11/12/2004 14:01 GMT+7

Đi tìm mộ Hồ Quý Ly

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TTCN - Cách nay gần nửa thế kỷ, một thanh niên VN đã qua Trung Quốc, lặn lội lần tìm dấu vết Hồ Quý Ly và hậu duệ.

eynoaGVX.jpgPhóng to
Thành Tây Gia của nhà Hồ ở Thanh Hóa

Cuộc tìm kiếm bất thành, đành làm bài thơ trên khóc tế nhân vật lịch sử này của nước Việt rồi thề rằng: “Người ôm mối hận vong quốc, gửi nắm xương tàn xa đất nước gần 600 năm. Tôi nguyện đời này sẽ cố gắng tìm kiếm được nơi an nghỉ của Người, và dù chỉ còn là nắm đất cũng đưa về quê hương...”. Rồi nay khi tóc râu đã bạc trắng, người đó mới thực hiện được một phần lời thề của mình.

Người đó là nhà khảo cổ và chuyên gia mộ táng Đỗ Đình Truật. Ngay từ thuở nhỏ, ông đã say mê nhân vật lịch sử Hồ Quý Ly trong những buổi ê a Việt sử dưới mái trường Lê Khiết, Quảng Ngãi. Mặc dù các nhà sử học có nhiều cách nhìn khác nhau về Hồ Quý Ly, thậm chí kết tội phản thần, giết vua, nhưng cậu học sinh Truật khi ấy vẫn cho rằng đó là nhân vật anh hùng. “Một kẻ khác người, có tầm vóc thời cuộc, có công vực dậy, canh tân và bảo vệ đất nước, nhưng tiếc thay vận mệnh ngắn ngủi, để lại mối nghi hoài cho lịch sử...”.

iW4g06te.jpgPhóng to
Mộ Hồ Văn Hải ở núi Lão Hổ Sơn, nơi ông Truật cho rằng đó là hậu duệ của Hồ Quý Ly và được chôn trong khu mộ của dòng họ nhà Hồ
Để tìm hiểu sự thật về Hồ Quý Ly, ông suốt ngày chìm đắm trong lịch sử và dần dần mê sử học lúc nào không biết. Năm 1954 ông ra Bắc, rồi được gửi sang Trung Quốc du học ở thành phố Nam Ninh, Quảng Tây. Cơ hội nghiên cứu lịch sử lại càng đến với ông khi được thọ giáo chính thầy Trần Văn Giáp, trợ lý của Viện Viễn Đông Bác cổ và là người mà chính nhiều trí thức Trung Quốc cũng phải tôn phong là Quách Mạt Nhược thứ hai.

Những ngày nghỉ cuối tuần, thầy Giáp và ông thường lang thang khắp nơi, tìm kiếm dấu vết sinh sống, lưu đày và nơi gửi nắm xương tàn của các nhân vật lịch sử VN. Lúc ấy ở Trung Quốc việc đi lại của các du học sinh VN cực kỳ khó khăn. Nhiều lần ông và thầy phải đi bộ, phải ghé nhà dân bên đường, xin nước uống và chén cơm cầm hơi.

Ở Quảng Tây ông đã phát hiện được di mộ của nhà yêu nước Nguyễn Thiện Thuật và làm thơ khóc tế người: “Đá bia u uẩn tình đất nước. Ái quốc yêu dân buổi đoạn trường. Rừng lau bãi sậy quân một nhóm. Chính nghĩa không mờ với nước non ...”. Nhưng dấu vết nhân vật lịch sử mà ông say mê nhất là Hồ Quý Ly thì vẫn mịt mờ.

Sau khi thật sự tin rằng thông tin về Hồ Quý Ly bị bắt cùng bộ tướng ở cửa Kỳ La (Hà Tĩnh), rồi phải chịu lưu đày và chết bệnh ở Quảng Tây là không chính xác, ông lại tiếp tục đi tìm dấu vết ở các địa phương khác. Bước chân ông đã đặt đến rất nhiều nơi, thậm chí cả dinh Lưỡng Quảng tổng đốc Tôn Sĩ Nghị, tư gia tướng giặc Cờ Đen Lưu Vĩnh Phúc, tàng thư cổ của nước Việt ở Côn Minh, Vân Nam nhưng vẫn hoài công. Đến khi lần mò trong Minh sử và Mộc Thạnh cố truyện, Trương Phụ cố truyện (những vị tướng Tàu từng đánh nhau với nhà Hồ)..., le lói được chút dấu vết Hồ Quý Ly thì ông phải về nước. Tâm nguyện không thành, trước khi ra về ông đã thắp nén nhang, làm bài thơ “Anh hùng thất thế trơ thành quách ...” khóc tế Hồ Quý Ly và thề sẽ có ngày trở lại...

lOgCtygv.jpgPhóng to
Ông Truật (thứ hai từ phải sang) cùng hậu duệ họ Hồ dưới chân núi Lão Hổ Sơn
Năm 1961 ông về VN, tham gia nhóm khảo cổ đầu tiên của miền Bắc, nhưng hễ có thời gian rảnh rỗi là lại mày mò nghiên cứu, tìm kiếm dấu vết nhà Hồ. Không biết bao nhiêu lần ông đã về thành Tây Gia, Thanh Hóa, đứng trước phế tích của thành nhà Hồ mà bồi hồi suy ngẫm thế sự bi hùng của một nhân vật chịu quá nhiều oan khiên trong miệng tiếng người đời.

Chính tại đây ông đã không cầm được nước mắt khi phủi bụi mờ, đọc văn bia của thái tử Trịnh Cán và vua Bảo Đại còn lưu lại trong những chuyến viếng thành. Hai con người này mặc dù vẫn theo chính sử phong kiến cho rằng Hồ Quý Ly là phản thần, nhưng phải thốt lên lời ca ngợi trước những gì nhà Hồ đã làm được. Cũng chính tại đây, ông đã từng bị công an địa phương bắt giải về trụ sở vì “hành vi cứ suốt ngày mò mẫm ở thành cổ”. Đến khi nhận ra danh tính và ý nguyện của nhà khảo cổ, họ đã hết lời xin lỗi và bố trí cả cơm nước cho ông.

Trong các dấu vết còn lưu lại, ông đặc biệt quan tâm đến di chỉ và gia phả của hậu duệ cũng như bộ tướng của Hồ Quý Ly còn lại ở VN. Trong đó có người cháu Hồ Quý Ly là Hồ Quý Công chạy được vào đất Tư Nghĩa, mà bây giờ còn miếu thờ ở huyện Duy Xuyên, Quảng Nam. Riêng ở huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi cũng còn di mộ Đỗ Đình Hầu, một võ tướng nổi tiếng đã từng nhiều lần cùng nhà Hồ chinh phạt quân Lâm Ấp... Ông đã lần mò chắp nối hàng trăm bản đồ cổ từ những chuyến đi sứ hay bị lưu đày của các bậc quan tướng Việt trên đất Trung Quốc và trao đổi thêm thông tin với nhiều nhà sử học uy tín. Dấu vết người xưa dần dần sáng tỏ ở một địa danh núi Lão Hổ Sơn, thôn Kim Lăng, thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô.

Năm 2004, ông Truật đã sang tuổi 74 và hiểu rằng mình không còn nhiều thời gian để thực hiện tâm nguyện. Trong lúc đang loay hoay thì ông nhận được sự tài trợ của một cơ quan cho chuyến đi Trung Quốc tìm mộ Hồ Quý Ly của mình. Đêm trước ngày đi ông mừng vui lẫn nôn nao khó tả. Mặc dù đã cả đời nghiên cứu Hồ Quý Ly, nhưng ông vẫn chong đèn lần giở sách cũ, lặng lẽ đọc lại từng lời khen, chê đối với nhân vật lịch sử này. Gió lạnh đêm khuya lùa qua khe cửa thổi tung trang sách.

Trên chuyến bay từ TP.HCM qua Bắc Kinh, ông có cảm giác như mình đang đi ngược lại lịch sử. Cô sinh viên VN tên Thu Vân du học ở Trung Quốc đã tự nguyện làm người hướng dẫn đợi ông ở ngay cổng sân bay. Ngay đêm đó, hai người tiếp tục đi xe lửa từ Bắc Kinh sang Nam Kinh. Chuyến đi mệt mỏi nhưng ông vẫn không thể chợp mắt. Cô gái Việt luôn miệng cứ hỏi chuyện sử Hồ. Tình cờ một hành khách người Trung Quốc ngồi cùng toa xe nghe chuyện, tình nguyện giúp đỡ. Anh nói: “Tôi cũng họ Hồ, nhưng không biết có phải là con cháu nhà Hồ nước Việt mà ông tìm kiếm hay không...”.

Đến Nam Kinh, người này đã đưa ông và Thu Vân đến núi Lão Hổ Sơn. Núi Lão Hổ Sơn là một cụm gồm ba ngọn núi nhỏ cao khoảng 100m với diện tích hơn 80ha nằm bên bờ Nam sông Dương Tử. Trên núi, cây cối rậm rạp bao quanh một bãi nghĩa trang cổ vẫn còn được người nay chôn cất.

Đường lên núi gập ghềnh khó đi. Ông phải nhặt một cây gậy bên đường để leo núi. Suốt cả ngày hôm đó ông vạch cây cỏ, tìm kiếm từng ngôi mộ. Có mộ còn bia ghi tên tuổi, nhiều mộ đã hoang phế vô danh. Đặc biệt, trên núi còn các lô cốt được Nhật xây dựng trong cuộc chiến tranh Trung - Nhật. Những người già địa phương kể rằng nhiều mộ cổ, kể cả lăng mộ và cái miếu rất lớn thờ một “người họ Hồ” đã bị quân Nhật san bằng làm lô cốt. Ngày hôm sau ông trở lại núi, cặm cụi ngồi đọc từng bia mộ còn lại và bất ngờ phát hiện nấm mộ của một người tên Hồ Văn Hải mất cách đây hơn 100 năm nằm dưới tán cây rừng, mà ông tin rằng có thể là hậu duệ của Hồ Quý Ly ...

7zi8luse.jpgPhóng to
Hai nắm đất ông Truật mang về từ nơi lưu đày Hồ Quý Ly
Ông mở chiếc túi lúc nào cũng ôm khư khư bên người lấy ra một chai rượu trắng, bánh kẹo, đèn cầy và bó nhang được mang từ VN sang. Lặng lẽ sắp đồ cúng ngay trên đỉnh núi, ông thắp nén nhang khấn vái: “Thuở giang sơn suy vi, giặc cường bạo xâm chiếm, Ngài phát tiết chí khí anh hùng mưu đồ chuyện lớn cho dân tộc. Tiếc thay thời thế chưa thuận, vận hùng ngắn ngủi, Ngài phải chịu cảnh lưu đày, rồi vong thân ở xứ người. Hôm nay, tôi cũng là con cháu tổ tiên Lạc Hồng sang đây thắp cho Ngài nén nhang với vài món quê nhà, khấn báo Tổ quốc đã hoàn toàn độc lập...”. Cúng xong, ông lặng lẽ tưới rượu lên đỉnh núi và cắm hết những nén nhang còn lại ở các nấm mồ vô danh...

Dưới chân núi có cả một làng họ Hồ. Ngay trong đêm đó, ông tìm thẳng đến ngôi làng này. Những người già ở đây đã bật khóc khi nghe ông kể chuyện lưu đày của Hồ Quý Ly gần 600 năm trước. Một số người cho biết ngày xưa ông bà của họ hay lên cúng tế ở ngôi miếu trên đỉnh núi.

Vượt qua hàng ngàn kilômet đến nơi lưu đày Hồ Quý Ly, nhưng không tìm ra được chính xác mộ phần của người, ông Truật đành bồi hồi đào nắm đất trên đỉnh Lão Hổ Sơn, bỏ vào túi nâng niu mang về. Từ đây ông trở nên ít nói, trầm lắng khác thường. Cả đời say mê nghiên cứu nhà Hồ, ông thuộc nằm lòng đến từng chi tiết về nhân vật này. Năm 1407, Hồ Quý Ly cùng gia quyến, các bộ tướng... bị quân Minh bắt và đưa về Nam Kinh.

Tuy nhiên, tại đây hoàng đế nhà Minh đã nhận ra khả năng của họ nên đã trọng dụng. Theo tài liệu của ông Truật, Hồ Quý Ly sau khi trải qua đường lưu đày gian khổ đã chết ở Nam Kinh và được xây lăng mộ trên núi Lão Hổ Sơn. Còn Nguyễn An, Hồ Nguyên Trừng được mời tham gia Bộ công, có công rất lớn trong việc thiết kế, xây dựng thành Bắc Kinh và đúc súng thần công cho nhà Minh. Còn Hồ Hán Thương thì được đế triều vời ra dạy Kinh dịch cho hoàng gia. Một số người trong họ về sau lấy vợ người Trung Quốc và hậu duệ nhà Hồ nước Việt tiếp tục nối dài.

Thắp nén nhang cuối cùng bái lạy Hồ Quý Ly trước khi lên đường về nước, ông nguyện rằng sẽ có ngày trở lại, “tìm chính xác nơi Ngài yên nghỉ và đưa Ngài về cố quốc”.

Hồ Quý Ly sinh năm 1336, ở Quỳnh Lưu, Nghệ An. Theo Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, ông có hai người cô lấy vua Trần Minh Tông. Một người sinh ra vua Trần Nghệ Tông, một người sinh ra vua Trần Duệ Tông nên Hồ Quý Ly rất được triều đình tin tưởng và phong nhiều chức tước lớn. Nếu tạm gác lại tranh luận, Hồ Quý Ly được nhường ngôi hay cướp ngôi vua của nhà Trần, thì ông là vị vua có nhiều biện pháp canh tân đầu tiên của đất nước và kiên quyết chống ngoại xâm.

Ngay khi còn làm quan, ông đã nhiều lần cầm quân đi đánh giặc Lâm Ấp, mở rộng bờ cõi phía Nam. Lên ngôi vua, việc đầu tiên ông quan tâm là giữ nước với nhiều biện pháp xây dựng thành trấn (trong đó có thành Tây Gia, Thanh Hóa vẫn còn đến ngày nay), tăng cường quân số và sức mạnh quân đội, đóng chiến tàu hạng nặng, mở xưởng chế tạo thuốc súng, tập trung người giỏi chế tạo khí giới…

Tuy nhiên, công lao lớn nhất của ông được người đời sau đề cao là những biện pháp canh tân kinh tế - xã hội. Ông là vị vua nước Việt đầu tiên cho in và phát hành tiền giấy rộng rãi trong dân chúng, đồng thời nghiêm trị xử chém kẻ làm tiền giả. Ông thực hiện lại chính sách ruộng đất tập trung quá nhiều quan quyền thời Trần, bằng việc ngoài vương tôn, công chúa, không ai được phép có quá 10 mẫu ruộng. Ông cũng ban hành lại chính sách thuế phù hợp, công bằng với người giàu và người nghèo. Đặc biệt ông cho đặt y tỳ, quản tế, giống như các sở y tế ngày nay để chăm lo sức khỏe cho dân. Ngoài ra, việc học hành, thi cử cũng được ông sửa sang lại nhiều. Trong đó lấy toán học đặt ra thêm một trường nữa và đưa môn này vào các kỳ thi.

Trong cuộc chiến với nhà Minh, nhiều quan tướng chủ hòa, nhưng Hồ Quý Ly quyết đánh, bởi ông hiểu rõ ý đồ xâm lược của giặc. Về sau, Nguyễn Trãi đã viết về ông là một bậc đế vương, muốn xây dựng nước Đại Việt hùng mạnh theo ý người, nhưng tiếc thay vận nước chưa đến, thật đáng tiếc và cảm phục. Còn nhà hán học Trần Văn Giáp thì nhận xét thực chất cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi là bước thứ hai chống quân Minh mà vua tôi nhà Hồ chưa làm xong. Đặc biệt, Trần Trọng Kim mặc dù vẫn theo cái nhìn trung thần, phản nghịch của phong kiến nhưng cũng thừa nhận ông không phải là người tầm thường.

Hiện nay, nhiều quan điểm sử học so sánh Hồ Quý Ly và Nguyễn Huệ, nhưng điểm khác biệt của Hồ Quý Ly là không chỉ dũng tướng mà ông còn giỏi về kỹ trị, canh tân đất nước?

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên