05/08/2020 09:30 GMT+7

Điện một giá: Lợi cho người dùng nhiều, áp lực cho người nghèo?

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Phương án điện một giá cùng với biểu giá điện lũy tiến còn 5 bậc đang được Bộ Công thương xây dựng trình xin ý kiến Thủ tướng. Nếu được thông qua, người dân có thể tự chọn cách tính hóa đơn tiền điện từ năm 2021.

Điện một giá: Lợi cho người dùng nhiều, áp lực cho người nghèo? - Ảnh 1.

Nhân viên Công ty Điện lực Tân Phú ghi điện tại nhà khách hàng vào tháng 7-2020 - Ảnh: NGỌC HIỂN

Nếu áp điện một giá thì giá bán sẽ phải cao hơn giá bán bình quân, sẽ không có lợi cho người có thu nhập thấp, thu nhập trung bình tiêu dùng ít điện, mà chủ yếu phục vụ lợi ích cho người tiêu dùng nhiều điện.

GS Trần Văn Bình

Tại họp báo Chính phủ ngày 3-8, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết bộ đã xây dựng 5 phương án sửa đổi biểu giá bán lẻ điện và lấy ý kiến các bộ ngành, đoàn đại biểu Quốc hội và các hiệp hội. Dự kiến trong tháng này sẽ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, sau đó hoàn chỉnh trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trong quý 3-2020.

1 giá và 5 bậc: khách hàng tự chọn

Về phương án cụ thể, ông Hải cho hay đối với biểu giá điện sinh hoạt sẽ giảm số bậc thang từ 6 bậc xuống còn 5 bậc. Trong đó sẽ nâng mức bậc 1 lên tới 100kWh, nâng các bậc thang từ 201-400kWh thành 1 bậc và bổ sung bậc thang giá điện trên 700kWh/tháng cho phù hợp với thực tế sử dụng điện của người dân. Giá bán lẻ bình quân ở hộ sinh hoạt sau khi điều chỉnh sẽ bằng so với mức giá đang áp dụng.

Đáng chú ý, ông Hải cho biết Bộ Công thương sẽ đề xuất thêm để khách hàng sinh hoạt được quyền lựa chọn giá bán lẻ điện có một mức giá, tức là không có bậc thang.

Theo một số chuyên gia, nếu được chọn phương án một giá điện, chắc chắn những người khá giả hoặc đang dùng nhiều điện sẽ chọn. Bởi thay vì phải trả số tiền cao theo bậc thang trên 400kwh chẳng hạn, họ sẽ chỉ phải trả theo một mức giá. Trong khi đó, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) sẽ giảm doanh thu ở những người đang dùng nhiều điện, có thể tạo áp lực chung lên giá điện.

Đánh giá về phương án đề xuất, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cũng từng khẳng định có thể làm doanh thu của EVN giảm, bởi những người sử dụng điện ở bậc thang cao sẽ chuyển sang phương án một giá vì có lợi hơn. Mặc dù vậy, ông khẳng định dù phương án nào thì giá bán thu được phải đảm bảo bằng giá bán điện bình quân của toàn hệ thống.

Theo EVN, hiện nay tỉ lệ khách hàng tiêu thụ điện sinh hoạt dưới 200kWh (3 bậc thang đầu tiên hiện đang được áp dụng) vẫn chiếm tỉ lệ cao, lên tới 68%. Do đó, nêu duy trì phương án điện một giá bằng với mức bán lẻ điện bình quân như phương án đề xuất trên là 1.897 đồng/kWh sẽ khiến những khách hàng sử dụng bậc thang cao lựa chọn một bậc để giảm tiền điện phải chi trả hằng tháng. Thực tế, trong bảng giá 6 bậc thang được phê duyệt hiện nay thì từ bậc 3 trở lên giá bán lẻ điện sinh hoạt đã ở mức trên 2.000-2.900 đồng/kWh.

Điện một giá: Lợi cho người dùng nhiều, áp lực cho người nghèo? - Ảnh 3.

Phải áp giá cao với điện một giá

Ông Trần Viết Ngãi - chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN - cho rằng nếu duy trì phương án điện một giá có thể khiến những người dùng nhiều điện lựa chọn, không đảm bảo mục tiêu tiết kiệm điện. Vì vậy, ông đề nghị với mức giá bán lẻ điện bình quân là 1.864,44 đồng/kWh như hiện nay thì điện một giá phải ở mức trên 2.000-2.200 đồng/kWh để khuyến khích tiêu dùng điện hợp lý, ngành điện có nguồn cho tái đầu tư.

"Đưa ra mức giá nào thì cũng phải đảm bảo cả người dân và Nhà nước cùng hưởng lợi, ngành điện không được lỗ. Nếu mức giá thấp quá thì ngành điện không đảm bảo chi phí sản xuất kinh doanh, trong khi người sử dụng nhiều điện (nhà giàu) lại được lợi và không đảm bảo được mục tiêu sử dụng tiết kiệm năng lượng" - ông Ngãi nói.

Nên tính giá điện hai thành phần?

GS Trần Văn Bình - Viện kinh tế quản lý, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - cũng cho rằng phương án một giá điện chỉ mang tính tình thế mà không giải quyết căn cơ gốc rễ về biểu giá điện. Bởi nếu áp điện một giá thì giá bán sẽ phải cao hơn giá bán bình quân, sẽ không có lợi cho người có thu nhập thấp, thu nhập trung bình tiêu dùng ít điện, mà chủ yếu phục vụ lợi ích cho người tiêu dùng nhiều điện. 

Trong khi đó, đây là đối tượng không cần Nhà nước phải trợ giúp. Ông Bình còn lo ngại nếu cứ sửa đổi theo hướng này có thể dẫn tới "đẽo cày giữa đường vì không rõ mục tiêu định giá điện là gì?".

PGS.TS Bùi Xuân Hồi - giảng viên cao cấp bộ môn kinh tế năng lượng - cho hay ở nhiều nước, cơ cấu giá điện đều bao gồm hai thành phần: trả cho công suất đăng ký và công suất tiêu dùng. Với hạ tầng kỹ thuật ngành điện đã tốt hơn nhiều, cần có lộ trình cụ thể để thay đổi mang tính đột phá, với hệ thống giá điện hai thành phần (giá công suất sẽ được tính dựa trên quy mô sử dụng điện từ các thiết bị tiêu thụ điện) thay vì loay hoay cải tiến giá điện bậc thang hiện nay.

Ông Hà Đăng Sơn, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh, cũng cho rằng nguyên tắc lập biểu giá lũy tiến là để đảm bảo người có thu nhập thấp sẽ được hưởng mức giá thấp nhất, ít chịu ảnh hưởng từ việc tăng giá điện. Còn các hộ gia đình ở mức thu nhập cao sẽ phải trả nhiều tiền điện hơn. 

Vì vậy, trong giai đoạn tới cần nghiên cứu và ban hành quy định mới, như áp dụng cơ chế hai giá gồm giá công suất và giá điện năng, đồng thời áp dụng cơ chế phân bổ chi phí sản xuất điện tham chiếu theo chỉ số giá nhiên liệu đầu vào thế giới mà nhiều nước đang áp dụng để giá điện theo thị trường hơn.

Điện một giá, dùng trên 200 kWh/tháng được lợi

Bộ Công thương trong đề xuất hồi tháng 2-2020 đã từng có phương án một giá điện (phương án 1 bậc) bằng mức giá điện bình quân hiện hành cho sinh hoạt là 1.897 đồng/kWh.

Đánh giá, Bộ Công thương cho hay các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện từ 201 kWh/tháng trở lên (khoảng 6,7 triệu hộ) sẽ được lợi, số tiền điện phải trả giảm từ 8.000-330.000 đồng/hộ/tháng.

Trong khi đó, hộ sử dụng từ 0-200 kWh/tháng (khoảng 18,6 triệu hộ) tiền điện trả tăng từ 17.000-36.000 đồng/hộ/tháng. Số tiền ngân sách hỗ trợ hộ nghèo và hộ chính sách xã hội cũng tăng lên do giá điện của bậc 1 phải điều chỉnh tăng.

393.230 tỉ đồng

Đó là doanh thu 2019 của EVN, trong đó doanh thu bán điện là 387.675 tỉ đồng. Giá bán lẻ điện bình quân tăng vào tháng 3-2019 ở mức 8,36%.

Từ năm 2021, có thể dùng điện một giá? Từ năm 2021, có thể dùng điện một giá?

TTO - Sẽ lấy ý kiến về điện một giá để tăng thêm lựa chọn cho người dân, điều chỉnh cách tính bậc thang giá điện sinh hoạt, cơ sở lưu trú du lịch, doanh nghiệp logistic áp dụng giá điện sản xuất...

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên