Không nên vội đề cập đến lương bổng khi đi phỏng vấn - Ảnh: Getty Images |
Dưới đây là 5 chủ đề bạn không nên thảo luận trong buổi phỏng vấn, theo các chuyên gia tuyển dụng:
Chê bai sếp cũ
Khi phỏng vấn, một số nhà tuyển dụng có xu hướng hỏi ứng viên về công ty cũ và sếp cũ. Và nhiều ứng viên đã hồn nhiên kể lể những điều mình "mắt thấy tai nghe", nào là sếp cũ đã sai lầm, thiếu sót ra sao, văn hóa công ty có vấn đề A, B, C như thế nào...
Nếu bạn đang sắp đi phỏng vấn, hãy tránh tuyệt đối hành vi này. Bởi cho dù nói sự thật, bạn cũng đã tạo ấn tượng xấu trong mắt tuyển dụng, rằng bạn là một nhân viên tiêu cực và vụn vặt. Thậm chí nhà tuyển dụng nghĩ bạn cũng sẽ "nói xấu" họ như thế nếu mai kia bạn nghỉ làm công ty họ.
Do đó khi được hỏi về công ty cũ, chỉ nên trả lời chừng mực, tốt nhất là hãy nói bạn đã học hỏi được gì từ công ty cũ; đã phát huy các kỹ năng của mình thế nào khi làm ở công ty cũ, và chấm hết.
Đi sâu vào chi tiết cá nhân
Nhà tuyển dụng có thể hỏi bạn những câu liên quan đến cá nhân, nhưng cũng đừng vì vậy mà liệt kê ra hết những điều riêng tư của bạn, chẳng hạn như bạn chưa kết hôn và đang trong giai đoạn hẹn hò, mẹ bạn bị bệnh vào năm ngoái và bạn phải chăm sóc bà ấy một thời gian...
Những điều này nghe có vẻ như bạn đang tìm sự thông cảm của nhà tuyển dụng. Nó khiến nhà tuyển dụng khó chịu và tạo cho họ cảm giác bạn khó tập trung và hoàn thành tốt công việc được giao.
Lương và phúc lợi
Bạn muốn biết mức lương và phúc lợi, đó là điều chính đáng nhưng không nên vội vàng đề cập đến trong buổi phỏng vấn vì dễ tạo cảm giác bạn là người thực dụng, chỉ quan tâm đến lợi ích của mình. Hãy để dành câu hỏi này sau khi nhà tuyển dụng đã đưa ra lời mời bạn làm việc.
Nhắc đến các buổi phỏng vấn khác
Bạn có 3 cuộc phỏng vấn trong tuần này, và bạn muốn nói để nhà tuyển dụng biết bạn đang có nhiều lựa chọn chứ không chỉ có mỗi công ty họ? Đó là ý nghĩ sai. Thứ nhất, nhà tuyển dụng không quan tâm. Thứ hai, họ đánh giá bạn không nghiêm túc khi đến với công ty họ.
Khi đến một cuộc phỏng vấn, hãy tỏ ra tích cực, tự tin và thực sự quan tâm đến vị trí bạn đang phỏng vấn. Nhà tuyển dụng chỉ tuyển người có ý định gắn bó với công ty họ, chứ không phải người "đứng núi này trông núi kia".
Tôn giáo và chính trị
Ngoại trừ bạn đang phỏng vấn để xin vào làm cho một tổ chức phi chính phủ hay một nhóm cố vấn chính trị, đừng đả động gì đến chính trị và tôn giáo khi phỏng vấn xin việc. Bởi có thể là thảm họa nếu người phỏng vấn không đồng ý với quan điểm của bạn.
Hãy nhớ với nhà tuyển dụng, tuyển được một nhân viên giỏi, tận tâm, có thể mang lại lợi ích cho công ty mới quan trọng, còn lại thì tôn giáo, chính trị gia... đều không có ý nghĩa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận