25/05/2015 15:29 GMT+7

Điều mẹ cần

PHẠM VŨ - MAI HƯƠNG
PHẠM VŨ - MAI HƯƠNG

TT - Cứ ngỡ mẹ sẽ vui sau những mất mát, gian nan, trắc trở nhưng khi được hỏi nghĩ gì nhiều nhất lúc nhận tấm bằng Anh hùng, mẹ nói: “Mẹ chỉ nhớ mấy đứa con...”.

Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Reo và chị Tô Thị Rua - cán bộ chính sách xã Trung Lập Hạ, Củ Chi - trò chuyện về hơn 10 năm làm hồ sơ duyệt danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng - Ảnh: Tự Trung
Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Reo và chị Tô Thị Rua - cán bộ chính sách xã Trung Lập Hạ, Củ Chi - trò chuyện về hơn 10 năm làm hồ sơ duyệt danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng - Ảnh: Tự Trung

Trong ba năm, báo Tuổi Trẻ đã lần lượt đăng tải hai câu chuyện của hai người vợ - mẹ liệt sĩ hội đủ điều kiện xét tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng nhưng chưa được vì lý do các bà đã tái giá và có con với người chồng sau.

Sau nhiều bài báo, sau những tranh luận giữa những người làm chính sách, các điểm mờ trong cách hiểu và diễn giải chính sách của các cơ quan chức năng đã được làm rõ, tư tưởng chính sách cũng đã được hướng theo chiều nhân văn hơn, danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng đã được trao đến mẹ Nguyễn Thị Reo (“Công văn 1088 và Mẹ Việt Nam anh hùng”, Tuổi Trẻ 9-10-2012), mẹ Trần Thị Mai (“Tái giá, không được làm Bà mẹ Việt Nam anh hùng?”, Tuổi Trẻ 19-7-2014) và những mẹ đồng cảnh khác. 

Miền nhớ

Gian nhà mẹ Nguyễn Thị Reo, 92 tuổi (ngụ ấp Lào Táo Trung, xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi, TP.HCM) mới có thêm chiếc máy lạnh vừa được mua từ tiền trợ cấp kèm theo danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

“Sống tới tuổi này mới biết cái máy lạnh, đúng là mát lạnh nhưng tui cũng hông ham” - mẹ Reo nói. Đu đưa theo nhịp võng, mẹ lấy cái hộp mở cho xem những Huân chương Kháng chiến, Huân chương Độc lập, huy hiệu Phụ nữ kháng chiến mang tên mẹ. Chiếc huy hiệu mới nhất “Mẹ Việt Nam anh hùng” lấp lánh, mẹ thở dài, gương mặt hằn thêm mấy nếp nhăn: “Cái này là gian nan, đau khổ nhất đây”.

Vừa tham gia kháng chiến vừa làm ruộng, buôn bán đầu chợ bến sông nuôi con, cuộc đời người phụ nữ trong chiến tranh không kể hết được nỗi vất vả. Chồng đi du kích, hi sinh năm 1962, để lại mẹ bơ vơ giữa bom đạn với bầy con bốn đứa lít nhít. Năm 1965, một dân quân cùng xã ngỏ ý cùng gánh đỡ gánh nặng ấy với mẹ. Vừa kịp có với nhau con gái út thì ông mắc bạo bệnh qua đời. Một lần nữa hụt hẫng, chênh chao, gánh nặng càng thêm nặng. Mình mẹ gồng gánh các con đi qua những tháng năm chiến tranh, mỗi ngày sống thì dài mà cái chết lại đến rất nhanh.

“Ban đêm canông bắn ầm ầm, tui xuống hầm trải nilông rồi kéo năm đứa con xuống. Sáng ra mở mắt mới biết mình còn sống. Có bữa máy bay thả bom, căn nhà nổ banh, mấy tấm thiếc bay ào ào cắm vào thân cây...”.

Giữ gìn, thắc thỏm từng ngày vậy nhưng chiến tranh mãi chưa chấm dứt, hai con trai lần lượt theo con đường của cha vào bộ đội. Lính tới bố ráp, lùng bắt, tra hỏi, mẹ lèo lái, ứng phó. Lúc thì: “Nó đi bán càrem trong Sài Gòn. Tới chừng mấy ổng quánh vô Sài Gòn, nó chạy loạn lạc đâu mất tích”. Lúc thì: “Thằng nhỏ đó là con nuôi, ba má ruột nó xuống bắt về Tây Ninh rồi”. Hôm nay, mẹ vẫn xót xa: “Mấy thằng chưa đứa nào có vợ, hồi đó tụi nó mới 17-18 tuổi...”.

Hồi anh Hai bị bắn chết, lính lôi ra chợ, mẹ đi theo xin xác thì bị bắt giam. Suốt một đêm, mẹ khóc: “Nó là con tui. Là mẹ, ai mà muốn con đi xa rồi chết thế này. Nhưng chiến tranh thì phải chịu. Giờ con tui chết rồi, mấy ông cho thì tui nhờ, không cho thì biết làm sao...”. Mẹ cắn răng đi mua rượu phun nắn tay nắn chân con cho thẳng thớm, nuốt nước mắt băng bó lại những vết đạn rồi mang con về. “Còn thằng Ba hi sinh, mấy chục năm rồi tui vẫn không biết nó nằm đâu...” - mẹ Reo thẫn thờ với những dòng hồi ức.

“Chuyện ngày xưa tui nhớ miết thôi. Nhớ nhứt là nhớ con” - mẹ Trần Thị Mai cũng cùng một câu trả lời. Tới hôm nay, khi đã treo lên tường tấm bằng “Mẹ Việt Nam anh hùng”, mẹ vẫn thủng thẳng nói: “Có thì cũng quý, cũng thấy được an ủi, không thì thôi. Hồi xưa đào hầm nuôi cán bộ, cả nhà cùng theo cách mạng vì nghĩ mình là người mất nước. Nước mất thì nhà tan nên có sá gì đâu”.

Chồng rồi con nối nhau hi sinh, mẹ vẫn kiên gan bám vùng đất lửa Đức Phổ, Quảng Ngãi để hoạt động, để tiếp tế. Hai lần bị bắt, bị tra tấn chết đi sống lại đến mức “sau này ra tù rồi mà răng cái nào hễ đụng tới là gãy ngang hết, rụng hết không còn một cái”. Những vết thương cứ nhức buốt lên suốt bao năm cùng những câu chuyện chiến tranh ám ảnh của mẹ đã lấy đi không biết bao nhiêu nước mắt của các cô con gái mà sau này mẹ có được trong hạnh phúc muộn mằn. 

“Qua những câu chuyện của mẹ mà tôi hiểu được cuộc chiến tranh, hiểu được nỗi đau và cái giá mà dân tộc Việt Nam phải trả cho hòa bình, càng quyết tâm thế hệ của cháu mẹ phải được hưởng hạnh phúc” - Thái Tuyết Dung, con gái út của mẹ Mai, nói nhẹ nhàng mà quả quyết. Cũng với sự quả quyết ấy, Tuyết Dung đã thực hiện hồ sơ xét duyệt cho mẹ, đã đưa câu chuyện của mẹ đến báo chí dù mẹ bảo: “Sá chi tờ giấy”.

Hôm nay “tờ giấy” ấy đã treo ở đầu giường mẹ, trời nắng gắt mà mẹ vẫn không cho Dung gắn thêm cái máy lạnh, không cho tổ chức một buổi tiệc họp mặt gia đình ở nhà hàng để gọi là mừng mẹ. Tằn tiện từ những ngày xưa, đến nay lối sống của mẹ chỉ thay đổi ở chỗ mỗi ngày bảo con cháu mua thêm mấy tờ báo để đọc, “coi ngày hòa bình ra sao”.

Gian nan hành trình

Chị Tô Thị Rua - cán bộ phụ trách công tác chính sách cho người có công của UBND xã Trung Lập Hạ - kể: “Hồ sơ phong tặng danh hiệu anh hùng của mẹ Reo tôi làm đi làm lại nhiều lần suốt bao nhiêu năm. Mấy lần đầu lập hồ sơ cho mẹ theo diện gia đình có ba liệt sĩ gồm chồng và hai con. Gửi lên, sở trả lời: hồ sơ bị vướng vụ tái giá. Năm nào cũng vậy. Lần lữa mãi, tôi lén mẹ làm lại hồ sơ lần thứ hai theo diện mẹ có hai con là liệt sĩ. Vừa xong thì lại nghe nói chủ trương mới không phân biệt vợ liệt sĩ tái giá, làm lại từ đầu lần nữa... Thấy có lỗi lắm, nhưng mình là cấp xã, gửi hồ sơ lên, các cấp trên gác lại thì cũng không làm sao được”.

Hồ sơ của mẹ Mai cũng gửi lên kẹt xuống như thế đến ngày câu chuyện của mẹ được đưa lên mặt báo, được bàn đến trong các cuộc tiếp xúc cử tri, họp Chính phủ. Mãi đến tháng 7-2014, Ủy ban về  các vấn đề xã hội của Quốc hội chính thức lên tiếng về sự bất công khi không phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng cho những người vợ, người mẹ đã tái giá và Thủ tướng có ý kiến kết luận về vấn đề này thì vướng mắc mới được tháo gỡ. 

Con cháu mẹ Mai, mẹ Reo phấn chấn mua vải, may áo dài mới để chuẩn bị dịp mẹ được phong tặng danh hiệu anh hùng. Thế nhưng trong đợt phong tặng tiếp sau vẫn không thấy tên các mẹ trong danh sách. Gia đình tiếp tục kiến nghị, cán bộ “mới nhớ ra” để bổ sung đợt sau. Trước ngày nhận danh hiệu, mẹ Mai bệnh nặng, tưởng đâu mẹ đã không chờ được nữa.

Hãy có tâm, hãy có lòng

Trong số những mẹ được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng dịp 30-4 vừa rồi ở Củ Chi, mẹ Reo được “bầu chọn” là người cao tuổi mà còn minh mẫn và khỏe mạnh nhất. Rất nhiều mẹ đến ngày này mắt đã quá mờ, chân đã quá yếu, trí óc không còn minh mẫn để còn được thấy niềm an ủi. Và rất nhiều mẹ khác đã không chờ được.

Là người hiểu rõ nhất điều đó, mẹ Mai nhắc chúng tôi câu nói tha thiết của bà Trương Thị Mai - chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội - mà mẹ đã đọc được trên báo: “Tôi mong các anh chị làm chính sách hãy có tâm, có lòng nhiều hơn nữa. Những việc này phải làm nhanh lên. Nhiều trường hợp khi chúng ta làm hồ sơ đề nghị phong tặng mẹ danh hiệu, đến khi tổ chức lễ đã phải sửa lại thành truy tặng vì mẹ không chờ được nữa rồi”.

PHẠM VŨ - MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên