thuốc hai tháng người khỏe lên rất nhiều" thì thần thái phải hớn hở. Hôm đó tôi được một công ty ở đường Khuất Duy Tiến, Hà Nội mời đóng vai người khỏi bệnh tên Hùng. Quay một buổi sáng họ trả công 1,5 triệu đồng".

Tôi lập gia đình muộn nên các cháu đang còn nhỏ, nhà đông con. Bệnh tật vầy tôi phải vay mượn mới có tiền mua thuốc nhưng lại bị họ lừa. Giờ tôi vừa ôm bệnh, vừa ôm nợ. Họ quá ác với người bệnh.
Ông NGUYỄN PHI (TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)

Nhẫn tâm moi sạch tiền người bệnh

Tin quảng cáo, ông Dương Hoàng Sơn (51 tuổi, ngụ phường Thới An, quận 12, TP.HCM) đã mua 6 triệu đồng “thuốc” Huyết Mạch Tâm An - Ảnh: Q.T.

Do bị cao huyết áp lâu năm nên khi xem phóng sự về thuốc Huyết Mạch Tâm An cam kết chữa khỏi bệnh 100%, ông Dương Hoàng Sơn (51 tuổi, đường TA21, phường Thới An, quận 12, TP.HCM) đã móc hầu bao đặt mua. Sau khi gọi vào số điện thoại trên màn hình, nhiều thanh niên vào vai thầy thuốc săn đón ông Sơn.

"Họ cam kết chỉ cần dùng một liệu trình hai hộp, giá 1,3 triệu đồng sẽ khỏi bệnh cao huyết áp. Tôi mua uống hết hai hộp nhưng thấy người không đỡ, chưa kịp phản hồi thì họ lại gọi mời chào tiếp", ông Sơn kể. Thế nhưng khi uống đến hết liệu trình ba vẫn không khỏi bệnh thì nhân viên lại tư vấn mua thêm để được trao thưởng.

"Do họ nói như thật nên tôi rất tin và đã mua thêm một liệu trình nữa cho đủ số tiền dự thưởng tổng cộng 6 triệu đồng. Họ nói đây là chương trình liên kết giữa nhà thuốc với Bộ Y tế, phải mua tiếp 4 triệu đồng nhưng tôi không còn tiền thì họ quay ra dọa nói bệnh nặng hơn đừng trách", ông cho biết. Đến lúc này ông Sơn sinh nghi, xâu chuỗi lại sự việc mới biết đã sập bẫy. "Từ ngày biết uống phải thuốc không có tác dụng tôi rất buồn, không ngờ họ lại ác như vậy", ông Sơn nói.

Ông Nguyễn Phi (60 tuổi, ngụ TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) xem qua clip trên mạng thấy rất thuyết phục, đúng bệnh của ông nên không có chút nghi ngờ đã móc 9,7 triệu đồng đặt mua 10 hộp Huyết Mạch Tâm An. Nhưng uống vào thì bệnh tình ông không hề thuyên giảm như quảng cáo. Khi biết ông hết tiền, không mua nữa thì nhân viên tư vấn dọa bệnh ông chưa khỏi, nếu không tiếp tục uống thuốc này sẽ... đột quỵ chết.

Bị đau xương khớp nhiều năm, vì tin vào "thần dược", bà Hoa (Hải Phòng) đã móc hầu bao mua 7,4 triệu đồng tiền thuốc. "Tôi bị đau xương khớp lâu năm. Ban đầu họ nói mua 3 triệu đồng sẽ khỏi. Sau một tháng không thấy đỡ họ lại điện nói tôi phải mua thêm hai tháng hết 4,4 triệu đồng, cam đoan khỏi bệnh. Đến nay bệnh xương khớp của tôi vẫn vậy, không đỡ được tí nào", bà Hoa nói.

(còn tiếp)

Điều tra: Lật tẩy thần dược giả, quảng cáo dỏmĐiều tra: Lật tẩy thần dược giả, quảng cáo dỏm

Trên mạng xã hội xuất hiện nhiều clip về thuốc trị bệnh được đặt tên rất "kêu", quảng cáo là thần dược chữa khỏi bệnh mắt, huyết áp, xương khớp, tiểu đường... do các "thần y miền sơn cước" bào chế. Sự thật là gì?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên