24/06/2019 10:25 GMT+7

Điều tra: Asanzo có lừa dối người tiêu dùng?

NHÓM PHÓNG VIÊN TUỔI TRẺ
NHÓM PHÓNG VIÊN TUỔI TRẺ

TTO - Trong loạt bài điều tra này, báo Tuổi Trẻ đề cập đến hai nội dung chính: xuất xứ hàng hóa của Asanzo; việc kê khai nộp thuế của các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa, linh kiện của Tập đoàn điện tử Asanzo.

Điều tra: Asanzo có lừa dối người tiêu dùng? - Ảnh 1.

Chủ tịch Tập đoàn điện tử Asanzo Phạm Văn Tam giải thích với báo chí về quy trình sản xuất tivi tại nhà máy ở Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, Q.Bình Tân, TP.HCM chiều 23-6 - Ảnh: Q.Đ.

Bên cạnh đó, bài viết cũng chỉ ra những kẽ hở pháp luật đang bị một bộ phận doanh nghiệp lợi dụng gây thất thoát ngân sách và làm ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế. 

Cục Hải quan TP.HCM, trong số báo hôm qua, cũng thừa nhận có những vấn đề cần được điều chỉnh để quản lý tốt hơn. Vậy những vấn đề cần được xem xét trong vụ Asanzo là gì?

Dấu hiệu gian lận xuất xứ hàng hóa

Luật sư Lê Hoài Trung (phó chủ tịch thường trực Hội Trọng tài thương mại TP.HCM) nói căn cứ những thông tin báo Tuổi Trẻ nêu thì Asanzo ghi tem nhãn "xuất xứ VN" trên sản phẩm điện gia dụng là không đúng, bởi vì xuất xứ gốc là Trung Quốc.

Hiện nay, xác định xuất xứ hàng hóa được quy định tại nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 8-3-2018 quy định chi tiết Luật quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa. 

Cụ thể, khoản 1 điều 3 quy định: "Xuất xứ hàng hóa là nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa đó".

Khoản 11 điều 3 nghị định 31 quy định: "Công đoạn gia công, chế biến hàng hóa là quá trình sản xuất chính tạo ra đặc điểm cơ bản của hàng hóa".

Còn khái niệm thay đổi cơ bản được quy định tại khoản 12 điều 3: "Thay đổi cơ bản là việc hàng hóa được biến đổi qua quá trình sản xuất, để hình thành vật phẩm thương mại mới, khác biệt về hình dạng, tính năng, đặc điểm cơ bản, hoặc mục đích sử dụng so với hàng hóa ban đầu".

Điều tra: Asanzo có lừa dối người tiêu dùng? - Ảnh 2.

Công nhân làm việc tại Công ty cổ phần điện tử Asanzo trong Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, Q.Bình Tân, TP.HCM chiều 23-6 - Ảnh: Q.Đ.

Đối với sản phẩm đồ điện gia dụng Asanzo (ấm đun nước siêu tốc, bếp từ, bếp điện, nồi lẩu điện, nồi cơm điện, máy xay sinh tố, máy làm mát không khí, máy lọc nước...) được nhập khẩu nguyên chiếc từ Trung Quốc. 

Các lô hàng có giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) của cơ quan thẩm quyền Trung Quốc cấp, được doanh nghiệp nhập khẩu nộp cho cơ quan hải quan khi làm thủ tục thông quan lô hàng. 

Theo quy định, khi bán ra thị trường và xuất khẩu sang nước thứ ba thì Asanzo buộc phải ghi rõ "xuất xứ Trung Quốc" trên nhãn mác hàng hóa. 

Các sản phẩm này bán ra trên thị trường, cũng như xuất khẩu sang Lào được báo Tuổi Trẻ ghi nhận Asanzo ghi xuất xứ VN, thì chứng tỏ Asanzo đã gắn xuất xứ không đúng cho hàng hóa của mình.

Biểu hiện "né" thuế tiêu thụ đặc biệt và kiểm tra chất lượng

Chủ tịch Tập đoàn điện tử Asanzo khẳng định không trực tiếp nhập khẩu linh kiện mà mua lại của các nhà cung cấp. Do đó ở nội dung này chúng tôi chỉ đề cập đến các doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện cung cấp cho Asanzo.

Căn cứ quy tắc 2(a) thuộc 6 quy tắc tổng quát ban hành kèm theo thông tư 65/2017/TT-BTC ngày 27-6-2017 về việc ban hành danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu VN, các trường hợp sau phải khai báo phân loại mã số hàng hóa và nộp thuế theo mã số của máy hoàn chỉnh:

- Hàng hóa là máy móc, thiết bị chưa hoàn chỉnh hoặc chưa hoàn thiện (còn thiếu bộ phận) nhưng đã có đặc trưng cơ bản của hàng hóa hoàn thiện;

- Hàng hóa là máy móc, thiết bị ở dạng chưa lắp ráp hoặc tháo rời, đồng bộ được nhập từ nhiều nguồn, nhiều chuyến, làm thủ tục tại một hay nhiều cửa khẩu khác nhau;

- Hàng hóa là máy móc, thiết bị ở dạng chưa lắp ráp hoặc tháo rời, đồng bộ nhưng nhập khẩu từ một nguồn, về cùng chuyến, làm thủ tục tại một cửa khẩu;

- Hàng hóa là cụm linh kiện (đã lắp ráp gồm nhiều chi tiết), linh kiện, bộ phận của máy móc, thiết bị ở dạng chưa lắp ráp hoặc tháo rời, đồng bộ được nhập khẩu từ nhiều nguồn, nhiều chuyến, làm thủ tục tại một hay nhiều cửa khẩu khác nhau.

Điều tra: Asanzo có lừa dối người tiêu dùng? - Ảnh 3.

Đối với máy điều hòa không khí (máy lạnh) có công suất dưới 90.000 BTU, các doanh nghiệp nhập khẩu ở các dạng trên mà khai báo đúng theo quy định thì doanh nghiệp phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với mức 10%. Khai báo ở dạng linh kiện thì "né" được thuế tiêu thụ đặc biệt.

Thực tế rất nhiều doanh nghiệp lách luật bằng cách tháo rời từ nước ngoài thành một vài nhóm linh kiện rồi nhập về VN. 

Tinh vi hơn là các doanh nghiệp bắt tay nhau, mỗi doanh nghiệp nhập một số bộ phận (của cùng nhà sản xuất tại Trung Quốc) rồi đưa về cùng nhà máy (doanh nghiệp) để lắp ráp lại thành bộ máy lạnh hoàn thiện. 

Hải quan cửa khẩu rất khó kiểm soát, phát hiện chiêu trò này. 

Các cơ quan chức năng chỉ cần tổng hợp tờ khai hải quan của các doanh nghiệp cung cấp linh kiện cho Asanzo thì sẽ biết họ có lách luật hay không.

Chúng tôi nêu vài dẫn chứng có dấu hiệu tháo rời máy lạnh nguyên chiếc khi nhập khẩu và khai báo linh kiện để cơ quan chức năng lưu ý. 

Ngày 26-4-2019, Công ty Ningbo Aux Import & Export (Trung Quốc) xuất hàng loạt hóa đơn cho Công ty Trần Thoàn. 

Trong đó Invoice số NB-TT/190426-1F có 1.500 vỏ ngoài cục nóng, 1.500 máy nén khí và 1.500 dàn ngưng tụ máy lạnh model K12.

Ngoài ra còn ba bộ phận tương tự model S18, mỗi bộ phận có 312 cái.

Invoice số NB-TT/190426-1D có 1.188 vỏ cục nóng, 1.188 máy nén khí và 1.188 dàn ngưng tụ. Còn Invoce số NB-TT/190426/1E có 1.040 vỏ cục nóng, 1.040 máy nén khí và 1.040 dàn ngưng tụ.

Về kiểm tra chất lượng nhà nước, thông tư số 07/2017/TT-BKHCN ngày 16-6-2017 của Bộ Khoa học và công nghệ quy định: 

"Đối tượng kiểm tra: hàng hóa nhập khẩu vào VN có khả năng gây mất an toàn (gọi tắt là hàng hóa nhóm 2) được quản lý theo quy định tại các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng do Bộ Khoa học và công nghệ ban hành và các hàng hóa khác có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Khoa học và công nghệ".

Danh mục hàng hóa nhập khẩu nhóm 2 được nêu tại quyết định số 3482/QĐ-BKHCN ngày 8-12-2017 của Bộ Khoa học và công nghệ. 

Nhóm hàng điện gia dụng, máy lạnh nhập khẩu nằm trong danh mục này nên buộc phải đăng ký kiểm tra chất lượng nhà nước trước khi làm thủ tục thông quan.

Doanh nghiệp nhập khẩu hàng nguyên chiếc, hàng đồng bộ tháo rời nhưng khai báo linh kiện nhằm né tránh kiểm tra chất lượng nhà nước. 

Điển hình vụ Công ty Sa Huỳnh nhập khẩu lò nướng điện hiệu Asanzo nhưng khai báo linh kiện đã bị hải quan phát hiện và ngăn chặn kịp thời.

Vấn đề đặt ra là: "Còn bao nhiêu lô hàng mà các doanh nghiệp "ma" nhập khẩu né tránh kiểm tra chất lượng nhà nước? Tại sao doanh nghiệp né tránh kiểm tra chất lượng nhà nước? 

Nếu hàng hóa nhập khẩu "có chất lượng" thì doanh nghiệp nhập khẩu né tránh kiểm tra chất lượng để làm gì?". Đây là vấn đề cần được cơ quan chức năng làm rõ.

Cần nhắc lại một lần nữa, là hầu hết các công ty "ma" nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc về VN tương tự như Công ty Trần Thoàn mà chúng tôi điều tra được đều có chung điểm đến cuối cùng: nhà máy Asanzo VN.

Điều tra: Asanzo có lừa dối người tiêu dùng? - Ảnh 4.

Chủ tịch Tập đoàn điện tử Asanzo Phạm Văn Tam giới thiệu với phóng viên về quy trình sản xuất tivi tại nhà máy ở Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, Q.Bình Tân, TP.HCM chiều 23-6 - Ảnh: Q.Đ.

Thuế của Asanzo và các nhà cung cấp: bí mật?

Những năm qua các công ty thuộc Tập đoàn điện tử Asanzo VN nhập khẩu rất ít sản phẩm nguyên chiếc mang nhãn hiệu Asanzo hoặc linh kiện để lắp ráp tivi, máy lạnh. 

Trong khi đó số lượng hàng hóa bán ra và doanh thu được công bố trên báo chí và website www.asanzo.vn rất lớn.

Đầu vào của Asanzo do các doanh nghiệp khác nhập khẩu cung cấp, trong số đó có khá nhiều doanh nghiệp "ma". 

Câu hỏi rất lớn đặt ra cho cơ quan quản lý là: "Hàng hóa của các doanh nghiệp này sau khi thông quan rời cảng đều vận chuyển về địa điểm nhà máy của Asanzo. 

Các doanh nghiệp này có liên quan gì đến Asanzo và có kê khai, xuất hóa đơn, nộp thuế đầy đủ không? 

Vì sao hơn 10 doanh nghiệp xin ngừng hoạt động và tạm ngưng hoạt động sau khi nhập khẩu một thời gian nhưng không hoàn tất thủ tục xóa mã số thuế?".

Tuổi Trẻ đã đặt câu hỏi này với Cục Thuế TP.HCM. Tuy nhiên ông Lê Duy Minh - phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM - cho biết theo quy định tại điều 8 Luật quản lý thuế thì cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm giữ bí mật thông tin của người nộp thuế.

Báo Tuổi Trẻ nêu được bằng chứng, hình ảnh cho thấy Asanzo gỡ tem "made in China" trên panel LCD của tivi hoặc dán tem khác chồng lên để xóa dấu vết hàng Trung Quốc; hàng điện gia dụng hiệu Asanzo nhập từ Trung Quốc nhưng ghi xuất xứ VN... 

Những việc làm này của Asanzo và các doanh nghiệp liên quan không được người tiêu dùng chấp nhận và có dấu hiệu vi phạm pháp luật. 

Tuy nhiên, để kết luận chính xác Asanzo và các doanh nghiệp liên quan đúng gì và sai gì thì rất cần các cơ quan chức năng phối hợp vào cuộc làm rõ. 

Mọi nhận xét, đánh giá khi chưa nhìn thấy hồ sơ hải quan, chưa có đủ tài liệu liên quan, chưa nắm đầy đủ quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa, ghi nhãn, thuế... đều mang tính võ đoán.

Có dấu hiệu phạm tội lừa dối khách hàng

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu (chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại luật gia Việt Nam), hành vi thay đổi xuất xứ hàng hóa, xóa dấu vết "made in China" gắn xuất xứ VN lên các sản phẩm Asanzo có dấu hiệu phạm tội lừa dối khách hàng.

Theo đó, tội này được quy định tại điều 198 Bộ luật hình sự: "Người nào trong việc mua bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác...

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 100-500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1-5 năm: a.Có tổ chức; b.Có tính chất chuyên nghiệp; c.Dùng thủ đoạn xảo quyệt; d.Thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên".

Vậy xác định xuất xứ hàng hóa để làm gì? Mời bạn đọc đón xem kỳ sau.

Video điều tra tập 3: Truy tìm công ty Video điều tra tập 3: Truy tìm công ty 'ma' và nhãn 'made in Việt Nam' dán trên mặt hàng Asanzo

TTO - Sau khi thu thập nhiều hồ sơ, chứng cứ về nhập khẩu, lắp ráp, phân phối sản phẩm nhãn hiệu Asanzo, phóng viên Tuổi Trẻ Online đã có văn bản gửi đến các cơ quan liên quan để làm sáng tỏ thêm vụ việc. Mời bạn đọc xem số tiếp theo trên tuoitre.vn.

NHÓM PHÓNG VIÊN TUỔI TRẺ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên