23/07/2007 06:27 GMT+7

Đi qua "tam giác lửa"

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TT - Cuối tháng 3-1968, Mỹ tăng cường ném bom nhằm chặt đứt giao thông ở các tỉnh khu 4 để băm nát "khu vực cán xoong" từ vĩ tuyến 19 trở vào.

"Đường Hồ Chí Minh xuyên lòng đất"

“Nếu mọi người gọi đường Hồ Chí Minh vượt Trường Sơn là một huyền thoại thì công trình đường ống dẫn xăng dầu vượt Trường Sơn là huyền thoại trong huyền thoại đó”. Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên - nguyên tư lệnh binh đoàn Trường Sơn - đánh giá như vậy về công trình đường ống vượt Trường Sơn đưa xăng dầu vào chiến trường trong kháng chiến chống Mỹ.

Trong vòng sáu năm (6-1968 đến 2-1975), những người lính xăng dầu đã làm nên một “đường Hồ Chí Minh xuyên lòng đất” dài gần 5.000km từ biên giới Việt - Trung vào Bình Phước. Một huyền thoại lịch sử đã được ghi. Huyền thoại về những người đã lập nên kỳ tích và về những người đã ngã xuống để đường ống xăng dầu thông suốt vào Nam.

Kỳ 1:

UUz6EH2Q.jpgPhóng to
Chiến sĩ đưa xăng qua suối: các đoạn ống cao su nối nhau bị thiếu nên phải dùng ống lồ ô khoét rỗng để nối vào - Ảnh tư liệu
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Đặc biệt, ba trọng điểm phà Bến Thủy - Nam Đàn - Linh Cảm bị đánh bom triền miên tạo thành một “tam giác lửa” ngăn chặn vận chuyển từ miền Bắc vào. Ngã ba Đồng Lộc cũng bị ném bom cày đi xới lại tạo thành điểm tắc, xe vận tải, xe chở xăng khó lòng qua lọt.

Đổi xăng bằng máu

Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên vẫn nhớ như in những ngày đứng ngồi không yên vì xe không vượt qua được tuyến lửa để vào Trường Sơn: “Lúc này ở Trường Sơn, gần nửa tháng đoàn 559 không còn xăng cho cơ giới hoạt động, kế hoạch vận tải cho mùa khô có nguy cơ bị trì hoãn. Có lúc cả ngàn xe vận tải nằm chờ. Thiếu xăng nên đạn, lương thực, quân nhu không vào được chiến trường. Thiếu gạo, thiếu muối, khẩu phần ăn của chiến sĩ chỉ còn 4 lạng gạo/ngày, có khi chỉ còn 2 lạng”.

Lúc này, ở phía trong “tam giác lửa”, binh trạm 12 nhận lệnh phải bằng mọi giá đưa nốt số xăng dầu còn lại vượt Trường Sơn giao cho đoàn 559. Tuy nhiên, tại cửa khẩu binh trạm 12 (Tuyên Hóa, Quảng Bình), đoạn ngã ba Khe Ve đến đèo La Trọng bị bom dội làm đất đá trên núi trút xuống tạo thành một đỉnh lầy hàng kilômet. Đã có tám chiến sĩ mất bàn chân do các loại mìn lá, mìn gíp… lẫn trong bãi lầy khi cõng hàng qua đó.

Lực lượng công binh phải dùng mìn định hướng, bộc phá nhằm thổi bay bùn đất nhưng tốn hàng tấn thuốc nổ mà bãi lầy vẫn không di chuyển, xe không thể qua. Binh trạm phải bơm xăng vào phi 200 lít rồi cho bốn chiến sĩ khiêng qua bãi lầy. Nhưng ba tốp chiến sĩ (12 người) suốt một ngày chỉ khiêng được 15 phuy. Ròng rã hai ngày, binh trạm giao đủ hai xe xăng cho đoàn 559 nhưng tổn thất nặng nề: một chiến sĩ trượt chân rớt xuống vực, hai chiến sĩ trúng mìn hi sinh.

Không khuất phục, cả binh trạm tiến hành gùi xăng vượt bùn. Xăng được bọc trong 4.000 túi nilông (20 lít/túi) rồi cho vào balô để từng người cõng qua trọng điểm. Sau một ngày cõng xăng chân bì bõm lội bùn, đầu hứng đạn chịu bom, 500 chiến sĩ cũng chỉ vận chuyển được 10m3 xăng (đủ hai xe xitec) nhưng 40 chiến sĩ đã bị rộp lưng, bỏng da vì xăng làm giòn túi nilông thấm qua balô ướt đẫm cả áo, ngấm vào da thịt. “Một số chiến sĩ gùi xăng bị bỏng rộp da quá nặng, nhiễm độc chì nên hi sinh. Vì vậy binh trạm trưởng Nguyễn Đàm đã bàn với chúng tôi làm đường ống dẫn xăng qua núi” - đại tá Lưu Vĩnh Cường (nguyên kỹ sư xây dựng kho chứa xăng cho binh trạm 12 lúc bấy giờ) cho biết về đường ống tự tạo “đặc biệt”.

Tôn cuốn, các đoạn ống cao su nối với nhau vẫn thiếu 100m nên phải dùng ống lồ ô khoét rỗng nối vào. Máy bơm đẩy xăng từ sườn phía bắc theo “đường ống” lên bể chứa (làm bằng phuy 200 lít đặt trên đỉnh đèo) rồi cho xăng tự chảy xuống. Trong vòng hai tháng “đường ống” này đưa được khá nhiều xăng vào phía trong nhưng luôn xảy ra trục trặc vì sau một tuần những đoạn lồ ô bị xăng làm teo tóp lại làm trật điểm nối khiến xăng thất thoát nhiều.

Cũng trong thời gian này, binh trạm 14 cũng không thể đưa hàng và xăng vào chiến trường. Ngoài các đoạn đường hiểm yếu, cửa khẩu Trà Ang (km 12 và km 16 đường 20) mỗi ngày hứng 30-40 trận bom khiến đường đứt đoạn, xe không thể qua. Binh trạm đã kết các phuy xăng thành bè để thả xuôi sông Nậy, chống ngược sông Son. Nhưng bè xăng trúng thủy lôi, xăng và máu chiến sĩ loang lổ khắp sông, ba ngày sau vẫn chưa tìm vớt hết thi hài liệt sĩ. Các tổ chuyển tải được lập để kéo từng phuy xăng ngược suối Trà Ang.

Đêm đầu, đối phương ném bom trúng hai phuy xăng khiến ngọn lửa trùm lên cả đoạn suối chụp xuống đội quân chuyển tải, 20 phuy xăng được kéo qua trọng điểm nhưng có chín chiến sĩ hi sinh. Đêm thứ hai kéo được 30 phuy lại thêm 29 người ngã xuống lòng khe. Nước suối Trà Ang thêm một lần đượm máu và xăng.

Kéo ống vượt sông

Ở tuổi 84, đại tá Phan Tử Quang (nguyên cục trưởng Cục Xăng dầu đầu tiên của quân đội, người nhận trách nhiệm xây dựng tuyến đường ống) vẫn nhớ rõ nhiệm vụ mang tính lịch sử từ Quân ủy T.Ư giao phó cho Cục Xăng dầu vừa mới thành lập: làm đường ống vượt Trường Sơn. Đại tá Quang nhớ lại: "Theo nhận định của Quân ủy trung ương, đối phương sẽ đánh phá ác liệt các cửa khẩu của hậu phương vận chuyển hàng vào cho đoàn 559. Quân ủy trung ương đã đồng ý đưa đường ống vào làm tuyến từ Khe Ve vượt đèo Mụ Giạ (Quảng Bình) xuyên qua tây Trường Sơn xuống Lùm Bùm (Lào) để tiếp cận đường 9 tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn 559 vận tải vào Nam".

Ngày 12-4-1968, 12 cán bộ, chiến sĩ của đoàn khảo sát tuyến đường từ Khe Ve theo đường 12 qua đèo Mụ Giạ sang Lùm Bùm do đại úy Trần Xanh (đang là phó phòng xăng dầu) làm trưởng đoàn lên đường làm nhiệm vụ. Đại tá Quang kể: "Nhưng lúc đó các xe chở xăng không thể vượt qua được "tam giác lửa" để chuyển cho đoàn 559. Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Đinh Đức Thiện cử tôi sang báo cáo tình hình với đại tướng tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp.

Sau khi nghe báo cáo, đại tướng chỉ thị: “Phải đảm bảo xăng dầu cho đoàn 559 hoạt động. Đồng ý với phương án của các anh, trước mắt làm đường ống vượt các trọng điểm đánh phá, nhưng sau đó phải làm ngay đường ống vượt Trường Sơn vào càng sâu càng tốt”. Vì vậy, đội khảo sát thứ hai do Hoàng Ngọc Minh dẫn đầu tiếp tục đi khảo sát từ Thiệu Dương (Thanh Hóa) vào Nam Đàn, Linh Cảm qua Hương Khê (Hà Tĩnh) vào giáp đoạn đoàn của Trần Xanh đang khảo sát. Công trường 18 được thành lập do Mai Trọng Phước (đang là thiếu tá chủ nhiệm khoa xăng xe vận tải của Trường Sĩ quan hậu cần, sau này là cục trưởng Cục Xăng dầu) làm đoàn trưởng, thiếu tá Hoàng Sùng làm chính ủy chuẩn bị vào Nghệ An làm đường ống vượt “tam giác lửa”.

Đêm 12-6-1968, hơn 400 người của công trường 18 (trong đó có 240 cán bộ, công nhân của Bộ Công nghiệp nhẹ, Bộ Thủy lợi, Công ty gang thép Thái Nguyên, công nhân xây dựng khu nam Hà Nội) rời Hà Nội hành quân vào Nam Đàn. Khúc sông Lam nằm giữa bến đò Vạn Rú (xã Nam Đông, nay là Khánh Sơn, Nam Đàn) cách trọng điểm Rú Trét 500m (còn gọi là Rú Chết do kẻ thù đánh phá quá ác liệt) được chọn làm điểm thi công tuyến đường ống đầu tiên.

Đúng 21g, hiệu lệnh vượt sông bắt đầu.

Mai Trọng Phước chỉ huy lực lượng công trường 18 cùng dân quân xã Nam Đông kéo ống phía bờ nam. Phía bờ bắc, lực lượng do Trần Xanh chỉ huy nối ba ống vào nhau, đầu ống lắp cút chữ T để buộc dây. Đến 5g sáng 23-6-1968, 500m đường ống đầu tiên đã vượt sông an toàn. Từ đây, đường ống tiếp tục vượt sông La (Hà Tĩnh) vào Nga Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh). Ngày 10-8-1968 tuyến đường ống 42 km vượt “tam giác lửa” hoàn thành. Dòng xăng từ kho Đại kho N1 (Nam Thanh, Nam Đàn) bơm vào kho N2 (Nga Lộc). Chai xăng đầu tiên của dòng xăng đi qua “tam giác lửa” được chuyển ra Tổng cục Hậu cần để báo cáo.

Một kỷ niệm đáng nhớ của cán bộ, chiến sĩ làm tuyến đường ống này là quá trình đào hào đặt ống đều phải làm đêm để che mắt máy bay đối phương nên rất khó chôn ống, tiến độ thi công bị chậm. Đại tá Mai Trọng Phước kể: "Chúng tôi thấy người dân vẫn làm đồng bình thường mà không bị máy bay ném bom. Khi hỏi, bà con cho biết là đối phương rải truyền đơn bảo dân cứ làm ruộng bình thường, đừng cho bộ đội vào thì nó không đánh. Vì vậy, bộ đội cũng mặc áo tơi, đội nón làm nông dân đào rãnh qua đồng ruộng ban ngày, tối chôn ống. Để bảo đảm bí mật, chúng tôi thông báo với bà con là đặt ống làm thủy lợi dẫn nước sông vào chống hạn cho đồng ruộng phía trong". Ngoài ra, ban ngày các chiến sĩ nhờ người dân dùng trâu kéo cày theo tuyến để tạo rãnh sâu, đêm đến đào hào chôn ống.

----

Đường ống tiếp tục chui sông, vượt núi dẫn xăng qua các trọng điểm đến với Trường Sơn. Bộ đội đường ống phải chống lại sự đánh phá khốc liệt chưa từng thấy của kẻ thù.

Kỳ tới: Dòng xăng vượt Trường Sơn

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên