05/11/2017 06:00 GMT+7

Đi bộ trên sân bóng, sao khá được!?

 SĨ HUYÊN
SĨ HUYÊN

TT - Hình ảnh cầu thủ bị chuột rút, hụt hơi từ phút 70 trở đi ở V-League 2017 đã trở nên “quen mắt” với khán giả trên sân cũng như xem qua tivi. Trợ lý HLV trưởng đội tuyển VN Lee Young Gyl cũng nhận xét cầu thủ VN đi bộ nhiều ở trên sân...

Các cầu thủ bị chuột rút, hình ảnh quen thuộc của bóng đá VN. Ảnh: ANH HOÀNG

Trao đổi cùng Tuổi Trẻ, trưởng đại diện phía Nam của LĐBĐ VN (VFF) Dương Vũ Lâm, người từng nhiều năm làm trợ lý HLV ở đội tuyển quốc gia, kể: “Khi xem trận TP.HCM - Sài Gòn ở vòng 23 V-League, ông Lee Young Gyl - cựu tuyển thủ Hàn Quốc và hiện là trợ lý HLV trưởng đội tuyển VN - nhận xét tuy trận đấu có 4 bàn thắng nhưng nhịp độ khá chậm, tính đối kháng không cao. Cầu thủ đi bộ nhiều và hay đứng nhìn đồng đội thi đấu, ít chịu tham gia tấn công...”.

Theo ông Lâm, ở giai đoạn cuối của mùa bóng, phần lớn các CLB ở VN ít khi duy trì khối lượng vận động cao vì e ngại cầu thủ bị chấn thương. Điều này khiến nhiều cầu thủ thiếu sức bền thể lực dẫn đến bị chuột rút, hay hụt hơi trong những pha tranh chấp.

Hai hình ảnh tương phản

Tại V-League 2017, thống kê cho thấy FLC Thanh Hóa có không dưới 8 trận đấu có được kết quả từ hòa đến thắng từ phút 70 trở đi. Điều này đến từ việc HLV Petrovic có những bài tập thể lực hợp lý, duy trì đều đặn để giúp cầu thủ luôn giữ được sức bền thể lực nhằm gia tăng sức tấn công và ghi bàn vào cuối trận. Theo HLV Dương Minh Ninh (HAGL), thể lực cũng là một trong các yếu tố giúp FLC Thanh Hóa luôn nằm trong tốp đầu ở mùa này.

Trái ngược với FLC Thanh Hóa là HAGL. Dù đã có 3 năm thi đấu ở V-League và trong đội hình có khá đông tuyển thủ từ tuyển U-23 đến đội tuyển VN, nhưng HAGL vẫn mãi lẹt đẹt phía cuối bảng xếp hạng. Bình luận về điều này, ông Dương Vũ Lâm nói: “Tuy có kỹ thuật rất tốt nhưng do yếu về sức mạnh và thiếu về sức bền thể lực nên Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Anh, Văn Thanh... luôn thua thiệt trong các pha tranh chấp tay đôi. Nhược điểm ấy là do giáo án huấn luyện của Học viện HAGL Arsenal JMG không đặt nặng vấn đề tập chuyên sâu về sức mạnh, sức bền thể lực ở độ tuổi 15-17. Cựu HLV trưởng tuyển U-19 VN Graechen Guillaume từng thừa nhận điểm yếu này khi cùng với tôi tham dự các giải trẻ trong khu vực vài năm về trước...”.

Thấy được điều này, sau khi được giao quyền dẫn dắt HAGL, HLV Dương Minh Ninh đã gia tăng việc tập luyện thể lực đối với các cầu thủ HAGL. Và điều này giúp các cầu thủ trẻ HAGL thi đấu khá tốt trong trận hòa chủ nhà Quảng Nam 1-1 và thắng CLB Hà Nội 3-2 trong hai trận đấu vừa qua.

Thể lực yếu = nghèo chuyên môn

Nói về yếu tố thể lực của cầu thủ ở V-League 2017, chuyên gia Đoàn Minh Xương cho rằng: “Việc V-League 2017 bị gián đoạn quá nhiều và quá lâu đã gây ảnh hưởng lớn đến cầu thủ, kéo theo phong độ thất thường của nhiều CLB. Do đó, hình ảnh cầu thủ thay nhau bị chuột rút ở những trận đấu cuối mùa giải là điều dễ hiểu.

Tôi còn nhớ khi Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF) ra đời, vào dịp tổng kết, ông Takoshi - giám đốc điều hành V-League - có nêu chi tiết về: thời gian bóng trong cuộc, quãng đường di chuyển của cầu thủ trong từng trận đấu... Sau thời ông Takoshi, chúng tôi không còn thấy VFF hay VPF công bố những số liệu chuyên môn rất cần thiết như vậy.

Không có số liệu thống kê, không có nghiên cứu khoa học, HLV làm sao biết cầu thủ mình yếu, thiếu cái gì và như thế nào để khắc phục. Cái thua của bóng đá VN ở AFF Cup 2016 và SEA Games 29 có yếu tố quan trọng từ thể lực quá yếu. Cụ thể, đối thủ chỉ cần chơi phá sức trong 70 phút rồi sau đó bung sức quây ráp, dồn ép khiến các tuyển thủ VN hụt hơi, phơi bày khoảng trống dẫn đến bại trận. Vì vậy, nếu không có biện pháp chấn chỉnh hữu hiệu, bóng đá VN sẽ tiếp tục nghèo nàn về chuyên môn ở V-League, còn ở cấp độ đội tuyển chỉ “ăn hiếp” được những đội dưới cơ”.

Không CLB nào có HLV thể lực đúng nghĩa

Theo ông Xương: “Trong các lần tập trung của đội tuyển VN, trừ thời HLV Calisto, các HLV còn lại luôn đòi hỏi đội tuyển phải tập trung dài hạn để gia cố thể lực. Đây là chuyện không giống ai, bởi đội tuyển không phải là nơi để cầu thủ tập luyện tích lũy thể lực.

Đội tuyển là nơi để các tuyển thủ rèn giũa các miếng đánh cho thật nhuần nhuyễn, việc tập thể lực phải ở CLB. Thực tế trong 14 CLB chuyên nghiệp, gần như không đội nào có được HLV thể lực đúng nghĩa. Vì vậy, việc tập thể lực được “khoán” luôn cho HLV trưởng, trong khi đây là việc không thuận tay đối với họ”.

“Nếu không có biện pháp chấn chỉnh hữu hiệu, bóng đá VN sẽ tiếp tục nghèo nàn về chuyên môn ở V-League, còn ở cấp độ đội tuyển chỉ “ăn hiếp” được những đội dưới cơ

Chuyên gia ĐOÀN MINH XƯƠNG

 
SĨ HUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên