13/12/2017 12:12 GMT+7

'Dì ghẻ' thương con chồng, khó quá chăng?

TH.S Tâm lý NGUYỄN VĂN CÔNG (ĐH Nguyễn Huệ)
TH.S Tâm lý NGUYỄN VĂN CÔNG (ĐH Nguyễn Huệ)

TTO - 'Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng', câu ca dao đó phần nào phản ánh sự bất đồng nhiều mặt giữa mẹ kế với con riêng.

Dì ghẻ thương con chồng, khó quá chăng? - Ảnh 1.

Yêu thương trẻ, thể hiện sự quan tâm một cách chân thành, trẻ sẽ cảm nhận được và đón nhận bạn - Ảnh minh họa: Sciencenews

Những ngày qua, vụ việc mẹ kế cùng cha ruột bạo hành con trai ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) bị dư luận xã hội lên án mạnh mẽ càng cho thấy để dung hòa mối quan hệ giữa cha, mẹ kế với con riêng là một việc hết sức khó nhọc, đòi hỏi nỗ lực cả hai phía. 

Thực tế cho thấy những bất hòa, xung đột xảy ra giữa cha, mẹ kế với con riêng thường do cha, mẹ kế kỳ vọng, thậm chí áp đặt trẻ kính trọng, yêu mến mình ngang hoặc cao hơn cha, mẹ ruột. 

Trong khi đó hầu hết đứa trẻ đều muốn cha, mẹ kế đừng đòi hỏi quá nhiều và không nên xử phạt chúng. 

Chuyện thay đổi các thành viên trong gia đình không bao giờ là điều trẻ mong muốn, thậm chí có những đứa trẻ chỉ muốn cha hoặc mẹ mình sau khi chia tay nên ở vậy thì tốt hơn. 

Khi tổ ấm mong ước bị chia sẻ, dù ở với ai trẻ cũng luôn cảm thấy hẫng hụt, xót xa, bị tổn thương sâu sắc. Do đó cha, mẹ kế, thường chưa được trẻ đón nhận. 

Vì thế, nếu thật sự yêu thương và muốn gắn kết với người bạn đời của mình, đồng thời muốn giữ hòa khí với con riêng, các cha, mẹ kế hãy:

Hết sức kiềm chế bản thân

Ứng xử phải mềm mỏng, nhẹ nhàng trong mọi tình huống. Trước quá nhiều biến cố xảy ra với trẻ, tâm lý của chúng chắc chắn có sự thay đổi, thường là theo hướng tiêu cực như chống đối, lầm lì, ít nói, thu mình, cộc cằn, thô lỗ… cha mẹ kế nên hiểu và thông cảm cho trẻ.

Hãy khoan vội kết luận trẻ là đứa như thế nào

Trẻ cảm thấy lúng túng, khó chịu trước sự xuất hiện của "người lạ" trong nhà, trẻ sẽ luôn suy nghĩ: "Sao lại có người tự dưng chen ngang lấy mất tình yêu thương của cha/mẹ đáng lẽ ra chỉ để dành cho mình?". 

Nếu không giữ bình tĩnh, cha, mẹ kế sẽ mất ấn tượng tốt đẹp ban đầu đối với trẻ và rất khó lấy lại. 

Dù trẻ biểu hiện ra sao, cha, mẹ kế cũng nên bao dung, cho trẻ một khoảng trời riêng để trẻ dần dần chấp nhận sự thay đổi trong cuộc đời mình. Hãy chấp nhận và cùng trẻ vượt qua những khó khăn này.

Cho trẻ quyền yêu thương cha/mẹ ruột 

Bạn hãy cùng bạn đời của mình tạo điều kiện để trẻ được gặp gỡ, gọi điện thường xuyên với cha/mẹ ruột không còn sống với trẻ, đừng bao giờ lên án, chê bai cha/mẹ ruột của trẻ. Đừng nên có ý nghĩ triệt tiêu hết mọi tình cảm của trẻ về người thân của chúng. 

Có không ít cha, mẹ kế vì lo sợ con trở thành "cầu nối" hàn gắn lại tình cảm giữa bạn đời và "người cũ" nên ra sức cấm đoán, đe dọa, ép buộc trẻ không được gặp cha/mẹ ruột, khiến trẻ càng ấm ức, hẫng hụt, tức tối và có những phản ứng thái quá làm cho các mối quan hệ trong nhà ngày càng xấu đi. 

Tôn trọng trẻ và cha/mẹ ruột của trẻ chính là cách tạo cơ hội để trẻ có những cách ứng xử thân thiện, gần gũi hơn.

Cho trẻ cơ hội tự quyết

Nếu trẻ chưa chịu chia sẻ, cha, mẹ kế và bạn đời cần tôn trọng trẻ. Trong thời gian chờ trẻ đón nhận mình, bạn hãy yêu thương trẻ, thể hiện sự quan tâm một cách chân thành, trẻ sẽ cảm nhận được và đón nhận bạn. 

Cố gắng tìm hiểu để biết trẻ có năng khiếu, sở thích gì và cùng chia sẻ để tăng niềm tin của trẻ về bạn. 

Nên cân nhắc và bàn bạc kỹ khi thấy bạn đời đưa ra những hình phạt đối với trẻ. Vì trong suy nghĩ cảm tính của mình, trẻ sẽ cho rằng "tại cha/mẹ kế mà mình mới bị phạt". 

TH.S Tâm lý NGUYỄN VĂN CÔNG (ĐH Nguyễn Huệ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên