26/05/2017 21:20 GMT+7

Điện Biên giải thích việc cấp heo giống giá cao cho người nghèo

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Phó chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên giải thích với Tuổi Trẻ rằng giá bán heo giống cho người dân trong dự án giảm nghèo là giá của thời điểm tháng 12-2016.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Văn Quý vừa gửi báo Tuổi Trẻ văn bản liên quan đến việc các dự án giảm nghèo mua heo giống với giá lên đến 160.000đ/kg để cấp cho người nghèo.

Cụ thể, trong lúc giá heo hơi giảm mạnh, xuống dưới 30.000đ/kg thì các tiểu dự án vay phần lớn vốn Ngân hàng Thế giới nhằm giảm nghèo ở Điện Biên lại mua heo sinh sản với giá 148.000-160.000đ/kg tùy huyện; heo thịt giống là 130.000-145.000đ/kg.

Giá các con giống khác cũng cao: Dê là 169.000đ- 190.000đ/kg, ngan 35.000đ-41.000đ/con. Tất cả đều cao hơn giá thị trường ở Điện Biên.

Theo giải thích của ông Quý, nguyên nhân là do giá con giống - đặc biệt là giá heo giống - ở thời điểm các nhóm dự án đi khảo sát (tháng 12-2016) cao hơn thời điểm giao con giống cho các hộ dân (tháng 3-4 năm 2017).

“Thời điểm tháng 3-4 có sự biến động giá thị trường heo giống sinh sản, heo giống thịt và heo thương phẩm, nhưng các ban quản lý dự án giảm nghèo các huyện và ban phát triển các xã chưa kịp thời điều chỉnh”- ông Lê Văn Quý nêu.

Ông Quý cũng cho biết, ngay tại thời điểm khảo sát là tháng 12-2016, giá heo trong hợp đồng cấp cho dân cũng cao hơn thị trường 22-25%, vì các dự án cho rằng người dân không có đủ heo giống cung cấp đồng loạt. Con giống của địa phương không biết đã được tiêm phòng hay chưa, không có cam kết bảo hành về chất lượng con giống…

Được biết, tháng 3-4 năm 2017, ban quản lý dự án giảm nghèo các huyện Mường Chà, Tủa Chùa, Điện Biên Đông và Mường Ảng, tỉnh Điện Biên đã cấp con giống cho người nghèo.

Tổng giá trị dự án, thực hiện trong hai năm 2016-2017, là trên 64 tỷ đồng. Trong đó, trên 54 tỷ thuộc khoản vay để giảm nghèo từ Ngân hàng Thế giới, trên 9 tỷ là “vốn người dân tự nguyện đóng góp”.

Tuy nhiên, trong văn bản trên, ông Lê Văn Quý cho rằng vốn đối ứng của người dân chiếm 20% tổng vốn dự án, được sử dụng làm chuồng trại, công chăm sóc và một phần vào việc thanh toán con giống, nên cơ bản người dân vẫn hưởng lợi.

“Tuy nhiên, do thông tin của Tuổi Trẻ, hầu hết các dự án đều chưa tiến hành giải ngân nên tỉnh Điện Biên đã khẩn trương kiểm tra và tạm dừng thanh toán, rà soát giá phù hợp thực tế mới giải ngân”- ông Quý cho biết.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên