Phóng to |
Cụ bà Nguyễn Thị Reo bên bàn thờ người con đầu lòng là liệt sĩ - Ảnh: N.V.C. |
Báo Tuổi Trẻ ngày 4-10-2012 có đăng trả lời của ông Huỳnh Thanh Khiết, trưởng phòng chính sách có công thuộc Sở Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) TP.HCM, là theo quy định hiện hành, trường hợp cụ bà Nguyễn Thị Reo, gần 90 tuổi, có chồng và hai con là liệt sĩ không thuộc diện xét phong tặng danh hiệu “Bà mẹ VN anh hùng” do đã tái giá và có thêm con riêng với người chồng sau.
Câu trả lời này ông Khiết viện dẫn trên cơ sở pháp lệnh ngày 29-8-1994 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ VN anh hùng” và công văn 1088 của Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn về việc xét tặng danh hiệu này.
Ông Khiết còn cho biết trước đây, UBND TP.HCM đã đề nghị cơ quan thẩm quyền cho phép xét công nhận “Bà mẹ VN anh hùng” đối với trường hợp vợ, mẹ liệt sĩ tái giá trên nguyên tắc: không ràng buộc điều kiện về người chồng sau của bà mẹ đã mất hay còn sống, hoặc có con với người chồng sau hay không, nếu bà mẹ đủ điều kiện thuộc một trong bốn trường hợp quy định tại điều 2 của pháp lệnh này.
Pháp lệnh: cho
Danh hiệu “Bà mẹ VN anh hùng” Được tặng hoặc truy tặng danh hiệu “Bà mẹ VN anh hùng” là những bà mẹ có nhiều cống hiến, hi sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế thuộc một trong các trường hợp sau đây: - Có hai con là liệt sĩ và có chồng hoặc bản thân là liệt sĩ. - Có hai con mà cả hai con là liệt sĩ hoặc chỉ có một con mà con đó là liệt sĩ. - Có từ ba con trở lên là liệt sĩ. - Có một con là liệt sĩ, chồng và bản thân là liệt sĩ. |
Quả nhiên tôi đã nghĩ đúng.
Trong pháp lệnh ngày 29-8-1994 và nghị định 176-CP không có nội dung nào quy định những bà mẹ thuộc một trong các trường hợp như trên nhưng đã tái giá, có con hay không có con với chồng sau, chồng sau còn hay mất thì không được tặng hoặc truy tặng danh hiệu “Bà mẹ VN anh hùng”.
Tìm đọc công văn 1088 của Bộ LĐ-TB&XH ngày 29-3-1995 thì thấy đây là văn bản gửi cho UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hướng dẫn vận dụng một số trường hợp cụ thể trên cơ sở đã có sự thống nhất giữa bộ này với Bộ Quốc phòng, Viện Thi đua và khen thưởng nhà nước.
Theo đó, tại mục 5 phần I nêu trường hợp bà mẹ có nhiều con là liệt sĩ được pháp luật thừa nhận nhưng lại mang họ khác nhau thì nếu đủ điều kiện, những bà mẹ này đều được xét đề nghị, khi lập danh sách phải căn cứ vào hồ sơ liệt sĩ đang quản lý, cột ghi chú cần giải trình rõ đối với từng liệt sĩ: con nuôi; con đẻ với người chồng thứ hai; con phải cải họ để hoạt động cách mạng; con mang họ mẹ theo phong tục, tập quán, dân tộc, địa phương...
Chỉ xét đối với những trường hợp tuy tái giá nhưng bà vợ đó vẫn thật sự có trách nhiệm nuôi con của liệt sĩ hoặc phụng dưỡng bố mẹ liệt sĩ, hoặc tuy tái giá nhưng cũng không có con và người chồng sau đã chết.
Công văn: chặn
Theo điều 4 nghị định 176-CP, bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc vận dụng các trường hợp nêu tại điều 1 của nghị định này để xét tặng danh hiệu “Bà mẹ VN anh hùng”. Điều đó không có nghĩa những người có thẩm quyền được ban hành văn bản hướng dẫn có các quy định trái với pháp lệnh 29-8-1994 và nghị định 176-CP. Còn xét theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì công văn 1088 không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, những hướng dẫn trong công văn này, nhất là khi có những nội dung trái điều 2 pháp lệnh 29-8-1994 và điều 1 nghị định 176- CP thì không phải là quy tắc xử sự chung, không có hiệu lực bắt buộc chung.
Như vậy, việc viện dẫn pháp lệnh 29-8-1994 và công văn 1088 để không xét tặng danh hiệu “Bà mẹ VN anh hùng” cho cụ bà Nguyễn Thị Reo nói riêng và những bà mẹ trong hoàn cảnh tương tự là không đúng pháp luật. Do đó, trước mắt đề nghị các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền từ cơ sở như UBND xã, huyện đến cấp thành phố như Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, cấp trung ương như Bộ LĐ-TB&XH... sớm làm thủ tục để trình Chủ tịch nước xét tặng danh hiệu “Bà mẹ VN anh hùng” cho cụ Nguyễn Thị Reo.
Theo Hiến pháp, Bộ luật dân sự, Luật hôn nhân và gia đình thì quyền kết hôn là quyền cơ bản của mọi công dân, không ai được ngăn cản, gây khó khăn cho các cuộc hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, không vi phạm điều cấm của pháp luật. Tư tưởng phong kiến “phu tử tòng tử”, suốt đời chỉ được thủ tiết thờ chồng khi chồng chết đã là chuyện của quá khứ, phải dẹp bỏ từ lâu lắm rồi.
Bên cạnh đó, tôi cũng đề nghị bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH xem lại để hủy bỏ hoặc sửa đổi công văn 1088 đối với những nội dung không rõ ràng, khó hiểu, không phù hợp với pháp lệnh ngày 29-8-1994 và nghị định 176-CP như đã nêu trên.
Ở phạm vi rộng hơn, đề nghị các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền không ban hành các công văn tuy “tiếng” là để hướng dẫn nghiệp vụ, trả lời, nêu ý kiến về việc hiểu, thực hiện, vận dụng văn bản quy phạm pháp luật (như luật, pháp lệnh, nghị định...) nhưng thực chất lại chứa các quy định mới, mở rộng, trái, mâu thuẫn, chồng chéo so với các văn bản quy phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, cũng cần có quy định pháp luật rõ ràng, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm khắc những cá nhân, cơ quan có thẩm quyền đã trực tiếp tham mưu, ban hành các công văn sai, trái pháp luật và buộc bồi thường nếu gây thiệt hại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận