18/03/2021 11:42 GMT+7

Diễn viên Minari trò chuyện với Tuổi Trẻ: Giấc mơ Mỹ ư, sao không là giấc mơ Hàn?

MI LY
MI LY

TTO - Nói với Tuổi Trẻ, cả “bà ngoại” Youn Yuh Jung lẫn “người mẹ” Han Yeri đều khẳng định họ không hề có giấc mơ Mỹ. Ước mơ của họ là văn hóa, bản sắc độc đáo của Hàn Quốc được lan tỏa qua các tác phẩm điện ảnh tầm cỡ.

Diễn viên Minari trò chuyện với Tuổi Trẻ: Giấc mơ Mỹ ư, sao không là giấc mơ Hàn? - Ảnh 1.

Youn Yuh Jung và Han Yeri trong vai hai mẹ con Soon Ja và Monica - Ảnh: A24

"Tôi không có giấc mơ Mỹ. Nếu có, chắc tôi đã không đóng bộ phim này. Thay vào đó, tôi ước mơ chất Hàn Quốc sẽ trở nên toàn cầu và được mọi người biết đến nhiều như chất Mỹ.

Quay xong Minari, tôi nghĩ bản sắc Hàn Quốc có thể trở thành giá trị toàn cầu. Văn hóa luôn rất độc đáo, riêng biệt nên mọi người nên hiểu về văn hóa của nhau" - Han Yeri nói.

Nước Mỹ "không hề là lựa chọn hay ước mơ"

Còn Youn Yuh Jung, nữ diễn viên kỳ cựu 73 tuổi, từng sang Mỹ vào thập niên 1970 cùng chồng - ca sĩ nổi tiếng Cho Young Nam.

Các con bà lớn lên và có sự nghiệp tại Mỹ. Sau 10 năm sống ở Mỹ, Youn Yuh Jung trở lại Hàn Quốc đóng nhiều phim và nổi danh vì tài hóa thân đa dạng. Người ta gọi bà là "Meryl Streep của Hàn Quốc".

Diễn viên Minari trò chuyện với Tuổi Trẻ: Giấc mơ Mỹ ư, sao không là giấc mơ Hàn? - Ảnh 2.

Vai diễn người bà Soon Ja sống động đã mang về cho ngôi sao 73 tuổi Youn Yuh Jung đề cử Oscar Nữ diễn viên chính xuất sắc - Ảnh: A24

Dù có sự gắn bó không nhỏ với nước Mỹ, Youn Yuh Jung khẳng định bà cũng không hề có thứ gọi là "giấc mơ Mỹ". Việc chuyển đến Mỹ "không hề là lựa chọn hay ước mơ" của bà, chỉ đơn giản là người phụ nữ năm đó phải theo chồng.

Trong câu chuyện thập niên 1980 của Minari, mẫu phụ nữ "theo chồng" chính là Monica Yi (Han Yeri đóng), còn mẫu phụ nữ "theo con" chẳng ai khác ngoài bà Soon Ja (Youn Yuh Jung) - người bà phải rời Hàn Quốc để sang nước Mỹ xa xôi chăm cháu cho con.

Trailer phim Minari

Han Yeri sống và tạo lập sự nghiệp ở Hàn Quốc, nơi cô tham gia nhiều phim độc lập và các chương trình truyền hình nổi tiếng. Minari chính là màn chào sân Hollywood của nữ diễn viên 36 tuổi tài năng.

Cô chia sẻ: "Tôi chọn Minari không phải vì nó là phim Hollywood hay vì muốn tiến vào Hollywood. Tôi chọn nó vì kịch bản hay và đạo diễn giỏi. Minari có kinh phí thấp nên lối quay không hề lạ lẫm so với các phim độc lập tôi từng đóng".

Diễn viên Minari trò chuyện với Tuổi Trẻ: Giấc mơ Mỹ ư, sao không là giấc mơ Hàn? - Ảnh 4.

Han Yeri - diễn viên nổi bật của dòng phim độc lập Hàn Quốc - Ảnh: ESQUIRE

Với Youn Yuh Jung cũng vậy. Bà cười "hahaha" khi được Tuổi Trẻ hỏi về tham vọng với Hollywood. Với nữ diễn viên xuất sắc từng đóng hơn 120 bộ phim trong sự nghiệp 54 năm, hiện bà chỉ chọn những kịch bản chân thực, rung động, khác biệt nhất, không quan trọng đó là Hollywood hay Hàn Quốc.

Bà nói: "Nhân vật của tôi trong Minari không hề có giấc mơ Mỹ. Bà ấy đến Mỹ để giúp đỡ con gái và cứu cháu trai bị bệnh tim. Đó là tất cả những gì bà ấy mong muốn, chẳng liên quan gì giấc mơ Mỹ. Có lẽ con gái Monica và con rể Jacob thì có. Họ muốn một tương lai tươi sáng hơn cho thế hệ thứ hai".

Rau cần "minari" có sức sống mãnh liệt như tình thương

"Minari (rau cần) là một loài cây có sức sống mãnh liệt. Minari có thể sống ở chỗ nước bẩn và làm sạch nước. Con người cũng vậy. Với năng lượng và tình yêu, một gia đình sẽ vượt qua mọi khó khăn. Sát cánh cùng nhau, chúng ta chiến thắng mọi thử thách" - Han Yeri chiêm nghiệm.

Lớn lên bên cạnh mẹ, bà nội, bà ngoại và sáu người cô nên Han Yeri đã hiểu và nhớ được rất nhiều gương mặt phụ nữ thời ấy. Nhân vật Monica, đối với cô, cũng chính là mẹ mình, cô mình, bà mình.

"Họ chắc chắn đã rất khổ sở. Khi còn rất trẻ, trước khi tìm được giấc mơ hay là cái tôi, họ đã phải nuôi dạy con cái. Và họ nuôi con trong hoàn cảnh rất cô đơn, không có ai để chia sẻ. Những điểm đó khiến tôi đồng cảm với nhân vật Monica".

Diễn viên Minari trò chuyện với Tuổi Trẻ: Giấc mơ Mỹ ư, sao không là giấc mơ Hàn? - Ảnh 5.

Monica, người mẹ đầy hi vọng và thất vọng trong Minari, cùng người chồng Jacob (Steven Yeun đóng) - Ảnh: A24

Điều tuyệt vời ở Minari là nội tâm người vợ được đạo diễn coi trọng và mô tả kỹ lưỡng không kém người chồng, khi cả hai đều vật lộn nuôi con và gìn giữ cuộc hôn nhân trong cảnh nghèo khó. Jacob, Monica, bà ngoại Soon Ja lẫn những đứa cháu bé bỏng đều chính là "minari" - loài cây mỏng manh có sức sống quật cường đến từ Hàn Quốc.

Monica vỡ mộng và trưởng thành rất nhiều khi cùng Jacob vượt qua bao sóng gió. Còn bà ngoại Soon Ja lại bị người cháu lém lỉnh David nói "không giống một người bà bình thường", nhưng qua những gì bà làm, những gì bà tin tưởng, khán giả cảm thấy một tình thương đong đầy và sâu sắc. Soon Ja là một "người bà Hàn Quốc".

Bà thể hiện tình thương bằng cách trồng một nhúm rau cần thành vạt rau xanh tốt cho con cháu. Bà giúp David vượt qua nỗi sợ về cái chết.

Minari vừa rất Mỹ, vừa rất Hàn Quốc và có thể vươn ra toàn cầu.

yuh jung youn 1

Youn Yuh Jung - "Meryl Streep Hàn Quốc" như các báo Mỹ gọi - có cách trò chuyện thẳng thắn, trực diện - Ảnh: ĐPCC

Youn Yuh Jung: Giải Oscar của Parasite khiến người Hàn "hư hỏng"

Trả lời Tuổi Trẻ, nữ diễn viên gạo cội Youn Yuh Jung không ngần ngại nói về áp lực do Parasite để lại cho Minari và nền điện ảnh Hàn Quốc.

* Để có những phim của người Mỹ gốc Á đặc sắc như Minari, chúng ta cần làm gì?

- Hãy tiếp tục tạo ra chúng và hỗ trợ các nhà làm phim mới để họ không bỏ cuộc như đạo diễn Lee Isaac Chung đã từng làm.

* Bà nghĩ sao khi Minari là ứng viên sáng giá tại Oscar năm nay?

- Đây có phải một giấc mơ? Đây có phải một giấc mơ?

* Việc Parasite giành 4 giải Oscar có ý nghĩa gì với cá nhân bà và với nền điện ảnh Hàn Quốc?

- Tôi rất hạnh phúc. Thật không thể tin được. Nhưng đồng thời nó khiến tôi đau buồn. Người Hàn Quốc trở nên "hư hỏng" bởi thành công của Parasite đến độ họ kỳ vọng cao đến mức khó tin vào Minari. Điều đó rất căng thẳng và tôi cảm thấy mình chỉ có thể gây thất vọng.

Mi Ly thực hiện

Minari: Giấc mơ Mỹ đau thương, thuần khiết qua mắt trẻ Minari: Giấc mơ Mỹ đau thương, thuần khiết qua mắt trẻ

TTO - Cuối cùng Oscar đã 'chuộc lỗi' thay Quả cầu vàng khi đề cử 'Minari' ở hạng mục mà bộ phim xứng đáng: Phim hay nhất. Đây rõ ràng là một bộ phim rất Mỹ, nói lên chính vấn đề của nước Mỹ dù 70% lời thoại là tiếng Hàn.

MI LY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên