29/06/2013 00:34 GMT+7

Đi trên mái nhà ở Masuleh

HỒ ANH THÁI
HỒ ANH THÁI

TTCT - Đi trong chợ đêm ở Masuleh (Iran), dừng chân trước một cửa hàng đồ lưu niệm, đấy là ta đang đứng trên một mái nhà nào đó. Ngồi trong một tiệm ăn cũng là ngồi trên một mái nhà. Ghé vào một quán trà và ngồi hút ống điếu qalyan cũng ngồi trên một mái nhà.

Địa thế một ngôi làng trên sườn núi tạo ra tình cảnh ấy. Những căn nhà chồng nhau trên sườn núi, lớp này chồng lên lớp kia, nhà trên chồng lên nhà dưới, nhà dưới đỡ cho nhà trên.

vLoA48eY.jpgPhóng to
Một góc pháo đài Qua’leh Rudkhan - Ảnh: D.Q.

Ở nơi mỗi nhà là một khách sạn

Làng đẹp nhất khi đêm xuống. Khu chợ đêm rực rỡ đèn màu, lộng lẫy tưng bừng sáng rực trên vách núi. Chúng tôi đỗ xe trong bãi xe đầu làng, gọi điện thoại vào cho anh hướng dẫn viên. Lát sau một chàng trai như nhảy ra từ đám đông du khách đang chen chân vào làng. Cao phải trên 1,9m chứ không ít, anh dẫn chúng tôi luồn lách qua các ngõ ngách khu chợ đêm, qua những chiếc cầu bêtông, những lan can sắt trên vách núi, leo lên leo xuống mỏi chân, cuối cùng dừng trước một căn nhà nhỏ.

Hai cửa sổ tầng trên sáng rực ánh đèn hắt ra bậu cửa treo lơ lửng mấy chậu địa lan nở đầy hoa. Nhìn biết ngay phòng chúng tôi sắp thuê ở trên ấy. Làng có khoảng 1.500 dân, mấy trăm căn nhà đều trở thành khách sạn hoặc có phòng cho thuê. Chúng tôi vào ở trong một gia đình như thế, nhà chủ dồn vào ở tầng dưới, khách đến nghỉ ở trong hai căn phòng tầng trên.

Gần biển Caspia, được hưởng khí hậu biển nên núi ở Masuleh không phải là núi trọc như ở các vùng lục địa hoặc sa mạc mà phủ đầy cây xanh. Trong mắt người Iran, rừng rậm trên núi và màu xanh cây lá ngút tầm mắt là một lợi thế. Khí hậu ẩm, không gian đầy hơi nước và thảng hoặc trong ngày trời đổ cho một trận mưa là một lợi thế nữa. Người dân khắp đất nước vốn khô khát đổ về du lịch nơi đây vì những lý do như vậy.

Đêm khuya và sáng sớm vẫn từng đoàn du khách mang vác balô kéo vào làng tìm chỗ trọ. Làng đẹp nhất về đêm như đã kể ở trên. Làng lịm đi trong một giấc ngủ muộn vào sáng hôm sau, đến 9g vẫn chưa có tiệm ăn nào mở cửa cho bữa sáng. Gần 6g tôi đã dậy, leo lên leo xuống khắp làng trong sương mù lãng đãng trên sườn núi.

Không gặp người thì cứ thế lang thang trên những nóc nhà, xác định được nóc nhà này là chỗ mình ngồi hút ống điếu đêm qua, đây là tiệm ăn, đây là khu bán đồ mỹ nghệ kim loại, thảm treo tường, đồ mây tre và dệt thủ công, đây là chỗ bán hạt điều, hạt dẻ cười, hạt óc chó, hạt hạnh nhân. Xứ Ba Tư khô khát mà dân thì thích ăn đồ khô và các loại hạt.

Sáng sớm chưa gặp người, tản bộ vào khu giáo đường đạo Hồi. Đêm qua lúc mang đồ vào làng, du khách đã đi qua giáo đường này, mái vòm hình củ hành và hai cái tháp được chiếu sáng màu lá mạ xanh biếc. Bây giờ sáng sớm, đèn màu đã tắt, cả làng ngủ vùi trong sương mù, giáo đường cũng im phăng phắc. Tôi lần vào sân giáo đường thấy trên nền sân gạch lát đầy tấm bia cẩm thạch đen khắc tên các liệt sĩ.

Làng cổ có lịch sử 1.000 năm, phải chia sẻ cùng đất nước nhiều cuộc chiến, cuộc gần nhất là chiến tranh Iran - Iraq từ 1980-1988. Trong khoảng sân bên phải đền cũng đầy bia mộ lát trên sân gạch, bia mộ trở thành phiến đá lát phẳng trên sân, có tấm bia còn in hình liệt sĩ khắc chìm trong phiến đá.

oMwyKOTL.jpgPhóng to
Leo 1.000 bậc để lên pháo đài Qua’leh Rudkhan trên đỉnh núi - Ảnh: D.Q.

Chỉ trừ trứng cá biển Caspia

Làng Masuleh thuộc tỉnh Gilan, một tỉnh vùng tây bắc Iran, cả tỉnh chạy men theo bờ biển Caspia. Như ngày trước, Iran nhìn qua biển Caspia, phía bên kia là Liên bang Xô Viết, lúc ấy chỉ có Iran và Liên Xô chia nhau nguồn lợi 95% trứng cá của thế giới từ biển Caspia này.

Sau khi Liên Xô tan rã, nguồn lợi trứng cá tầm và dầu mỏ trên biển chia ra cho các nước ven biển Caspia gồm Iran, Nga và thêm mấy nước cộng hòa Xô Viết cũ: Azerbaijan, Kazakhstan, Turkmenistan.Tỉnh Gilan thời xưa là nơi thông thương sang Nga, cũng phải chịu nhiều cuộc chinh phạt qua lại giữa các xứ.

Lịch sử chiến chinh của Gilan còn có thể thấy trong di tích pháo đài cổ Qua’leh Rudkhan. Pháo đài trên đỉnh núi vẫn còn lưu lại những ngọn tháp, những đoạn tường thành, những vòm cổng thành nhắc nhớ thời oanh liệt chiến đấu chống quân Thổ Nhĩ Kỳ ở thế kỷ 11. Con đường lên pháo đài phải trèo gần nghìn bậc bêtông trộn sỏi, men theo những dòng suối rêu phủ xanh mặt đá và chim chóc hót líu lo.

Khi mệt mỏi rã rời đi trở xuống thì gặp ngay một cơn mưa rừng sầm sập như trút nước. Xứ Ba Tư thiếu nước, nhưng chỉ riêng vùng này mưa quanh năm. Ở gần bãi để xe, một chiếc xe mui trần phóng vào bãi, anh chàng lái xe bỏ tay lái, dang hai tay ra ngửa cổ kêu to: Thật là sảng khoái. Sảng khoái vì những hạt mưa bắt đầu rơi, trong khi ở vùng anh sống lâu lâu mới có mưa, chắc chắn thế.

Một điều nữa được ghi nhận, biển Caspia cung cấp 95% lượng trứng cá cho toàn thế giới, nhưng đừng vội tưởng tượng rằng đến những thành phố cảng bên bờ Caspia sẽ thấy ê hề trứng cá trong các bữa ăn. Không đâu. Hầu như không thấy trứng cá tầm ở vùng ven biển này cũng như trên khắp đất nước Iran, bởi nó là mặt hàng chiến lược để xuất khẩu.

Ta chỉ có thể nếm vị trứng cá ngon ngọt của Ba Tư ở đâu đó bên Âu - Mỹ. Còn ở đây, ngồi trong quán ăn phố núi Masuleh, hãy bằng lòng với món cá tầm nướng, những món kebab thịt nướng, thịt cừu, thịt dê, thịt gà, đủ cả, chỉ trừ món trứng cá Caspia.

fwz6dKWg.jpgPhóng to
Mái nhà thành tiệm cà phê hoặc bán đồ mỹ nghệ - Ảnh: Hồ Anh Thái
3zqWeV7Y.jpgPhóng to
Đỉnh núi hình yên ngựa là nơi xây dựng pháo đài ở thế kỷ 11 - Ảnh: D.Q.
HỒ ANH THÁI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên