Con cũng có nghe ai đó đã từng nói rằng khi viết về những người thân thuộc thì nhiều khi không có ngôn từ nào diễn tả được; nhiều khi chỉ cảm nhận được chứ chẳng thể nói ra. Và điều đó cũng chính là lý do để con tự an ủi mình. Nhiều lúc con ao ước rằng mình là một đại văn hào hay một nhà thơ lớn để con có thể viết hàng nghìn trang sách về mẹ, về gia đình mình. Đó cũng chính là một lý do khiến con theo nghiệp viết.
Con lớn lên trong sự cưng chiều của cả nhà, đặc biệt là của mẹ vì con là con trai trưởng trong nhà. Nhưng nhiều lúc con lại “vô tư” làm mẹ buồn. Có lúc con đã thản nhiên nói rằng mẹ làm nông nghiệp thì chỉ vất vả vào mùa vụ, thời gian còn lại là nông nhàn. Nhưng con không nghĩ được rằng, mẹ phải vất vả với ruộng đồng và biết bao công việc nhà. Bố thì bận công tác, chị em con thì bận học nên chẳng phụ giúp được nhiều. Mùa vụ đến thường chỉ mình mẹ ra đồng, nhiều khi để kịp thời vụ, mẹ chỉ còn biết làm đổi công với các cậu, các dì.
Trong bốn chị em, cả nhà ai cũng bảo con lười học, mải chơi nhất nhưng rồi con cũng vào đại học. Trường con học cách xa nhà hàng nghìn cây số. Ngày nhập học người lo lắng nhất là mẹ vì thấy con còn non nớt lại chưa xa nhà bao giờ.
Chân trời mới mở ra với con, cảm giác nhớ nhà dần bị chiếm chỗ bởi những trò nghịch ngợm vô tư.
Nhập học được một tháng, đến ngày 20-10, bất chợt có đứa bạn hỏi thế đã gọi điện về nhà chúc mừng bà, mẹ chưa? Hay như ngày ngày 8-3, bao nhiêu dự định con đặt ra như đi chơi cùng lớp, tặng hoa cho bạn gái, việc gọi điện về nhà chúc mừng con để cuối cùng nhưng có lần mải chơi đến tận 11 giờ đêm, thế là con chẳng thể gọi được nữa.
Cũng có lần do sự nhắc nhở của bạn bè mà con đã gọi điện về nhà, ngoài câu chúc: con chúc cả gia đình mình luôn mạnh khoẻ, nhiều lúc con chẳng biết nói gì khác. Có lần mẹ đùa: ”con học văn mà chỉ biết nói vậy thôi à”, rồi lần nào mẹ cũng nói ”các con luôn chăm ngoan, học giỏi và khỏe mạnh thì ngày nào với mẹ cũng là ngày 8-3 rồi”. Cũng có lần khi con gọi điện về nhà mẹ cũng không nhớ đó là ngày Quốc tế phụ nữ nữa vì với mẹ thì ngày nào cũng như ngày nào.
Khi con say sưa thức trắng đêm cùng bạn bè để xem những trận bóng thì cũng là lúc mẹ phải lo toan cho gánh hàng để ngày mai ra chợ sớm.
Mẹ bị bệnh nhưng con chỉ đến khi em nói, con mới biết. Những lúc như thế con tự hỏi mình không biết tại sao lại vô tâm đến thế.
Bây giờ mẹ đã vất vả hơn nhưng lại yếu hơn trước nhiều và vẫn một mình gánh vác mọi công việc đồng áng. Khi xa nhà và cũng đã khôn lớn hơn, chúng con mới nhìn rõ hơn những vất vả của mẹ. Trong thẳm sâu đáy lòng mình, chúng con luôn cầu mong mẹ luôn mạnh khỏe, gia đình mình mãi hạnh phúc.
Mời bạn viết Những lời của con
Cha mẹ cho chúng ta một cuộc đời, cho chúng ta những bệ phóng để vươn đến trời cao... Cha mẹ cũng luôn là bờ vai yên bình nhất để chúng ta dựa vào những khi thất bại, những khi mệt mỏi trong dòng đời đua chen...
Và không phải đợi đến Ngày gia đình VN (28-6), Ngày của Mẹ (chủ nhật thứ hai của tháng 5); Ngày của Cha (chủ nhật thứ ba của tháng 6), mọi người mới gửi tặng cha mẹ những món quà yêu thương. Bởi mỗi ngày trôi qua đều có thể là món quà dâng tặng cha mẹ nếu chúng ta biết cách báo đáp chữ hiếu, thể hiện tình cảm của mình.
Tuổi Trẻ Online mong sẽ là nhịp cầu bắc tấm lòng của những người con đến cha mẹ thông qua nội dung Những lời của con trong chuyên mục Nếp nhà. Hãy gửi cho chúng tôi những câu chuyện, những kỷ niệm, những điều xúc động về cha mẹ mà bạn muốn gửi tặng đấng sinh thành - những người đã cho bạn vóc hình hôm nay. Đó cũng có thể là những tâm tư mà bạn khó có thể nói trực tiếp bằng lời...
Bài viết xin gửi về tto@tuoitre.com.vn hoặc tinhyeuloisong@tuoitre.net.vn với tiêu đề: Những lời của con. Xin vui lòng sử dụng font chữ có dấu tiếng Việt. Lưu ý, độ dài bài viết không quá 800 chữ (gửi kèm hình nếu có thể).
TTO
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận