28/02/2011 08:14 GMT+7

Điểm tựa của người Việt ở Libya

HỒ VĂN
HỒ VĂN

TT - Việc thành lập Sở chỉ huy tiền phương đặt bản doanh tại Tunisia cùng với năm tổ công tác tại các nước láng giềng xung quanh Libya “để kịp thời giải quyết ngay các vấn đề phát sinh trong quá trình di tản lao động Việt Nam về nước” cho thấy Chính phủ đã vào cuộc một cách quyết liệt trong việc bảo vệ an toàn tính mạng của lao động Việt Nam ở nước ngoài.

Sự quyết liệt đó thể hiện ngay trong chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp ngày 25-2: bằng mọi giá phải bảo đảm an ninh, an toàn tính mạng và tài sản cho người lao động Việt Nam, tìm mọi cách sơ tán và đưa họ về nước một cách an toàn, có trật tự. Trước đó,việc thành lập ban chỉ đạo để giải quyết tình hình công dân Việt Nam tại Libya và việc Chính phủ đồng ý điều hai chuyên cơ để di tản lao động Việt Nam về nước đã minh chứng thêm cho tính quyết liệt này.

Đây cũng là điểm mới trong lịch sử bảo vệ công dân đang lao động, sinh sống ở nước ngoài của Chính phủ VN. Nhớ lại một số vụ trước kia, do sự trở tay chậm, hàng ngàn lao động Việt Nam làm việc tại Malaysia phải về nước trong hoàn cảnh bị động khi có dịch SARS xảy ra ở nước này vào năm 2003; hoặc vụ nội chiến tại Libăng năm 2006 khiến 100 lao động nữ Việt Nam rơi vào tình cảnh khốn đốn, phải tự tìm đường thoát thân vì không có sự giúp đỡ kịp thời.

Đến vụ bất ổn ở Libya lần này, tính chủ động trong phản ứng của Chính phủ cũng như các cấp chính quyền đã cao hơn rất nhiều. Sự chủ động cao đó nằm trong sự phối hợp của Đại sứ quán Việt Nam tại Libya với đại diện của các công ty xuất khẩu lao động để di tản lao động từ những khu vực bạo động về những nơi an toàn trú ngụ ngay khi bạo loạn xảy ra. Rồi đại sứ quán và lãnh sự quán Việt Nam tại các nước láng giềng cũng tích cực chủ động làm việc với chính phủ Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Malta… để họ cho phép ta đón lao động di tản từ Libya sang.

Những động thái trên cho thấy cách Chính phủ giải quyết những rủi ro của công dân Việt Nam ở nước ngoài đã nhanh hơn trước đây, nhất là trong hoàn cảnh hơn 10.000 lao động Việt Nam làm việc phân tán ở những vị trí cách xa nhau khiến việc di tản không hề dễ dàng để có thể làm ngay.

Sau một ngày bạo loạn xảy ra (17-2), toàn bộ những lao động nằm trong khu vực nguy hiểm đã được đưa đến những vùng an toàn kịp thời.Và trước khi thành lập ban chỉ đạo hỗ trợ người lao động, Thủ tướng cũng đã có những chỉ đạo cụ thể, kịp thời các cơ quan trực thuộc để họ bàn cách giúp đỡ công dân tại Libya. Con số hơn 4.500 lao động của chúng ta đã được di tản ra khỏi Libya và hơn 900 lao động về nước tính đến ngày 27-2 là thành quả đáng khích lệ từ những phản ứng chủ động và quyết liệt đó.

Xuất khẩu lao động là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước nhằm xóa đói giảm nghèo bền vững cho người dân. Hiện có hơn 500.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài, trong đó hơn 80% là lao động nông thôn nghèo, trình độ thấp nhưng chính họ mỗi năm gửi về nước gần 2 tỉ USD, đóng góp công sức không nhỏ vào việc phát triển kinh tế đất nước.

Những rủi ro từ chiến tranh hay tai họa không lường trước được có thể giáng xuống những người này bất cứ lúc nào. Vì vậy, với những gì mà Chính phủ, các đơn vị xuất khẩu lao động và có thể nói là cả xã hội đang làm để đảm bảo an toàn tính mạng cho hơn 10.000 lao động Việt Nam tại Libya đã cho người lao động Việt Nam ở nước ngoài một điểm tựa khiến họ an tâm tiếp tục bước đường mưu sinh ở xứ lạ quê người mà không sợ những cú sốc kiểu “Libya”.

HỒ VĂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên