Phóng to |
Nói chuyện bằng... tay
Trung tâm Lao động - sức khỏe môi trường TP.HCM kiểm tra điều kiện lao động tại một xí nghiệp dệt may ở Q.9: tiếng ồn nơi đây thật kinh khủng. Tại khu dệt, muốn nói chuyện với nhau chúng tôi phải hét thật to hoặc ra dấu bằng tay, nhưng thường cũng phải hét đi hét lại nhiều lần vì xung quanh rào rào tiếng máy.
Theo bác sĩ Đỗ Khánh Dương - phó giám đốc Trung tâm Lao động - sức khỏe môi trường, nơi đây tiếng ồn không dưới 95 dBA. Trong khi qui định tiếng ồn trong công xưởng không vượt quá 85 dBA. Tuy vậy, nhiều công nhân vẫn không đeo nút tai chống ồn.
Bác sĩ Dương nói thêm ngoài nhà máy dệt, khu vực công nhân thường xuyên tiếp xúc với tiếng ồn tần số cao là sợi, cơ khí, làm giày (do máy mài giày, dập giày), nhà máy thép... Từ đầu năm đến nay, trung tâm đã kiểm tra hàng chục nhà xưởng nằm trong nhóm này thì tất cả đều có những vi phạm về tiếng ồn: tiếng ồn vượt chuẩn quá cao, công nhân không đeo nút tai chống ồn... Còn một loại tiếng ồn thấp nhưng tiếp xúc liên tục nhiều lần trong ngày sẽ gây mệt mỏi thính giác nữa là tiếng điện thoại di động.
Vợ chồng... to tiếng Sống trong một căn nhà mặt tiền đường Điện Biên Phủ (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), anh N.A.T. luôn đau đầu với tiếng ồn. Anh nói ban ngày bước ra đường bị tra tấn bởi tiếng động cơ, còi xe. Tối về nhà, tiếng ồn cũng chẳng cho gia đình anh nghỉ ngơi. Tội nhất là con anh mới 2 tuổi vẫn hay giật bắn người lúc nửa đêm do tiếng còi xe tải. Vợ chồng anh thường xuyên phải nói chuyện to tiếng mới nghe rõ. Lâu dần thành thói quen. Tiến sĩ Nguyễn Đinh Tuấn - chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường - cho biết: “Ở TP.HCM, tiếng ồn do hoạt động giao thông vận tải là nguồn ồn chủ yếu và tác động đến nhiều người nhất. Tiếng ồn do giao thông vận tải tại các tuyến đường TP đều rất cao và vượt chuẩn cho phép. Tiếng ồn giao thông phân bố gần như đều khắp thành phố và liên tục trong ngày. Hầu hết tần số xuất hiện trên 75 đềxiben (dBA). Ngoài ra, mức ồn do giao thông vận tải không có mức chênh lệch giữa các tuyến đường. Chỉ sau 22g, tiếng ồn tại TP mới giảm chút ít”. |
Hiện nay, hoạt động công nghiệp được di dời khỏi nội thành nên các xí nghiệp cũng ít ảnh hưởng đến các khu dân cư mà chỉ ảnh hưởng đến công nhân lao động trực tiếp. Ngược lại, khu vực tiểu thủ công nghiệp tuy mức ồn thấp hơn nhưng lại ở trong TP, rải rác tại các khu dân cư: làng dệt Bảy Hiền, các cơ sở xi mạ, gia công kim loại...
Những hoạt động dịch vụ, buôn bán hoặc sinh hoạt khác cũng gây nên một mức ồn đáng kể ảnh hưởng đến cuộc sống dân cư đô thị. Theo TS Nguyễn Đình Tuấn, tiếng ồn tại một số khách sạn, cao ốc, vũ trường, câu lạc bộ khiêu vũ, nhà hàng, siêu thị, công trường... là các loại hoạt động gây ồn nghiêm trọng nhất. Loại nguồn ồn thường do máy phát điện, dàn nhạc sống, nhạc máy, máy thi công...
Hầu hết nguồn ồn loại này đều nằm trong khu dân cư đông đúc, không có khoảng cách ly vệ sinh thích hợp. Thời gian gây ồn thường vào những thời điểm bất lợi nhất đối với người bị tác động như ban đêm, khi bị cúp điện, lúc nóng bức... Vì vậy, trong thời gian qua, khiếu nại về tiếng ồn chiếm tỉ lệ khá cao trong các khiếu nại về môi trường.
10% giảm thính lực
Theo Trung tâm Lao động - sức khỏe môi trường TP.HCM, số công nhân giảm thính lực tăng dần. Năm 2005, khoa bệnh nghề nghiệp khám cho 12.271 lượt công nhân thì có khoảng 8,5% bị giảm thính lực, trong đó khoảng 2% bị điếc giai đoạn đầu. Trong ba tháng đầu năm nay khám cho trên 2.600 lượt người lao động trong môi trường có tiếng ồn cao thì trên 10% bị giảm thính lực.
Bác sĩ Đỗ Khánh Dương nói công nhân làm việc trong môi trường tiếng ồn có tần số cao, cường độ lớn trong thời gian dài có thể dẫn đến bệnh điếc nghề nghiệp. Cụ thể là trên 90 dBA, làm việc một ngày từ 6-8 giờ trong vòng 3-6 tháng. Tùy từng người, có những công nhân mẫn cảm với tiếng ồn thì thời gian bị bệnh rất nhanh. Điếc được xếp hàng đầu trong các bệnh nghề nghiệp ở nước ta. Dù có phát hiện bệnh, đưa ra khỏi dây chuyền sản xuất thì bệnh nhân vẫn không thể phục hồi mà bệnh tồn tại suốt đời.
Theo bác sĩ Dương, những người điếc thường nói rất to gây ảnh hưởng đến những người xung quanh hoặc gia đình. Luôn sống trong môi trường ồn ào, con người cũng dễ cáu gắt, bực bội hơn. Tiếng ồn có thể làm ảnh hưởng hệ thần kinh, làm con người mệt mỏi triền miên, đau đầu, kém ăn, kém ngủ, suy nhược cơ thể, sút cân...
Tiếng ồn gây ảnh hưởng đến hệ tim mạch. Tiếp xúc tiếng ồn ở mức độ cao, tim đập nhanh, huyết áp tăng, cụ thể khi vào vũ trường nhiều người thấy tim đập nhanh, khó thở. Tiếng ồn ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Những người làm việc trong môi trường ồn ào cao còn ăn không ngon do giảm tiết dịch vị, lâu dài có thể dẫn đến đau dạ dày.
Chế tài cơ sở gây ồn
Tiến sĩ Nguyễn Đinh Tuấn nói tiếng ồn ở đô thị có nhiều nguyên nhân nên khắc phục cũng tùy từng nơi mà có giải pháp khác nhau: chống ồn tại nguồn phát sinh, xây dựng cách âm chống tiếng ồn bên ngoài. Ở những nước tiên tiến, người ta còn qui hoạch thành phố thành những vùng chức năng khác nhau với những mức ồn khác nhau.
Ở điều kiện của thành phố chúng ta chỉ có thể áp dụng giải pháp này với những khu đô thị mới. TS Tuấn khẳng định: “Ý thức con người vẫn là vấn đề quan trọng nhất. Hướng dẫn ý thức từng người dân trong việc chống ô nhiễm tiếng ồn, gần nhất là chấm dứt việc bấm còi xe theo thói quen, mở phương tiện nghe nhìn với âm lượng vừa phải. Bên cạnh đó có biện pháp chế tài nghiêm khắc với những cơ sở dịch vụ thương mại gây ồn ào”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận