23/07/2019 10:11 GMT+7

ĐHQG TP.HCM đưa Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng vào hoạt động

N.BÌNH
N.BÌNH

TTO - Đại học Quốc gia TP.HCM vừa quyết định đưa vào hoạt động Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng (VNUHCM-IBT) nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh, phức tạp của công nghệ tài chính (Fintech).

ĐHQG TP.HCM đưa Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng vào hoạt động - Ảnh 1.

Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng sẽ ưu tiên thực hiện các nghiên cứu, đề xuất các chính sách cần thiết ở Việt Nam hiện nay về khung pháp lý cho các ứng dụng của Fintech - Ảnh: N.B

PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh, phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế - luật, kiêm giám đốc VNUHCM-IBT, cho biết sự phát triển của Fintech cũng đặt nhà hoạch định chính sách ở các nước đứng trước áp lực phải có khung pháp lý mới phù hợp để cân bằng giữa mục tiêu thúc đẩy đổi mới sáng tạo và đảm bảo sự ổn định của thị trường tài chính, giảm thiểu rủi ro và bảo vệ khách hàng.

Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng cần có những nghiên cứu để thích ứng với xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới. 

VNUHCM-IBT là đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ công lập có tư cách pháp nhân, được ĐHQG TP.HCM giao cho Trường đại học Kinh tế - luật trực tiếp quản lý hoạt động. Khi đi vào hoạt động, VNUHCM-IBT triển khai hoạt động nghiên cứu chính sách, phản biện và tư vấn chính sách, đào tạo về quản lý triển khai công nghệ trên thị trường tài chính Việt Nam. 

Trong giai đoạn trước mắt, VNUHCM-IBT sẽ ưu tiên thực hiện các nghiên cứu, đề xuất các chính sách cần thiết ở Việt Nam hiện nay như khung pháp lý cho các ứng dụng của Fintech gồm: tiền mật mã (Cryptocurrency), tiền điện tử trên thuê bao di động (Mobile money), ví điện tử (E-wallet), chuyển tiền ngang hàng (Peer-to-Peer transfer), cho vay ngang hàng (Peer-to-Peer lending), huy động vốn cộng đồng (Equity-based crowdfunding); chuyển đổi số của các NHTM Việt Nam; khung phân tích hệ sinh thái ngân hàng...

Mới đây, TP.HCM đã đưa ra bàn thảo lại kế hoạch xây dựng trung tâm tài chính, trong đó có thể phát triển theo trung tâm tài chính hàng hóa hoặc thị trường tài chính - công nghệ (Fintech).

Dịp này, Viện cũng vừa ra mắt sách Ngân hàng số: từ đổi mới đến cách mạng nhằm cung cấp toàn cảnh, cập nhật về sự phát triển của khu vực tài chính toàn cầu trong làn sóng cách mạng công nghệ và các thách thức cho mô hình ngân hàng truyền thống.

Ngân hàng số: từ đổi mới đến cách mạng được biên soạn hướng đến người đọc là các nhà hoạch định chính sách quản lý vĩ mô, lãnh đạo và nhân viên các tổ chức tài chính - ngân hàng, sinh viên và những người quan tâm đến cuộc cách mạng số trong lĩnh vực ngân hàng.


N.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên