Cam kết của Việt Nam về các dịch vụ tài chính khi gia nhập WTO
Theo phân loại của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thì dịch vụ tài chính bao gồm các phân ngành dịch vụ bảo hiểm, dịch vụ chứng khoán và dịch vụ ngân hàng.
1. Dịch vụ bảo hiểm:
Về cơ bản, mức cam kết của Việt Nam với WTO cơ bản ngang bằng với lộ trình mở cửa theo Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA), với điểm khác biệt nhất là Việt Nam cho phép thành lập chi nhánh bảo hiểm phi nhân thọ. Các cam kết cụ thể là:
- Cho phép cung cấp bảo hiểm qua biên giới cho các doanh nghiệp FDI và cá nhân người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; vận tải quốc tế, tái bảo hiểm và các dịch vụ tư vấn bảo hiểm.
- Không hạn chế việc tiêu dùng dịch vụ bảo hiểm ở nước ngoài.
- Cho phép thành lập công ty bảo hiểm 100% vốn đầu tư nước ngoài kể từ khi gia nhập và cho phép thành lập chi nhánh của các Công ty bảo hiểm nước ngoài sau 5 năm đối với dịch vụ bảo hiểm phi nhân thọ. Không hạn chế về số lượng chi nhánh trong nước, đối tượng cung cấp dịch vụ và qui định tái bảo hiểm 20% cho VINARE; từ 1-1-2008, cho phép công ty BH có vốn ĐTNN được cung cấp dịch vụ bảo hiểm bắt buộc bao gồm: Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm xây dựng và lắp đặt, các dự án dầu khí và các dự án có rủi ro tác động lớn tới môi trường và an ninh công cộng.
2. Dịch vụ chứng khoán:
Nhìn chung, các cam kết về chứng khoán phù hợp với Luật Chứng khoán mới được ban hành, cụ thể là:
- Việt Nam không cam kết đối với hình thức cung cấp dịch vụ qua biên giới, trừ dịch vụ cung cấp thông tin tài chính và các dịch vụ tư vấn phụ trợ.
- Không hạn chế việc tiêu dùng dùng dịch vụ ở nước ngoài.
- Cho phép thành lập văn phòng đại diện và liên doanh đến 49% vốn ĐTNN từ thời điểm gia nhập; cho phép thành lập công ty cung cấp dịch vụ chứng khoán 100% vốn ĐTNN sau 5 năm kể từ khi gia nhập và cho phép thành lập chi nhánh của công ty cung cấp dịch vụ chứng khoán nước ngoài sau 5 năm đối với một số loại hình dịch vụ như: Quản lý tài sản, thanh toán, tư vấn liên quan đến chứng khoán và cung cấp, trao đổi thông tin tài chính.
3. Dịch vụ ngân hàng:
Việt Nam đã đạt được cam kết hợp lý, cân bằng và phù hợp với chủ trương của Chính phủ, cụ thể là:
- Về cơ bản, Việt Nam không cam kết đối với hình thức cung cấp dịch vụ qua biên giới, trừ dịch vụ cung cấp thông tin tài chính và các dịch vụ tư vấn phụ trợ.
- Không hạn chế tiêu dùng ở nước ngoài.
- Chỉ các ngân hàng nước ngoài có tổng tài sản lớn hơn 10 tỷ USD mới được thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài (từ 4-2007); trên 20 tỷ USD mới được thành lập chi nhánh. Ngân hàng nước ngoài được phép phát hành thẻ tín dụng. Chi nhánh của ngân hàng nước ngoài được phép huy động tiền đồng tăng dần theo thời gian (từ 1-1-2011 sẽ được phép như ngân hàng trong nước), nhưng không được mở ATM và các điểm giao dịch ngoài trụ sở. Bên nước ngoài được phép mua tối đa 30% cổ phần của ngân hàng trong nước.
Cơ hội và thách thức của dịch vụ tài chính Việt Nam khi gia nhập WTO
1. Dịch vụ bảo hiểm:
Việc mở cửa thị trường sẽ tác động tích cực đối với cạnh tranh, thúc đẩy sự phát triển của ngành bảo hiểm Việt Nam nói chung và bản thân các công ty bảo hiểm trong nước.
- Việc tham gia thị trường của những công ty bảo hiểm mới, đặc biệt là các công ty bảo hiểm nước ngoài sẽ đa dạng hóa và khiến thị trường sôi động hơn.
- Mở cửa thị trường tạo điều kiện tăng cường trao đổi kiến thức và kỹ năng chuyên ngành, góp phần thúc đẩy năng lực cạnh tranh của các công ty bảo hiểm trong nước.
- Tạo cơ hội cho các doanh nghiệp bảo hiểm Nhà nước chuyển đổi cơ cấu để tăng khả năng cạnh tranh.
Tuy nhiên, việc tham gia của các công ty nước ngoài vào thị trường bảo hiểm cũng có những ảnh hưởng nhất định đối với công ty bảo hiểm trong nước, đó là:
- Các công ty trong nước bị chia sẻ thị trường (Bảo Việt Nhân Thọ giảm từ trên 70% năm 2000 xuống còn 38% năm 2005).
Hiện tại, mức phí bảo hiểm tại Việt Nam vẫn còn khá cao do đó các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam sẽ phải cạnh tranh khá vất vả khi gặp những tập đoàn bảo hiểm tầm cỡ với chương trình bảo hiểm toàn cầu có mức phí rất thấp.
- Các công ty bảo hiểm phi nhân thọ trong nước sẽ đứng trước sức ép cạnh tranh lớn.
- Biến động về nhân sự giữa các công ty bảo hiểm.
- Thị trường phát triển nhanh về qui mô, đa dạng về sản phẩm là sức ép đối với các nhà quản lý.
- Mức độ tập trung thị trường cao dễ dẫn đến hiện tượng thông đồng giữa các công ty bảo hiểm lớn, ảnh hưởng tới sự cạnh tranh lành mạnh của thị trường, gây thiệt hại cho các công ty vừa và nhỏ.
2. Dịch vụ chứng khoán:
TTCK Việt Nam có tốc độ phát triển cao trong khu vực: Đến cuối tháng 10-2006, đã có 53 công ty niêm yết và 16 công ty đăng ký giao dịch với giá trị vốn hóa thị trường lên đến 4,2 tỷ USD năm 2005 (khoảng 8,1% GDP của Việt Nam) so với mức 16,8 triệu USD khi mới thành lập năm 2000. Với mức độ tự do hóa thị trường khá cao theo cam kết WTO, sẽ có nhiều tác động tới hoạt động cung cấp dịch vụ chứng khoán, cụ thể:
- Sự tham gia thị trường của các Công ty chứng khoán, Công ty quản lý quĩ có vốn ĐTNN và các chi nhánh sẽ làm thị trường sôi động hơn.
- Việc tham gia ngày càng nhiều của các Công ty chứng khoán nước ngoài với vai trò là định chế trung gian trên thị trường cũng sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của TTCK.
- Tạo điều kiện tăng cường trao đổi kiến thức và kỹ năng chuyên ngành, góp phần thúc đẩy năng lực cạnh tranh của các Công ty chứng khoán trong nước.
- Sức ép cạnh tranh lớn hơn buộc các Công ty chứng khoán trong nước phải chủ động điều chỉnh mô hình và chính sách quản lý, đào tạo nhân viên, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo lợi thế với các công ty nước ngoài:
Tuy nhiên các Công ty chứng khoán trong nước còn non trẻ cả về nghiệp vụ chứng khoán, kinh nghiệm, khả năng cạnh tranh chưa được kiểm chứng và tiềm lực tài chính hạn chế sẽ phải đối đầu với thách thức lớn; trong đó, môi giới chứng khoán, một trong những nghiệp vụ cơ bản nhất của các công ty chứng khoán, là lĩnh vực xảy ra sự cạnh tranh mạnh nhất và sớm nhất. Những thách thức đó là:
- Tiềm lực tài chính, qui mô và khả năng bổ sung tài chính của các Công ty chứng khoán trong nước còn hạn chế.
- Nghiệp vụ chứng khoán của các Công ty chứng khoán trong nước vẫn còn yếu, họat động chủ yếu tập trung vào dịch vụ tư vấn đầu tư, tài chính và môi giới chứng khoán.
- Mức độ ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế đối với hầu hết các Công ty chứng khoán trong nước.
- Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, đạo đức nghề nghiệp chưa được xác lập rõ ràng.
3. Dịch vụ ngân hàng:
Cam kết trong lĩnh vực dịch vụ ngân hàng của Việt Nam chặt chẽ do vậy mức độ ảnh hưởng đối với ngành ngân hàng của Việt Nam sẽ không quá lớn. Có một số tác động như:
- Các cam kết mở cửa thị trường ngân hàng sẽ tạo điều kiện cho sự tham gia ngày càng nhiều của các đối tác nước ngoài sẽ góp phần tăng cường thị trường tài chính của Việt Nam.
- Sức ép cạnh tranh buộc các ngân hàng trong nước phải chủ động điều chỉnh mô hình và chính sách quản lý, đào tạo nhân viên, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo được lợi thế với các ngân hàng nước ngoài.
Tuy nhiên, với điểm yếu là các ngân hàng trong nước có qui mô nhỏ, nợ xấu theo tiêu chuẩn quốc tế còn cao, đặc biệt là các ngân hàng thương mại Nhà nước; các sản phẩm dịch vụ còn chưa đa dạng và chất lượng dịch vụ chưa cao nên việc tham gia ngày càng nhiều của các ngân hàng nước ngoài có qui mô vốn lớn, năng lực cạnh tranh cao và nắm giữ vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính quốc gia sẽ chứa đựng rủi ro tiềm tàng tới sự phát triển ổn định và bền vững của hệ thống tài chính; tính liêm chính của hệ thống trước các hiện tượng rửa tiền và tài trợ khủng bố.
Bạn có thể tham khảo thêm (hoặc dowload) Toàn văn các cam kết gia nhập WTO tại đây.
Dựa trên: Tạp chí Chứng khoán Việt Nam; www.wto.org;Diễn đàn doanh nghiệp VN, Tìm hiểu về WTO của Viện quan hệ quốc tế
TTO
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận