![]() |
Đoàn tàu kéo đẩy - niềm tự hào của đường sắt VN |
Theo bánh con tàu quay
Sân ga Hà Nội buổi tối chật cứng người.
Thuôn dài như một con thoi bạc, nằm oai vệ giữa sân ga, đoàn tàu “con thoi” như cảm nhận được sự bàn tán, thán phục của mọi người quanh mình. Đèn các toa sáng dịu tạo cảm giác thoải mái. Bước lên tàu có thể cảm thấy ngay không khí mát lành, phảng phất hương thơm bởi hệ thống điều hòa, lọc khí hiện đại. Toa hạng nhất, hạng nhì có giường nằm. Hạng ba là ghế đệm bọc da.
Vé của tôi ở toa hạng nhất. Toa này được chia làm nhiều khoang, mỗi khoang bốn giường đệm. Nội thất, thiết bị trong khoang sang trọng, hiện đại theo phong cách châu Âu gồm điều hòa nhiệt độ, hệ thống âm thanh và ánh sáng. Đêm nếu muốn đọc sách, hành khách có thể sử dụng đèn nhỏ ở đầu giường mà không làm ảnh hưởng đến người khác. Mỗi hành lang trên tàu đều đặt một bình lớn nước nóng để khách có thể pha trà.
Tiêu chuẩn mỗi vé toa hạng nhất được một suất ăn gồm bánh mì kèm nước khoáng. Nhân viên phục vụ cho biết nếu là tàu sáng thì hành khách được một suất ăn trưa. Cô bé cùng khoang với tôi có vẻ phấn khích cứ luôn miệng bảo mẹ: “Trên tàu mà cứ như ở trong khách sạn, mẹ nhỉ”.
Điều mà người nước ngoài ngại ngần nhất khi đi tàu VN trước đây là khu vệ sinh giờ đã được giải quyết dứt điểm. Mỗi toa có hai buồng vệ sinh bóng loáng và khá hiện đại. Dọc theo hành lang là đến toa ăn được bài trí như một quán nhỏ với những nhóm người hàn huyên bên những chiếc bàn xinh xắn. Thực đơn khá phong phú với đồ uống và các món điểm tâm nóng sốt.
...Tàu chạy êm do có hệ thống giảm xóc đệm không khí. Tôi ngồi bên cửa kính có rèm kéo, nhâm nhi ly cà phê, nghe âm thanh êm dịu của một điệu nhạc, nhìn núi rừng đêm chìm sâu trong giấc ngủ. Những ánh đèn heo hắt từ những căn nhà đơn độc của đồng bào dân tộc thoắt ẩn, thoắt hiện trên triền đồi, sau những rặng cây.
Trí tuệ...
“Kế hoạch sản xuất tàu kéo đẩy đã được chúng tôi ấp ủ từ mấy năm nay”, ông Đỗ Văn Hạt - giám đốc Xí nghiệp Cơ khí công trình thuộc Công ty Tư vấn đầu tư xây dựng, đơn vị lên kế hoạch và chịu trách nhiệm thiết kế - cho biết. Công ty đã cử một đoàn đi tham khảo ở Đức, Bỉ, Trung Quốc, Thái Lan để nghiên cứu các kiểu tàu tiên tiến ở những nước này. Điều kiện đặt ra là kiểu tàu thiết kế phải thật sự phù hợp với cơ sở hạ tầng có sẵn và nhu cầu vận chuyển hành khách của đường sắt VN. Sau nhiều đắn đo, cuối cùng ta quyết định thiết kế kiểu tàu PP gồm tổ hợp hai đầu máy - một đầu kéo, một đầu đẩy - và Trung Quốc được chọn làm đối tác chính.
Công ty Xe lửa Gia Lâm, Nhà máy Toa xe Hải Phòng, Nhà máy Toa xe Dĩ An chịu trách nhiệm thi công. Trong đó, Công ty Xe lửa Gia Lâm chế tạo đầu máy. Đây là thách thức không nhỏ bởi VN đã sản xuất được toa xe nhưng chế tạo đầu máy diesel thì chưa. Thế mà lần này lại chế tạo thẳng tổ hợp hai đầu máy kéo đẩy, mỗi đầu máy có thể hoạt động độc lập. Tốc độ tối đa 120km/g.
Điều khiến các kỹ sư phải nhiều đêm trăn trở đó là trọng tải của đầu máy không được phép vượt quá 56 tấn bởi chất lượng đường sắt VN chỉ chịu được tải trọng ấy. Phải thiết kế thế nào cho trọng lượng giảm gần một nửa mà công suất không bị ảnh hưởng? Nhiều lần thay đổi thiết kế, quyết định bỏ khoang công vụ, đưa thùng nhiên liệu từ dưới gầm lên thân, cuối cùng đầu máy đã đạt trọng lượng chuẩn.
Một khó khăn hi hữu xảy ra: dịch SARS hoành hành ở Trung Quốc nên các chuyên gia không thể sang đúng thời hạn. Không thể chậm tiến độ, các kỹ sư, công nhân của ta đành phải tự mày mò, vừa chế tạo, vừa chỉnh lại những sai sót. Hết dịch SARS, các chuyên gia Trung Quốc sang thì đoàn tàu đã được lắp gần hoàn chỉnh.
Đến lúc này lại xuất hiện trở ngại, đó là thiếu các thiết bị thử nghiệm. Do chưa bao giờ sản xuất đầu máy diesel nên ta không có băng thử công suất. Tưởng khá đơn giản nhưng nếu mua của nước ngoài thì rất đắt, hơn nữa cũng không thể có ngay. Thế là kỹ sư Nguyễn Thanh Sơn cùng anh em trong phân xưởng đầu máy tự mày mò nghiên cứu rồi chế ra một băng thử công suất, “chỉ tốn 200 triệu đồng”...
... và hoa tay thợ Việt
Máy móc, thiết bị sản xuất của VN chưa thể bằng các nước phát triển, lại thiếu đồng bộ. Các khâu như hàn, dập định hình, công nghệ ở các nước phát triển cho phép làm bằng máy thì ta phải làm bằng tay. Khi hàn, do không có công nghệ hàn tự động nên một số chi tiết lớn, phức tạp công nhân của ta đành phải xử lý cắt rời từng bộ phận rồi lắp ráp.
“Các nước làm được thì mình nhất định cũng phải làm cho bằng được” - bác Cả Phi, công nhân bậc 7, chậm rãi châm điếu thuốc lào, khề khà. Những ngày hoàn thiện đầu máy, mệt mỏi rã rời sau nhiều đêm thức trắng, hầu như mọi người đều sống bằng tinh thần, bằng nghị lực. Từ kỹ sư đến công nhân đều làm việc ba ca, ăn ngủ ngay tại xưởng. Tốc độ thi công càng về sau càng nhanh, đến mức yêu cầu thiết kế của chuyên gia Trung Quốc khi lắp hệ thống điện là 30 công nhân, làm trong hai tháng, ta chỉ cần 12 người làm trong 15 ngày đã hoàn thiện đạt chất lượng tốt, gây sự kinh ngạc cho phía bạn.
Chuyên gia Trung Quốc gật gù khen ngợi công nhân VN có tay nghề cao, làm việc chăm chỉ, lại có tinh thần vượt khó, đưa ra những sáng kiến vô cùng độc đáo. Ví dụ như khi hàn nối các khớp lại với nhau do nhiệt độ cao nên vật liệu bị biến dạng. Anh em công nhân đã tự phân tích, rồi dựa vào kinh nghiệm mà căn phần dư để khi vật liệu biến dạng là vừa khít. Chính vì vậy các mối hàn đều rất đẹp, không thua kém bao nhiêu so với thực hiện bằng máy móc hiện đại.
VN đã sản xuất được nhiều chi tiết quan trọng, khá phức tạp như bệ đỡ, giá chuyển đệm không khí... Có những chi tiết trông rất nhỏ bé như nồi hãm, van K trước đây ta không sản xuất được, phải nhập của Trung Quốc, Ấn Độ, Romania với giá thành rất đắt mà hỏng là phải vứt toàn bộ vì không có đồ thay thế, phải mua bộ mới. Hiện nay ta đã sản xuất được với giá rẻ hơn rất nhiều, chất lượng tốt.
“Chi phí để sản xuất đôi đầu máy này chỉ rẻ bằng một nửa so với đầu máy cùng công suất, chất lượng của những nước phát triển. Việc gì mình có thể tự lực thì nên tạo điều kiện để anh em làm...” - bác Cả Phi vừa siết mạnh tay vào chiếc cờlê, vừa nói. Những giọt mồ hôi quyện với mỡ máy dính bết trên áo, trên trán, trên tóc bác. Kinh nghiệm, lòng tận tụy với nghề của những thợ máy như bác Phi trở thành một vốn quí cho sự phát triển của công nghiệp đầu máy nước nhà.
...Trời hừng sáng. Đoàn tàu đang trườn mình rất nhanh theo triền núi, dưới chân là dòng sông Hồng uốn mình như một dải lụa. Nó đã bỏ lại sau lưng hơn 12.000km với nhiều cuộc hành trình, tiếp tục lao vun vút về phía trước mang theo niềm tự hào và bao hi vọng về ngành chế tạo đầu máy non trẻ của VN.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận