Phóng to |
Nhạc trưởng Lê Phi Phi và Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam trong buổi tập luyện cho Điều còn mãi vào chiều 29-8 - Ảnh: Hương Giang |
Nhạc sĩ Dương Thụ - giám đốc nghệ thuật của chương trình - chia sẻ: “Đây là một địa điểm phù hợp để chúng ta tiến hành chương trình Điều còn mãi, một chương trình âm nhạc như là sự đánh thức những gì trong sâu thẳm tâm hồn mỗi người, những giá trị thiêng liêng về con người và Tổ quốc. Mỗi năm định kỳ một lần tại nơi này là vì thế”.
Giữa bối cảnh các chương trình âm nhạc đang sống nhờ những chiêu trò biến ảo của sân khấu, sự tái lập của Điều còn mãi rõ ràng không tránh khỏi câu hỏi: chương trình năm nay có gì đổi mới? Nhạc sĩ Dương Thụ lý giải: “Điều còn mãi là một concert (hòa nhạc), nó không phải là một sô diễn. Người ta đến để thưởng thức nghệ thuật, để sống với những ký ức âm nhạc, không đến để giải trí. Sô diễn phải luôn luôn đổi mới, anh lặp lại sẽ rất chán, cũng như các bạn đi xem phim mà biết trước... cốt truyện”. Toàn bộ êkip lên tới gần 200 nghệ sĩ của chương trình năm nay đều hiểu rằng điều họ có thể cống hiến là trình diễn thật hay những tác phẩm đỉnh cao, được nghe nhiều lần như của Văn Cao, Phạm Duy... mà không cần viện tới bất cứ trò khói lửa sân khấu nào.
Kể về quá trình tìm lại những “điều còn mãi” trong gia tài nhạc Việt (ở cả thanh lẫn khí nhạc) để tôn vinh trong mùa thứ tư, nhạc sĩ Dương Thụ cho biết rất nhiều bản nhạc trong thời kỳ hoàng kim của khí nhạc VN vào những năm đầu thập kỷ 1960 hiện còn lưu giữ trong thư viện đài phát thanh. Cũng như chúng còn được lưu giữ trong tâm trí ông kể từ những ngày mà Nhà hát lớn Hà Nội còn là một thánh đường âm nhạc, nơi ông tìm cách lặn lội bằng cả vé mua lẫn... lọt cửa sau để vào nghe những tác phẩm của Hoàng Vân, Văn Chung, Đàm Linh, Trọng Bằng, Nguyễn Văn Nam... Một trong những tác phẩm của thời hoàng kim này là tác phẩm viết cho flute với phần đệm piano Tiếng sáo quê hương của nhạc sĩ Văn Chung. Tác phẩm sẽ được trình diễn trong Điều còn mãi 2012 qua phần chuyển soạn cho piano và dàn nhạc giao hưởng của nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng.
Nếu sự đoản mệnh của Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam, một chương trình có mục tiêu tương tự của Hội Nhạc sĩ VN hồi năm 1994, đã từng khiến nhiều người tiếc nuối, thì hôm nay, nhờ “mối lương duyên” giữa một cơ quan truyền thông (VietNamNet) và giới âm nhạc, người ta đã có thể kỳ vọng vào một trong những thiết chế đang được định hình để duy trì và tôn vinh âm nhạc đỉnh cao. Bởi Điều còn mãi không dừng lại ở dăm ba đêm diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội như tiền thân của nó, mà đã được cam kết như một hành trình kiên định, một cuộc hẹn mỗi năm một lần, nơi dành cho âm nhạc tử tế. Bởi gia tài nhạc Việt còn những điều còn mãi với thời gian.
Hội tụ những tài năng đỉnh cao Hầu hết các gương mặt, giọng hát, tay đàn tài năng của dòng nhạc thính phòng và dòng nhạc “đỏ” VN sẽ có mặt trong chương trình hòa nhạc Điều còn mãi được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 vào lúc 14g ngày 2-9: nhạc trưởng Lê Phi Phi, violin Xuân Huy, flute Lê Thu Hương, pianist Nguyễn Tuấn Nam, Huỳnh Sơn Thục Anh...; các ca sĩ Trọng Tấn, Đăng Dương, Duyên Huyền, Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Nguyên Thảo. Chương trình vẫn gồm hai phần khí nhạc và thanh nhạc như mọi năm, mang đến các nhạc phẩm: Vàng son, Hồi tưởng, Trường ca sông Lô, Tiếng sáo quê hương, Thăng Long, Xe chỉ luồn kim, Ráng chiều, Scherzo..., các ca khúc Quê nhà, Tấm áo mẹ vá năm xưa, Hương xưa, Tình ca... Cũng đã thành một phần không thể thiếu của Điều còn mãi, mở màn sẽ là bản Tiến quân ca bất hủ của Văn Cao được chuyển thể cho dàn nhạc giao hưởng do Lê Phi Phi chỉ huy. Khán phòng sẽ đứng dậy cùng chào cờ trong tiếng nhạc và chào đón một cái tết độc lập đầy ý nghĩa. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận