02/04/2015 16:45 GMT+7

Điều gì làm nên sức hấp dẫn khó cưỡng của AIIB?

MINH KHUÊ
MINH KHUÊ

TTO - Bất chấp sức ép của Mỹ, nhiều nước đồng minh, đối tác của Mỹ ào ạt “xé rào” xin gia nhập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng.

Với số vốn ban đầu là 100 tỉ USD, dự kiến AIIB sẽ đi vào hoạt động cuối năm 2015. Liệu đây có phải là dấu hiệu của việc manh nha hình thành một trật tự kinh tế khu vực do Trung Quốc dẫn dắt?

Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble bắt tay Phó thủ tướng Trung Quốc Mã Khải trong cuộc họp báo ở Berlin. Ông Schaeuble cho biết Đức sẽ trở thành thành viên sáng lập AIIB - Ảnh: Reuters

 

Mạnh vì gạo, bạo vì tiền

Đến ngày 31-3-2015, theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh, đã có 47 nước xin gia nhập AIIB với tư cách là thành viên sáng lập, trong đó 30 nước đã được chấp nhận. 

Trong số 7 nước công nghiệp phát triển (G7), đến nay chỉ còn Mỹ và Nhật Bản đứng ngoài AIIB. Đài Loan cũng đã xin gia nhập AIIB (nhưng chưa được Trung Quốc chấp nhận). 

Theo Bloomberg, từ năm 2012, Trung Quốc đã trở thành cường quốc thương mại lớn nhất thế giới với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 3,87 nghìn tỉ USD, so với 3,82 nghìn tỉ USD của Mỹ.

Xét từ góc độ kinh tế - thương mại thuần túy, đã có sự “đổi ngôi” giữa Trung Quốc và Mỹ. 

Đến cuối năm 2014, theo IMF, kinh tế Trung Quốc chiếm 16,48% GDP toàn cầu tính theo ngang giá sức mua (PPP) với quy mô 17.632 tỉ USD, còn Mỹ chỉ chiếm 16,28% GDP toàn cầu với quy mô 17.416 tỉ USD.

Đây là lần đầu tiên sau 140 năm, Mỹ bị qua mặt về sức mạnh kinh tế. 

Thực tế này được nhiều nhà phân tích, nhất là các học giả và quan chức Trung Quốc, xem như một thắng lợi ngoại giao của Trung Quốc và thất bại bẽ bàng đối với Mỹ.

Chưa bao giờ người ta lại thấy rõ đến vậy ý nghĩa của một châm ngôn kinh điển trong quan hệ quốc tế: “Không có đồng minh vĩnh viễn. Không có kẻ thù vĩnh viễn. Chỉ có lợi ích là vĩnh viễn”.

Điều trớ trêu là Anh, đồng minh đặc biệt của Mỹ, là nước đầu tiên nổ phát súng báo hiệu làn sóng “trở cờ” của một loạt đồng minh then chốt của Mỹ.

Việc Anh công bố quyết định gia nhập AIIB đã tạo “hiệu ứng đôminô”, kéo theo một loạt nước như Đức, Pháp, Ý, Hàn Quốc, Úc… và nhiều đồng minh, đối tác quan trọng của Mỹ trong và ngoài khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần lượt nối gót Anh.

Đối với các cường quốc châu Âu đang khát vốn sau khủng hoảng Eurozone, lợi ích kinh tế trong quan hệ với Trung Quốc là yếu tố quyết định.

Khác với Mỹ, các nước này gần như không có mâu thuẫn lợi ích chiến lược với Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, do đó việc gia nhập AIIB là dễ hiểu.

Nhưng việc ngay cả các đồng minh then chốt của Mỹ ở khu vực như Hàn Quốc, Úc cũng gia nhập AIIB khiến dư luận đặt câu hỏi lớn về ảnh hưởng của Mỹ và hiệu quả của chính sách “tái cân bằng” ở khu vực.  

Mỹ với cú vấp AIIB: Vì đâu nên nỗi?

Trước hết, những dịch chuyển quyền lực giữa các nước lớn, nhất là giữa Trung Quốc và Mỹ từ sau khủng hoảng toàn cầu 2008-2009 đóng vai trò quyết định trong việc định hình trật tự kinh tế ở khu vực và trên thế giới.

Sức nặng kinh tế ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu khiến các định chế tài chính quốc tế như WB, IMF trở nên lỗi thời, không còn phản ánh tương quan lực lượng mới.

Mặc dù chỉ chiếm khoảng 13% hạn ngạch, song Mỹ có quyền phủ quyết đối với các quyết định của IMF.

Trong khi đó, Quốc hội Mỹ đã liên tục trì hoãn, không phê chuẩn quyết định nâng quyền bỏ phiếu của Trung Quốc trong IMF từ 3,65% lên 6,19% như Hội nghị G-20 năm 2010 đã nhất trí.

Trong ADB, Trung Quốc cũng chỉ có 5,4% quyền bỏ phiếu so với 12,8% của Nhật Bản và 12,7% của Mỹ; còn trong WB, Trung Quốc chỉ có vẻn vẹn 5,17% quyền bỏ phiếu bất chấp thực tế Trung Quốc đã vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới từ năm 2010.

Các vị trí tổng giám đốc IMF, chủ tịch WB và chủ tịch ADB đều lần lượt là người châu Âu, người Mỹ và người Nhật.

Thực tế trên đã buộc Trung Quốc phải tìm cách xây dựng các thiết chế mới như Ngân hàng Phát triển mới (NDB) và Quỹ Dự phòng khẩn cấp (CAR) trong khuôn khổ BRICS, và đặc biệt là AIIB.

Thứ hai, nhu cầu lớn về cơ sở hạ tầng ở khu vực và khả năng đáp ứng tương đối tốt của Trung Quốc cũng đóng vai trò quan trọng.

Theo ước tính của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), các nước châu Á cần tới 8.000 tỉ USD trong giai đoạn 2010 - 2020 để nâng cấp cơ sở hạ tầng của mình.

Trong khi đó, ADB chỉ có số vốn 160 tỉ USD và Ngân hàng Thế giới (WB) có 223 tỉ USD, và chỉ một phần nhỏ của số vốn đó dành cho cơ sở hạ tầng (năm 2011, WB chỉ dành 25 tỉ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng).

Trung Quốc đang sở hữu lượng dự trữ ngoại hối khổng lồ tới 4.000 tỉ USD, lại đang cần đa dạng hóa kênh đầu tư để tránh quá phụ thuộc vào việc mua trái phiếu Chính phủ Mỹ (hiện Trung Quốc đang nắm giữ khoảng 1.200 tỉ USD trị giá trái phiếu Chính phủ Mỹ).

Lập luận chủ yếu của Mỹ khi ngăn cản các nước đồng minh và đối tác tham gia AIIB là quan ngại về các tiêu chuẩn quản trị và các vấn đề môi trường, lao động, nhân quyền…

Tuy nhiên, ẩn sâu sau đó là quan ngại về việc các nước khu vực dần đi vào quỹ đạo của Trung Quốc, làm suy yếu vai trò và ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực.

Cộng thêm tình trạng xây dựng cơ sở hạ tầng trong nước đã bão hòa và cần đầu tư ra ngoài để giải quyết tình trạng dư thừa năng lực sản xuất, việc Trung Quốc bơm vài chục hay thậm chí vài trăm tỉ đôla vào AIIB vừa vì động cơ lợi nhuận, vừa để tạo ảnh hưởng chính trị với các nước khu vực nhằm phục vụ các mục tiêu chiến lược là sự lựa chọn tất yếu.

Bên cạnh đó, thất bại ngoại giao của Mỹ trong vấn đề AIIB phần lớn cũng bắt nguồn từ sai lầm chính sách và sự thiếu quyết đoán của chính quyền Obama.

Trong triển khai chính sách tái cân bằng những năm qua, năm nào chính quyền Obama cũng lỗi hẹn với các mốc tự ấn định để kết thúc đàm phán TPP.

Còn sáng kiến “Gắn kết kinh tế mở rộng” (Expanded Economic Engagement - E3) giữa Mỹ và ASEAN được đưa ra cuối năm 2012 cho đến nay cũng hầu như giậm chân tại chỗ.

Tương tự, việc đàm phán Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) không có tiến triển cũng khiến các nước châu Âu thất vọng, và có nhu cầu tìm kiếm thêm nguồn lực thay thế. Trong bối cảnh hiện nay, Trung Quốc là sự lựa chọn lý tưởng đối với các nước này.

Không dễ qua mặt Mỹ

Việc xây dựng AIIB mới là lần đầu tiên Trung Quốc thử nghiệm lãnh đạo một thiết chế tài chính quốc tế. Vẫn còn rất nhiều rủi ro phía trước. Quản trị các định chế tài chính quốc tế là điều không đơn giản đối với một nền kinh tế mới đi theo mô hình kinh tế thị trường 35 năm qua.

Hơn nữa, để chi phối trật tự tài chính quốc tế, việc có lượng tiền dự trữ lớn đến đâu không quan trọng bằng việc quốc tế hóa đồng bản tệ. Nhìn lại lịch sử, ngay cả khi đã qua mặt Anh với tư cách là nền kinh tế lớn nhất thế giới năm 1872, phải mất hơn 40 năm sau, đồng đôla Mỹ mới truất ngôi được đồng bảng Anh.

Trong khi đó, tiến trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc đang tiến triển tương đối chậm chạp. So với đồng USD, đồng NDT vẫn chiếm tỉ lệ rất khiêm tốn cả trong dự trữ và thanh toán quốc tế: USD hiện là đồng tiền được giao dịch nhiều nhất, chiếm 87% tổng số giao dịch toàn cầu so với tỉ lệ 2,2% của đồng NDT.

Khoảng 90% giá trị tổng số các hợp đồng trên toàn thế giới (khoảng 5.000 tỉ USD/ngày) được định giá bằng đồng USD; đồng NDT chỉ chiếm 1,5% tương đương giá trị 100 tỉ USD.

Về dự trữ quốc tế: đồng USD hiện chiếm 62%, đồng euro chiếm 23%, đồng bảng Anh và yen Nhật chỉ chiếm khoảng 4%, còn đồng NDT chiếm tỉ lệ không đáng kể.

Bên cạnh vị thế gần như độc tôn của đồng đôla trong hệ thống tài chính quốc tế, Mỹ còn có những kinh nghiệm được tích lũy qua hàng trăm năm, nhất là qua các cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu.

Có thể về quy mô kinh tế, Mỹ sẽ bị Trung Quốc qua mặt về GDP danh nghĩa khoảng giữa những năm 2020, song để truất ngôi Mỹ với tư cách là siêu cường số 1 thế giới, Trung Quốc sẽ mất ít nhất vài thập kỷ nữa.

 

Lựa chọn nào cho các nước khu vực?

Câu chuyện AIIB chỉ là một phần nhỏ phản ánh thế khó xử của nhiều nước trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Trung - Mỹ ở khu vực ngày càng gay gắt. Dĩ nhiên, những sáng kiến kiểu AIIB mang lại lợi ích không đồng đều đối với các nước.

Những nước không có va chạm lợi ích với Trung Quốc, chẳng hạn như Campuchia, sẽ chỉ cảm nhận thấy tác động tích cực. Còn những nước có tranh chấp, bất đồng với Trung Quốc như Philippines, Nhật Bản, Việt Nam… dĩ nhiên có những quan ngại nhất định.

Đó là lý do nhiều nước khu vực một mặt vẫn hưởng ứng các sáng kiến hợp tác kinh tế của Trung Quốc, mặt khác vẫn kiên trì những nỗ lực nhằm “neo” sự hiện diện kinh tế của Mỹ ở khu vực thông qua các khuôn khổ như TPP hoặc E3.

Xét về tổng thể, cạnh tranh giữa Trung Quốc với Mỹ và phương Tây trong việc xây dựng và hoàn thiện các thể chế tài chính quốc tế sẽ mang lại lợi ích cho khu vực và thế giới.

Các quốc gia thiếu vốn sẽ có thêm nhiều sự lựa chọn thay vì chỉ trông chờ vào các khoản vay gắn với các điều kiện ngặt nghèo của WB, IMF hay ADB.

Tuy nhiên, dù đã khẳng định từ bỏ quyền phủ quyết, song việc Trung Quốc chiếm tỉ lệ cổ phần gần 50% trong AIIB chắc chắn sẽ đi kèm những điều kiện nhất định đối với các nước vay vốn kể cả từ góc độ kinh tế và chính trị.

Đây cũng là lẽ thường trong bất cứ cuộc chơi nào, bởi không ai cho không ai cái gì cả.

MINH KHUÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên