08/08/2013 17:14 GMT+7

Dẹp bỏ mặc cảm thi rớt

NGUYỄN TRỌNG NHÂN
NGUYỄN TRỌNG NHÂN

AT - Đa số thí sinh thi rớt thường có bội số chung tâm lý là buồn bã, mặc cảm, bế tắc khi phải chịu rất nhiều áp lực từ bản thân, gia đình và xã hội. Có không ít trường hợp vì quá bế tắc nên đã làm những điều dại dột, thật đáng tiếc.

4XDompvH.jpgPhóng to
Hãy thông cảm hơn cho cha mẹ. Họ chỉ muốn tốt cho bạn mà thôi. Trong ảnh: Phụ huynh chờ con thi tại hội đồng thi Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM trong đợt thi đại học thứ nhất ngày 4-7-2013 - Ảnh: Hà Bình

Quả tình thi rớt là điều không thể lạc quan được. Nó chứng tỏ bạn đã gặp trục trặc ở một số khâu nào đó: kiến thức còn hạn chế, sự chuẩn bị chưa thật kỹ, cơ hội chưa mỉm cười với ta...

Đừng nản lòng

Bạn đừng quá bi quan trước kết quả thi còn chưa cao của mình. Thất bại đừng nản lòng, hãy quyết chí đứng lên, nỗ lực nhiều hơn nữa. Nhìn thất bại bằng con mắt tích cực thì đây chính là cơ hội tốt để chúng ta đánh giá đúng năng lực bản thân mình, từ đó sẽ tỉnh táo điều chỉnh kế hoạch học tập hoặc quyết tâm thực hiện tốt hơn mục tiêu đã đề ra.

Thông cảm hơn cho cha mẹ

Đối với áp lực từ gia đình, cha mẹ, người thân trong nhà, các bạn cần ôn hòa giải thích là mình đã cố hết sức rồi. Thật ra, cha mẹ, người thân của các bạn cũng vì muốn tốt cho các bạn nên đã vô tình gây thêm áp lực. Khách quan mà nói, cha mẹ của các bạn cũng là “nạn nhân” của áp lực, chịu áp lực từ xã hội. Các bạn cần nhận thức thấu đáo bản chất của vấn đề áp lực từ gia đình và những cội nguồn xâu xa của nó, từ đó các bạn sẽ thông cảm hơn cho cha mẹ, người thân của mình. Đây cũng là phương pháp để các bạn tự điều tiết tâm lý và thoát khỏi áp lực sau khi trải qua kỳ thi tuyển sinh đại học đầy gian nan, thử thách.

Bạn thân mến! Trong cuộc đời ai cũng có đôi lần, thậm chí nhiều lần nếm trải thất bại. Người có suy nghĩ tích cực thì xem thất bại như là bài học kinh nghiệm cho thành công: “Thất bại là mẹ đẻ của thành công”. Còn người có suy nghĩ tiêu cực thì xem thất bại như là dấu chấm hết. Vì vậy, trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, đặc biệt là trong học tập, thi cử, bạn hãy luôn luôn nuôi dưỡng suy nghĩ tích cực: không có gì là không thể! “Người thành công và kẻ thất bại chỉ khác nhau ở cách nghĩ”. (David J. Schwartz).

Chúng ta hãy học theo gương các tên tuổi nổi tiếng như: nhà phát minh lỗi lạc Thomas Edison; nhà sáng lập hãng xe Ford - Henry Ford; nhà sản xuất phim hoạt hình Walt Disney; tỉ phú xe máy Soichiro Honda; Steve Jobs - nhà sáng lập hãng Apple; nữ nhà văn, tỉ phú Rowling - tác giả bộ Harry Potter nổi tiếng... Trước khi thành công, họ đều là những người từng nếm trải biết bao cay đắng: tuổi thơ nghèo khó, phải tự học là chính, từng bị phá sản, bị sa thải, thất nghiệp... nhưng cuối cùng bằng ý chí, nghị lực phi thường, họ đã tạo dựng nên những sự nghiệp đáng kính.

Bạn không cô độc

Trên thực tế, không chỉ có học sinh Việt Nam mới chịu áp lực nặng nề trong thi cử mà học sinh ở các quốc gia khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... tình hình cũng tương tự như vậy. Một thí sinh đi thi phải “đội” trên đầu biết bao áp lực. Do chưa được trang bị những kỹ năng tâm lý cần thiết để tự mình có thể điều tiết và giải tỏa áp lực nên nhiều thí sinh đã rơi vào tình trạng khủng hoảng tâm lý nghiêm trọng là điều khó tránh khỏi. Vì vậy, bạn có kết quả chưa tốt trong lần thi tuyển sinh đại học vừa qua, cần phải biết cách chủ động dẹp bỏ mặc cảm và vượt thoát khỏi những áp lực tiêu cực.

Để có được một kết quả thi viên mãn cần hội tụ rất nhiều yếu tố, nhân tố. Thi cử không chỉ là một cách kiểm tra tri thức mà còn là dịp khảo nghiệm các phẩm chất tâm lý của thí sinh. Kết quả thi không chỉ phụ thuộc vào năng lực học tập của bạn mà còn phụ thuộc vào việc bạn có biết cách làm bài hay không nữa. Đó là sự thăng hoa của cả một quá trình tích lũy kiến thức, công phu rèn luyện, nỗ lực không ngừng. Vì vậy, bạn nào chưa làm tốt các khâu vừa nêu thì kết quả thi còn hạn chế là điều dễ hiểu. Cho nên, đứng trước kết quả thi, chúng ta cần dũng cảm nhìn thẳng vào thực tế hơn là tìm cách đổ thừa cho may rủi, vận số, rồi dẫn đến bế tắc, suy sụp. Bên cạnh đó, các bạn cần nhận ra một “chân lý” rất hiển nhiên: trong bất cứ kỳ thi nào cũng sẽ có người đậu, người rớt. Số người đậu thường rất ít, số người rớt thường khá nhiều.

Vì vậy, các bạn thi rớt hãy tin rằng: Bạn không cô độc! Chẳng lẽ trên đời này, ai thi rớt đều không sống được nữa hay sao!?

Thoát khỏi áp lực tiêu cực

Nói thì dễ nhưng thoát khỏi áp lực bằng cách nào? Trước hết các bạn cần loại bỏ áp lực do chính mình tạo ra. Kỳ thi đã qua, mọi thứ giờ nằm trên giấy trắng mực đen rồi, muốn thay đổi cũng không được. Vì vậy, không có lý do gì chúng ta tiếp tục tự hành hạ mình bằng những băn khoăn, ray rứt, tiếc nuối thái quá về những điều mình làm chưa được trong kỳ thi vừa qua. Các bạn cần thật sự bình tĩnh, nghỉ ngơi, giải trí hợp lý để phục hồi sức lực sau một thời gian dài tiêu hao cho việc “dùi mài kinh sử”. Có sức khỏe tốt và tinh thần minh mẫn, chúng ta mới có thể đề ra một kế hoạch học tập phù hợp và mục tiêu phấn đấu đúng đắn.

Có nhiều con đường để lập thân, lập nghiệp. Học đại học cũng là một con đường nhưng đó không phải là con đường duy nhất. Nếu cánh cửa đại học quá hẹp để các bạn có thể chen vào thì mình có thể chọn học hệ cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề... rồi sau đó liên thông lên đại học. Cũng có không ít bạn đang theo học cao đẳng hay trung cấp chuyên nghiệp nhưng vẫn “âm thầm” tự luyện thi, chờ ngày tiếp tục “lai kinh ứng thí”, bao giờ đậu đại học mới thôi. Thực tế có bạn thi mãi vẫn chưa đậu đại học. Trong khi bằng cao đẳng, trung cấp thì đã cầm trong tay lại tìm được việc làm phù hợp, thu nhập chấp nhận được mới thấy con đường mình đi là đúng đắn.

Tóm lại, sau khi thi rớt đại học bạn đừng quá bi quan mà phải thật bình tĩnh, sáng suốt nhìn lại thực lực của mình, từ đó xác định lại mục tiêu để tiếp tục phấn đấu. Các bạn nên căn cứ vào sở thích, năng lực bản thân, tình hình kinh tế gia đình mà lựa chọn loại hình đào tạo, ngành học nào đó sao cho phù hợp, tiết kiệm và thiết thực nhất. Trong bối cảnh thị trường lao động “thừa thầy thiếu thợ” và xu hướng sử dụng lao động đúng mục đích, có tính cạnh tranh cao như hiện nay, việc các bạn chọn một ngành, nghề nào đó để lập thân, lập nghiệp là điều cần phải hết sức đắn đo, cân nhắc...

“Bạn đừng bao giờ nghĩ vấp ngã của mình là thất bại chung cuộc, đừng bao giờ coi chúng tựa như dấu chấm hết, bởi thực tế cho thấy rằng khi bạn đấu tranh vượt lên khó khăn chính là lúc bạn đang trải nghiệm cuộc sống” (Nick Vujicic)

cN7OcSIg.jpgPhóng to

Áo Trắng số 13 ra ngày 01/08/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

NGUYỄN TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên