09/03/2016 14:28 GMT+7

ĐH Hùng Vương TP.HCM: Vinh quang và vực thẳm

MINH GIẢNG
MINH GIẢNG

TTO - Những lùm xùm, mâu thuẫn nội bộ tại Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM đang đẩy trường này vào tình thế bị đình chỉ hoạt động.

Hai
Hai "phe" tranh chấp quyền kiểm soát cơ sở của trường tại đường Nguyễn Trọng Tuyển, quận Tân Bình năm 2013 -  Ảnh: Minh Giảng

Trường ĐH Hùng Vương được thành lập ngày 14-5-1995 theo quyết định số 470/TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Trường hoạt động theo mô hình trường dân lập. Đây là một trong hai trường ĐH dân lập đầu tiên được thành lập tại khu vực phía Nam (Trường ĐH Văn Lang được thành lập tháng 1-1995).

Sáng lập trường là những nhà khoa học, những nhà giáo có uy tín và đã từng kinh qua vị trí lãnh đạo ở nhiều đơn vị, trường ĐH khác. Trường có tôn chỉ hoạt động: khoa học - phát triển - đạo đức.

Rạn nứt

Sau khi thành lập và được phép đào tạo, Trường ĐH Hùng Vương đã phát triển và công tác tuyển sinh hàng năm cũng rất ổn định. Số lượng thí sinh nộp hồ sơ vào trường hàng năm ngày càng tăng. Đỉnh cao của trường là giai đoạn 2008 - 2010 khi điểm chuẩn nguyện vọng 2 của trường luôn cao hơn điểm sàn từ 1 đến 3 điểm.

Tuy nhiên, từ năm 2010 khi trường được phép chuyển đổi thành trường ĐH tư thục, mâu thuẫn nội bộ bắt đầu xuất hiện giữa những nhà đầu tư mới và tập thể sư phạm cũng như nhân viên, cán bộ quản lý của trường.

Một cán bộ của nhà trường cho hay nguyên nhân dẫn đến nhà trường bất ổn như hiện nay là việc chuyển đổi sang tư thục trái quy định, việc xác định vốn sở hữu tập thể không được tính đúng, tính đủ, chủ tịch HĐQT đã lấn sân rất sâu vào các hoạt động của nhà trường và quyền của hiệu trưởng….

Công an quận phải can thiệp. Ảnh: Minh Giảng
Công an quận phải can thiệp. Ảnh: Minh Giảng

Nội bộ của trường chia thành hai chiến tuyến: một bên là ông Lê Văn Lý, hiệu trưởng và bên kia là ông Đặng Thành Tâm, chủ tịch hội đồng quản trị.

Thời gian này, các đơn thư khiếu nại, tố cáo liên tục được gửi đến UBND TP.HCM. Tháng 8-2011 Thanh tra TP.HCM đã có quyết định thanh tra toàn diện Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM.

Kết luận thanh tra cho thấy trường có nhiều sai sót về tài chính, bổ nhiệm cán bộ. Ông Đặng Thành Tâm bị tạm đình chỉ chức vụ chủ tịch hội đồng quản trị, ông Lê Văn Lý bị tạm đình chỉ chức vụ hiệu trưởng. Từ thời điểm này, Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM không có hiệu trưởng, chỉ bổ nhiệm hiệu trưởng tạm quyền.

Sau nhiều năm chờ đợi, năm 2014, hơn 1000 sinh viên Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM đã được cấp bằng tốt nghiệp. Ảnh: Minh Giảng
Sau nhiều năm chờ đợi, năm 2014, hơn 1.000 sinh viên Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM đã được cấp bằng tốt nghiệp - Ảnh: Minh Giảng

Những mâu thuẫn nội bộ kéo dài đó gây nên tình trạng bất ổn nghiêm trọng tại trường. Ngày 6-3-2012 Bộ GD-ĐT có quyết định đình chỉ tuyển sinh năm 2012 đối với Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM. Quyết định đình chỉ tuyển sinh kéo dài đến nay do trường chưa khắc phục được những nguyên nhân dẫn đến bị đình chỉ.

Nguy cơ giải thể

Ngày 16-3-2015, hội đồng quản trị Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM gửi tờ trình đến UBND TP.HCM đề nghị công nhận hiệu trưởng của nhà trường đối với ông Bế Nhật Dục.

Tuy nhiên UBND TP.HCM không công nhận vì cuộc họp hội đồng quản trị chưa đủ tỉ lệ biểu quyết theo quy định. Từ những mâu thuẫn trên dẫn đến những cuộc họp hội đồng quản trị, đại hội cổ đông đều không có đủ tỷ lệ cần thiết để biểu quyết, thông qua nghị quyết.

Mâu thuẫn nhiều trường gặp phải

Một chuyên gia giáo dục cho rằng những mâu thuẫn của Trường ĐH Hùng Vương bắt nguồn từ việc chuyển đổi từ dân lập sang tư thục.

Việc xác định tài sản chung không phân chia (bao gồm công sức của các nhà sáng lập, đóng góp bằng trí tuệ…) chưa được xác định rõ ràng.

Đó là những giá trị vô hình, khó định lượng. Nhà đầu tư thường muốn định giá thấp trong khi những người đóng góp lại đòi hỏi mức xứng đáng hơn với công sức mình bỏ ra.

Tôi biết hiện nay cũng có trường chưa thể chuyển sang tư thục vì lý do này. Sự dùng dằng giữa các bên vận đang tiếp tục.

Tuy nhiên, đây vẫn là trường dân lập nên mâu thuẫn vẫn cứ âm ỉ. Trong khi đó trường Hùng Vương đã chuyển sang tư thục nên nó đã bùng phát. 

Ngày 28-3-2015, trường này có công văn gửi UBND TP.HCM đề nghị xem xét cho trường tuyển sinh năm 2015.

Tuy nhiên, sau khi kiểm tra các điều kiện theo quy định, ngày 2-6-2015 UBND TP.HCM đã có công văn trả lời, do trường chưa khắc phục các quy định của Bộ GD-ĐT về ngừng tuyển sinh và chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên... theo quy định nên UBND TP.HCM chưa xem xét tiếp, đề nghị Bộ GD-ĐT cấp chỉ tiêu cho trường tuyển sinh.

Bên cạnh đó, UBND TP.HCM cho rằng trường chỉ có hiệu trưởng tạm quyền, hội đồng quản trị không có khả năng triệu tập đủ 75% thành viên để bầu hiệu trưởng chính thức và đề nghị cơ quan thẩm quyền công nhận.

Tiếp đó, Bộ GD-ĐT đã có công văn “tối hậu thư” dành cho trường này, trong đó nêu rõ nếu đến ngày 31-8-2016 trường này vẫn chưa khắc phục xong nguyên nhân bị đình chỉ tuyển sinh, bộ sẽ đình chỉ hoạt động của trường.

Theo qui định, trường này sẽ bị giải thể nếu hết thời gian đình chỉ hoạt động mà vẫn chưa khắc phục xong các nguyên nhân bị đình chỉ.

Kêu gọi rồi lại chấm dứt hợp đồng

Trước nguy cơ này, giữa năm 2015 ông Đặng Thành Tâm đã có “tâm thư” gửi cán bộ, giảng viên kêu gọi đoàn kết, kêu gọi nhà đầu tư mới; đề xuất phương án hoạt động đào tạo...

Theo "tâm thư", hiện trường không còn nguồn thu, thời gian sắp tới trường hết sinh viên; cán bộ, giảng viên sẽ hầu như không còn việc làm, giảng viên không có giờ giảng nên các phòng, khoa cần đề xuất phương án đào tạo để tạo nguồn thu duy trì hoạt động.

Do thực tế khắc nghiệt này, hội đồng quản trị sẽ gửi đơn đăng ký để mỗi cán bộ, giảng viên tự nguyện quyết định tương lai của mình. Người ở lại sẽ chấp nhận rủi ro, thu nhập khiêm tốn, kể cả chia sẻ khó khăn với trường.

Thời gian này cũng có một số nhà đầu tư đã đến trường đặt vấn đề mua lại trường nhưng cuối cùng đều rút lui do cấn vấn đề liên quan đến pháp lý sở hữu cổ phần tại trường cũng như thẩm quyền mua bán trường.

Theo hội đồng quản trị Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM, tháng 7-2015 trường đã tuyển bổ sung giảng viên nên hiện đội ngũ giảng viên đáp ứng đủ yêu cầu của Bộ GD-ĐT.

Thế nhưng mới đây, ông Tâm lại ký đồng loạt 82 quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với cán bộ, nhân viên, giảng viên của trường.

Sinh viên khốn đốn

Mâu thuẫn nội bộ không chỉ làm mất uy tín, hình ảnh của trường, bị đình chỉ tuyển sinh mà kéo teo hệ lụy là hàng ngàn sinh viên đang theo học tại trường bị chậm tiến độ đào tạo, không thể thi và bảo vệ khóa luận tốt nghiệp. Không ít sinh viên bị chậm tiến độ 1, 2 năm.

Trước tình thế này, Bộ GD-ĐT phải ra quyết định chuyển sinh viên của trường này sang các trường ĐH khác tại TP.HCM để học và thi, bảo vệ khóa luận tốt nghiệp. Hơn nữa, do không có hiệu trưởng chính thức (chỉ có hiệu trưởng tạm quyền), Bộ GD-ĐT phải có thêm quyết định đồng ý để PGS.TS Nguyễn Mộng Giao, phó hiệu trưởng Trường ĐH Hùng Vương thay mặt hiệu trưởng nhà trường ký bằng tốt nghiệp cho sinh viên.

Trong các năm 2014 và 2015, hàng ngàn sinh viên của trường đã được cấp bằng tốt nghiệp. Tuy vậy, năm học này vẫn còn 9 sinh viên ngành xây dựng đang theo học tại trường.

MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên