15/08/2005 08:04 GMT+7

Đi tìm "người du kích châu Mỹ Latin"

HÙNG THUẬT
HÙNG THUẬT

TT (Venezuela) - “Ôi tên anh truyền khắp hoàn cầu, vọng về nơi Venezuela, cuồn cuộn sôi trong muôn con tim, người du kích châu Mỹ Latin...”.

ioPT3muG.jpgPhóng to

Ông Guillermo (giữa) và các thanh niên VN dự Festival thanh niên, sinh viên thế giới Ảnh: Oman Garcia

Hơn 40 năm đã trôi qua từ ngày xảy ra sự kiện vang vọng ấy, ước nguyện được gặp người du kích anh hùng ấy bây giờ lại bùng lên khi chúng tôi được sang Venezuela dự Festival thanh niên, sinh viên thế giới lần 16.

Gặp gỡ

Qua sự giới thiệu của Viện Thanh niên quốc gia Venezuela, chúng tôi tìm gặp một số người lớn tuổi có thông tin về sự kiện này.

Sau nhiều ngày tìm hiểu, một thông tin quí giá đến với chúng tôi: người lãnh đạo phong trào du kích và trực tiếp chỉ đạo vụ bắt cóc trung tá Mỹ năm xưa hiện đang là tổng biên tập một tờ nhật báo.

Chúng tôi tiếp tục dò tìm qua các bạn Venezuela tham dự Festival thanh niên, sinh viên thế giới và những phóng viên Venezuela.

Một phóng viên nhật báo VEA chụp ảnh đoàn đại biểu VN tham dự festival không biết tổng biên tập của mình có phải là vị chỉ huy du kích quân Caracas năm xưa hay không, nhưng khẳng định tổng biên tập của ông có mối liên hệ mật thiết với VN.

Gọi về tòa soạn của ông tìm hiểu, chúng tôi mới biết vị tổng biên tập “có mối liên hệ mật thiết với VN” ấy chính là Guillermo Garcia Ponce - người chỉ huy vụ bắt cóc viên trung tá Mỹ để yêu cầu trả tự do cho Nguyễn Văn Trỗi.

Sau nhiều lần lui tới, chúng tôi mới gặp được ông Guillermo tại tòa soạn nhật báo VEA nằm dưới tầng hầm khu phức hợp Anauco. Năm nay đã bước sang tuổi 80, “ông già du kích” Guillermo vẫn làm việc cật lực.

Ông đi liên tục và thỉnh thoảng mới về tòa soạn. Vừa đi công tác về, ông đi thẳng đến phòng khách vì ở đó có một nhóm phóng viên từ Argentina đến trước chờ phỏng vấn.

Thế nhưng khi nghe chúng tôi giới thiệu từ VN sang, ông tạm gác lại cuộc hẹn kia. “Tôi chờ ngày này lâu lắm rồi”, ông nói thế.

Chỉ huy trưởng đội du kích

Ông Guillermo bắt đầu câu chuyện với việc khoe bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh treo trang trọng ngay gian phòng chính của tòa soạn, ông nói đó là cách để ông bày tỏ tình cảm với đất nước VN.

Ông kể rằng vào năm ấy, khi được tin chính quyền Sài Gòn bắt giam và quyết định tử hình người thanh niên VN Nguyễn Văn Trỗi, người dân Venezuela rất phẫn nộ.

Ông nhớ lại: “Để bày tỏ sự phản đối và ủng hộ nhân dân VN, chúng tôi quyết định bắt một sĩ quan Mỹ làm con tin, yêu cầu trao đổi. Sau hơn hai tuần chuẩn bị, vào khoảng ngày 9 hoặc 10-10-1964 (ông không nhớ chính xác), khi trời vừa nhá nhem tối, các đồng chí của tôi đột nhập trại lính Sede de la Misión Militar Norte American ở thủ đô Caracas.

Tôi chịu trách nhiệm chỉ huy, không tham gia trực tiếp. Theo kế hoạch ban đầu, chúng tôi sẽ bắt đại tá Henry Lee Choate, chỉ huy trưởng lực lượng bảo vệ phái bộ Mỹ ở Caracas để gây sức ép, buộc chế độ thân Mỹ ngừng chiến dịch đàn áp phong trào cách mạng và đòi trả tự do cho anh Trỗi.

Trại lính được bảo vệ rất nghiêm ngặt, nhưng vì chúng tôi tấn công bất ngờ nên chúng không kịp trở tay. Đội du kích 25 người chúng tôi được trang bị một số súng ngắn và vài cây súng trường bắt giữ những tên bảo vệ trước, yêu cầu chúng ký tên ủng hộ lực lượng du kích.

1y61m5fi.jpgPhóng to
Ông Guillermo cùng con gái Tania cũng là nhà báo - Ảnh: H.T.

Ông Guillermo nói rằng dù bị truy bắt và sát hại sau sự kiện ấy, ông và đồng chí của mình chưa bao giờ hối hận về việc mình làm.

“Tôi cứ nhớ mãi và rất ngưỡng mộ cuộc đấu tranh anh hùng của nhân dân VN. Đó là tấm gương sáng cho chúng tôi. Việc chúng tôi làm chỉ là điều rất nhỏ để bày tỏ tình cảm ấy. Và đó cũng là cách để thúc đẩy phong trào cách mạng ở đất nước chúng tôi”, ông tâm sự.

Tiếp đó, chúng tôi tiến vào bên trong. Viên đại tá chạy thoát trong gang tấc. Chúng tôi chuyển sang bắt trung tá Michael Smolen”.

Ở tuổi 80, trông ông Guillermo vẫn còn rất nhanh nhẹn và minh mẫn. Ông kể rằng sau khi bắt trung tá Smolen, đội du kích đưa vào giam trong một căn hầm bí mật ngay tại Caracas, bắt đầu thả những tờ rơi thông báo về sự kiện ấy.

Báo chí trong nước và cả của Mỹ dồn dập đưa tin. Đại sứ Mỹ tại Venezuela vô cùng hốt hoảng, tìm cách thương lượng với lực lượng du kích quân.

Mặt khác, chính quyền huy động lực lượng an ninh lùng sục, bắt bớ và tra tấn dã man những người bị tình nghi là du kích, đồng thời bao vây nơi du kích giam giữ Smolen.

Những người dân bị nghi ngờ ủng hộ du kích cũng bị bắt bớ, đàn áp dã man. Không ít người, trong đó có cả du kích và dân thường, bị sát hại trong đợt truy quét ấy. “Nhưng chúng tôi đã có một trái tim thép”, ông Guillermo nói vậy.

Để đối phó, chính quyền thân Mỹ tại Venezuela thông báo cho lực lượng du kích rằng việc tử hình anh Nguyễn Văn Trỗi đã được dừng lại. Tại VN khi đó báo chí cũng nhận được tin này, chính quyền Nguyễn Khánh thông báo hoãn vô thời hạn việc xử tử anh Nguyễn Văn Trỗi.

Giữ đúng lời hứa, du kích quân Caracas phóng thích trung tá Smolen. Nhưng ngay sau đó, ngày 15-10-1964, Nguyễn Văn Trỗi bị bí mật mang ra pháp trường. Ông Guillermo ngậm ngùi: “Du kích chúng tôi đã bị lừa!”.

Kể đến đây, đôi mắt đã ngả màu trắng đục của ông long lanh, nước mắt như chực trào ra. Ông bùi ngùi: “Hầu hết các đồng chí của chúng tôi sau sự kiện ấy đều bị truy bắt hoặc sát hại”.

Mức án mà chính quyền phản động dành cho họ (cộng với những “tội danh” khác) lên đến hàng chục năm tù. Riêng ông Guillermo phải chịu mức án 30 năm tù giam. Gông cùm, tra tấn đã giết dần những con người kiên cường, đầy khí phách. Đến nay chỉ khoảng năm người còn sống, mỗi người một ngả, thi thoảng mới gặp được nhau.

"Việt Nam luôn ở trong tôi"

“Sau khi bị giam cầm một thời gian, đến năm 1968 tôi cùng đồng đội tổ chức vượt ngục thành công và tiếp tục hoạt động cách mạng. Mãi đến năm 1992, tôi và đồng đội mới được sống trong một đất nước độc lập thật sự với nền kinh tế được xây dựng theo hướng xã hội chủ nghĩa”, ông Guillermo nhớ lại.

Ông có một gia đình yên ấm với tám người con và tất cả đều đi theo con đường mà ông đã chọn.

Tháng 9-2003, được sự hậu thuẫn của chính phủ, ông thành lập nhật báo VEA và nhanh chóng đưa nó thành một trong hai tờ nhật báo có số phát hành cao nhất Venezuela với khoảng 80.000 bản/ngày.

Ông cho hay tôn chỉ của nhật báo VEA là cung cấp thông tin về thành tựu mà chính quyền Hugo Chavez đang từng ngày đạt được trong công cuộc cải tổ đất nước.

Trong phòng làm việc của mình, bên cạnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông treo khắp nơi các bức chân dung của Tổng thống Hugo Chavez, Chủ tịch Cuba Fidel Castro và người du kích anh hùng Che Guevara.

Chia tay chúng tôi trong ngậm ngùi, ông vẫn canh cánh một điều là không biết bao giờ mới có thể đến thăm đất nước VN vốn đã ăn sâu vào tâm trí ông. Và hôm nay, là nhà báo, ông muốn đến VN để viết về những điều VN đang làm được. “VN luôn ở trong tôi”, ông nói và đặt tay lên ngực trái.

HÙNG THUẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên