02/07/2014 10:19 GMT+7

Địa đạo Vịnh Mốc và người bị lãng quên

QUỐC NAM
QUỐC NAM

TT - Ông được mệnh danh là công trình sư của địa đạo Vịnh Mốc nổi tiếng ở đất lửa Quảng Trị. Ông đã cứu sống hàng ngàn người dân vùng giới tuyến Vĩnh Linh nhờ sáng kiến đào hầm địa đạo đầy sáng tạo. Nhưng cho đến nay ông bị lãng quên tại ngay chính nơi làm nên tên tuổi của mình.

Sóng biển đe dọa địa đạo Vịnh Mốc“Lãnh địa máu” đìu hiuKý ức của “o du kích nhỏ”

0mvqAJ1y.jpg
Bên trong địa đạo là cả một ngôi làng, có cả trạm y tế, nhà hộ sinh. Trong ảnh: mô hình tái hiện một ca sinh nở trong địa đạo - Ảnh: Quốc Nam

Ông tên là Lê Xuân Vy, năm nay 85 tuổi, sống trong một ngôi nhà nhỏ tại khu phố 4, P.5, TP Đông Hà (Quảng Trị). Hai mắt ông đã mù hẳn, chân đã yếu đi lại phải vịn chỗ này tựa chỗ kia.

Nhưng ông vẫn có thể kể vanh vách câu chuyện của gần 50 năm trước khi ông cùng với người dân Vĩnh Linh tạo nên một ngôi làng trong lòng đất.

Đi xuyên lòng đất với trình độ... lớp 4

T1QnHNIH.jpg
Ông Lê Xuân Vy bây giờ - Ảnh: Quốc Nam

Ông Vy bắt đầu nghĩ đến việc đào địa đạo từ năm 1966. Đó là thời điểm Mỹ đánh phá điên cuồng vùng giới tuyến Vĩnh Linh.

Thời điểm đó ông Vy là đồn trưởng đồn công an vũ trang 140, đóng ngay tại thôn Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh bây giờ. Đồn trưởng Vy thấy rằng chỉ còn cách đào hầm trú ẩn mới bảo toàn được lực lượng.

Ngày 18-2-1966, ông Vy ra lệnh cho các chiến sĩ lực lượng vũ trang đồn 140 khởi công đào địa đạo Vịnh Mốc. Ý tưởng ban đầu của ông là một chiếc hầm chữ U, chiều dài mỗi cạnh 10m, hướng ra phía biển để tiện quan sát máy bay địch từ phía biển vào.

Tuy nhiên, địa đạo này chỉ có thể chống được bom đạn cỡ trung bình trở xuống. Với bom cỡ lớn thì nguy cơ sập hầm rất cao. Đúng như điều ông lo lắng, một địa đạo kiểu chữ U tương tự được người dân tự đào tại xã Vĩnh Giang đã bị bom đánh sập. Hơn 100 cán bộ chiến sĩ bị vùi lấp trong hầm.

Trăn trở suốt nhiều ngày, ông nghĩ đến việc phải thiết kế một địa đạo xuyên sâu vào lòng đất để bom đạn không thể khoan tới. Đầu năm 1966, ông đi khảo sát khắp quả đồi bên trên hầm chữ U một lượt, ông thấy đây là nơi thích hợp nhất để làm địa đạo lớn.

Ông tự phác họa ra một sơ đồ đường hầm theo hướng đông - tây, bắt đầu từ căn hầm chữ U. Lộ trình của địa đạo được thiết kế tỉ mỉ từ đường giao thông hào phía trên đến hầm lán trại, hầm chữ A, cuối cùng mới đến địa đạo. Do vậy, Mỹ có phát hiện địa đạo cũng rất khó vào được khu vực trung tâm đầu não của ta dưới lòng đất.

"Đã gần 50 năm trôi qua, nhiều người cũng hỏi tôi về chuyện khen thưởng sau khi thiết kế xong hầm địa đạo Vịnh Mốc. Nhưng tôi chỉ nói phần thưởng lớn nhất của mình là địa đạo đó đã cứu mạng cho hàng ngàn người dân khỏi bom đạn"

ÔngLÊ XUÂN VY

Điều quan trọng nhất để công trình địa đạo này thành hình hài là phải đo được độ dốc của ngọn đồi so với mặt nước biển để tính toán độ sâu của từng tầng địa đạo.

Ông nhóm họp các cán bộ lãnh đạo đồn công an 140. Ai cũng vò đầu bứt tai không biết làm sao để có được thông số này một cách chính xác trong khi máy móc không có.

Ông Vy nảy ra sáng kiến đo thành từng đoạn từ trên đỉnh đồi xuống. Mỗi đoạn khoảng 1m. Một sợi dây được căng ra theo phương ngang từ điểm cao nhất, rồi một sợi dây khác được kẹp chì gióng xuống để tính độ dốc của đoạn đó. Hết đoạn này lại đo tiếp đoạn khác. Sau đó ông cộng các thông số độ dốc của từng đoạn lại với nhau để thành kết quả cuối cùng.

“Sau này khi hoàn thành, người của Cục Công binh mang máy móc vào đo lại thì kết quả y như tôi đo thủ công” - ông Vy kể.

Để tạo động lực cho các đội đào địa đạo, ông Vy tổ chức các đợt thi đua giữa các tổ, nhóm. “Tổ nào đào nhanh sẽ được phong là kiện tướng đào đất. Tổ nhanh hơn được phong là đại kiện tướng. Nhờ thế mà dù chỉ ăn khoai sắn, tốc độ đào địa đạo của quân dân Vĩnh Linh tăng đáng kể” - ông Vy kể.

Ông Vy lý giải việc chọn đào địa đạo theo hướng đông - tây vì nếu Mỹ ném bom từ biển vào có thể chỉ phá được một đoạn ngắn hầm phía đông, phía tây nằm sâu trong đất liền sẽ an toàn. Mọi tính toán của ông Vy hết sức chi li, khoa học. Dưới đường đi là trục chính của địa đạo.

Lỗ thông hơi phải cách trục chính đúng 5m và được đào sâu hơn so với đáy địa đạo 0,5m, phòng khi Mỹ ném bom bi cũng không vào được địa đạo mà chỉ lọt xuống đáy lỗ thông hơi.

Kết thúc tầng hai, ông Lê Xuân Vy tiếp tục chỉ huy lực lượng công an và người dân Vịnh Mốc đào thêm tầng ba của địa đạo với chiều sâu cách mặt đất đến 25m.

Dụng cụ đào hầm chỉ là cuốc, xẻng, xe cút kít để vận chuyển đất đào. Đất đào ở tầng ba (tầng sâu nhất) được đem đổ ra biển rồi lấp cát trắng xóa dấu vết. Toàn bộ công trình địa đạo có đến 10 hạng mục từ hầm cá nhân, hội trường, hầm chiến đấu, khu cứu thương, khu sinh hoạt gia đình, khu vệ sinh, giếng lấy nước... với 13 cửa ra vào.

Đào xong địa đạo rồi nhưng ông Vy lại tính toán cẩn thận hơn. Ông cho đào tiếp một đường rút lui theo hướng ngược lên mặt đất với chiều dài gần 60m. Có hai tổ xung kích gồm sáu người đứng từ độ sâu 25m (đáy tầng ba) đào ngược lên mặt đất.

Suốt một tháng ròng, đường thoát hiểm lên mặt đất được hoàn chỉnh. Sau 18 tháng đằng đẵng với hàng ngàn công lao động dưới sự chỉ huy của ông Vy, địa đạo Vịnh Mốc đã hoàn thành.

Toàn bộ người dân thôn Vịnh Mốc cùng lực lượng bộ đội kháng chiến thời điểm đó đều chuyển xuống địa đạo này sinh hoạt và chiến đấu. Nhờ thế đã bảo toàn được tính mạng trước hàng ngàn tấn bom đạn của Mỹ ném xuống vùng này.

Thời điểm đó ông Vy mới học xong lớp 4 trường làng!

Lãng quên?

Sẽ xem xét

“Việc ghi nhận công lao của ông Lê Xuân Vy đối với việc đào hầm địa đạo Vịnh Mốc nhiều năm trước đã được ngành văn hóa của tỉnh đề xuất lên Bộ Văn hóa. Một cuộc hội thảo về hầm địa đạo này cũng đã được tổ chức, có ý kiến đề xuất tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho ông Lê Xuân Vy. Đúng là thời điểm đó ông Vy đóng vai trò chỉ huy, hướng dẫn cách đào địa đạo. Tuy nhiên, nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng địa đạo này là công trình chung của hàng ngàn người cùng đào nên chỉ tôn vinh giá trị tập thể chứ không tôn vinh vai trò cá nhân. Từ sau hội thảo đó đến nay, phía sở cũng thu thập thêm được nhiều tư liệu về công lao của ông Vy. Sắp tới khi hoàn thành việc xây dựng nhà trưng bày địa đạo ngay trong khuôn viên khu di tích địa đạo Vịnh Mốc, sở sẽ xem xét việc đưa tên ông Lê Xuân Vy vào nhà trưng bày này” - ông Nguyễn Hữu Thắng, giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Quảng Trị, nói.

Ông Vy là người ở phía bờ nam, xã Hải An, huyện Hải Lăng, vượt sông Bến Hải ra miền Bắc hoạt động cách mạng. Sau khi ông thiết kế và chỉ huy đào xong địa đạo Vịnh Mốc, ông được phân công nhiệm vụ làm phó ban an ninh Quảng Trị.

Vào những năm đầu khi thống nhất đất nước, đại tướng Đoàn Khuê - nguyên bộ trưởng Bộ Quốc phòng - vào thăm địa đạo Vịnh Mốc. Sau đó, đại tướng Đoàn Khuê gửi lại một món quà nhỏ cho ông Vy thông qua Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị.

Chỉ là mấy mét vải cùng nhu yếu phẩm sinh hoạt thôi nhưng cho đến nay, đó là lần duy nhất ông Vy cảm thấy mình được ghi nhận công lao trong việc xây dựng thành công địa đạo Vịnh Mốc.

Ngôi nhà ông khá đơn sơ. Căn phòng ông càng đơn sơ hơn với một bộ bàn ghế và một chiếc giường.

Trên đầu giường ông kê một chiếc rương gỗ khá cũ kỹ. Gặng hỏi ông về những tấm bằng khen sau khi hoàn thành địa đạo, ông chỉ lắc đầu cười. Trong chiếc rương chỉ toàn đựng quần áo bộ đội.

Chiếc la bàn - kỷ vật giúp ông thiết kế được địa đạo ngày trước - ông đã tặng cho Bảo tàng Quảng Trị. “Đã gần 50 năm trôi qua, nhiều người cũng hỏi tôi về chuyện khen thưởng sau khi thiết kế xong hầm địa đạo Vịnh Mốc. Nhưng tôi chỉ nói phần thưởng lớn nhất của mình là địa đạo đó đã cứu mạng cho hàng ngàn người dân khỏi bom đạn” - ông bình thản nói.

Ghé về khu di tích địa đạo Vịnh Mốc, chúng tôi tìm khắp nơi từ trong phòng trưng bày hiện vật cho đến dưới những đường hầm thì không hề thấy dòng nào nhắc đến tên người được xem là công trình sư của địa đạo này. Những đoàn khách trong nước và quốc tế nườm nượp đổ về Vịnh Mốc được các nhân viên khu di tích này hướng dẫn đi tham quan cũng không nghe ai nhắc về người thiết kế nên công trình này.

Trưa, để tránh nóng chúng tôi tò mò theo hai vị khách người nước ngoài tạt vào phòng chiếu phim trong khu di tích. Nhân viên tại đây mở cửa phòng và mở bộ phim tài liệu Huyền thoại từ lòng đất. Gần 30 phút của bộ phim tài liệu này chúng tôi mới nghe nhắc đến cái tên Lê Xuân Vy một lần. Đó là câu: “Công trình địa đạo Vịnh Mốc do ông Lê Xuân Vy, nguyên đồn trưởng công an 140, chỉ huy”.

Không thể kể hết sáng kiến

Ông Nguyễn Văn Dũng (82 tuổi, ở xã Vĩnh Lâm, Vĩnh Linh) - người hiếm hoi từng đào địa đạo cùng ông Vy nay vẫn còn sống - cho rằng khó mà nói hết những sáng kiến của ông Vy trong việc hoàn thành hầm địa đạo Vịnh Mốc này. Khi mới đào tầng thứ hai của địa đạo, ông Vy chia nhân công ra thành các tổ khác nhau và đào cùng lúc từ nhiều hướng. Việc đảm bảo các nhánh đào cùng lúc, mỗi nhánh dài mấy chục mét này có thể khớp nhau được là một việc vô cùng khó trong thời điểm đó bởi không có máy móc gì ngoài chiếc la bàn. Ông Vy cấp cho mỗi tổ ba ngọn đèn. Ông hướng dẫn các tổ khi đào vào khoảng 7m thì sắp ba ngọn đèn này thẳng hàng với nhau. Rồi từ ngọn đèn ngoài cùng gióng vào thành một đường thẳng thì đào theo đường thẳng đó.

“Để chắc chắn hơn, ông Vy yêu cầu những người đào đường hầm này cứ luân phiên cầm cuốc tay phải năm nhát, sau đó đổi sang tay trái năm nhát. Vì theo quán tính người cuốc thuận tay phải sẽ có xu hướng cuốc qua trái nhiều hơn. Nhờ vậy mà có những đoạn hầm dài đến 25m các tổ khác nhau vẫn đào theo đúng một đường thẳng và khớp nhau” - ông Dũng kể.

QUỐC NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên