13/12/2009 20:26 GMT+7

Điện sạch từ năng lượng mặt trời

QUANG KHẢI
QUANG KHẢI

TTCT - Biến sức nóng từ ánh nắng của mặt trời thành nguồn điện không còn là chuyện lạ ở Việt Nam. Nhưng việc kết hợp song song giữa nguồn điện từ ánh nắng mặt trời với nguồn điện mà ngành điện đang cung cấp có thể đưa vào phục vụ sinh hoạt, sản xuất là nghiên cứu đầu tiên được TS Lê Hoàng Thị Tố và những cộng sự của Công ty TNHH thương mại dịch vụ Đức Anh Quân áp dụng thành công.

10d9b39o.jpgPhóng to

Hai bóng đèn compact được thắp sáng từ nguồn điện của hệ thống MNĐMTNL - Ảnh: Q.K.

Nghiên cứu trên được gọi tên là mái nhà điện mặt trời nối lưới (MNĐMTNL). Theo TS Tố, MNĐMTNL gồm những modul pin mặt trời, có thể dễ dàng lắp được trên mái nhà hoặc mặt tiền các căn nhà trong đô thị. Những modul pin mặt trời sau khi hấp thu năng lượng từ ánh nắng mặt trời sẽ sản xuất ra dòng điện một chiều.

Dòng điện một chiều này được một hay nhiều bộ biến điện chuyển thành dòng điện xoay chiều để cung cấp điện trong nhà. Dòng điện này sẽ nối với lưới điện hiện hữu thông qua bộ phận ghép nối điện. Khi các thiết bị điện trong nhà không sử dụng hết nguồn điện của MNĐMTNL thì phần điện dư sẽ được đưa vào lưới điện hoặc đưa vào bộ phận tích trữ. Ngược lại, khi các thiết bị điện trong nhà dùng vượt mức MNĐMTNL sản xuất ra thì một phần điện từ lưới điện sẽ bổ sung.

Theo tính toán của TS Tố, 1m2 modul pin mặt trời có thể sản xuất 100Wh đủ để thăp sáng 10 bóng đèn compact công suất 10W/bóng. Như vậy, mỗi ngày 1m2 modul pin mặt trời có thể sản xuất 0,5kW (tính trung bình ngày có 4–5 giờ nắng). Tùy theo nhu cầu, người sử dụng có thể đầu tư hệ thống MNĐMTNL tương thích với công suất sử dụng và không còn lo lắng mỗi khi cúp điện hoặc tình trạng điện bị tụt áp, đồng thời giúp khách hàng giảm được một phần tiền điện hăng tháng (nếu đầu tư không tương thích). Hệ thống MNĐMTNL có tuổi thọ 20-30 năm.

Tuy nhiên, chi phí đầu tư hệ thống MNĐMTNL khá đắt, để sản xuất ra 1Wp tốn 7-10 USD. Ngoài ra, hiện nay Việt Nam chưa có quy định liên quan đến việc sản xuất, tiêu thụ nguồn điện mới này cũng là trở ngại khi đưa MNĐMTNL vào thực tế.

Theo một số nhà khoa học, khi triển khai mô hình MNĐMTNL sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của đơn vị cung ứng điện, chưa kể phải thay đổi hình thức tính lượng điện tiêu thụ hăng tháng. Một là phải sử dụng hai thiết bị đo đếm. Hai là dùng một thiết bị đo đếm nhưng có thể cùng lúc tính lượng điện từ hệ thống MNĐMTNL và từ các đơn vị cung ứng điện. Do đó khi đấu nối vào lưới điện phải được sự chấp thuận của đơn vị sản xuất và quản lý lưới điện. TS Tố cho rằng ở các nước tiên tiến đã có quy định rõ ràng về việc sử dụng điện từ hệ thống MNĐMTNL.

Trong thời gian tới, những nhà nghiên cứu sẽ kiến nghị các cơ quan chức năng để có những quy định cụ thể về nguồn điện mới, thân thiện môi trường từ MNĐMTNL sớm đến với người dân hơn, giúp ngành điện giảm bớt gánh nặng thiếu điện.

Trong các nguồn năng lượng tái tạo gồm: năng lượng mặt trời, gió, thủy điện thì thủy điện (chiếm khoảng 40% tổng sản lượng điện toàn quốc) gần như bị khai thác triệt để và có những hạn chế nhất định về sinh thái, môi trường. Còn gió (phong điện) thì chỉ thích hợp phát triển ở vùng bờ biển, đảo.

Riêng nguồn năng lượng từ mặt trời có thể khai thác được ở nhiều nơi, ngay cả trong trung tâm các thành phố. Việc khai thác nguồn năng lượng tái tạo này không chỉ thân thiện với môi trường mà còn là xu thế của thế giới.

QUANG KHẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên