20/07/2010 01:56 GMT+7

Đeo tai nghe khi lái xe: Phân biệt đối xử với xe gắn máy

Luật sư NGUYỄN BẢO TRÂM
Luật sư NGUYỄN BẢO TRÂM

TT - Trong mục Góc tư vấn (Tuổi Trẻ ngày 25-6) có bài “Đeo tai nghe điện thoại khi lái xe có phạm luật?” của luật sư Nguyễn Bảo Trâm khẳng định theo nghị định 146/2007/NĐ-CP và nghị định 34/2010/NĐ-CP thì người đang lái xe gắn máy sử dụng điện thoại di động, tai nghe, thiết bị âm thanh là vi phạm hành chính, bị phạt cảnh cáo hoặc bị phạt tiền.

Sau đó, nhiều bạn đọc gửi thư tới chuyên mục nêu thắc mắc tại sao không thấy nghị định nói gì đến chuyện những người lái xe hơi sử dụng điện thoại di động, tai nghe, thiết bị âm thanh...? Vậy họ có bị phạt không?

Bạn đọc Cat Phuong hỏi: “Nếu trong xe hơi sử dụng thiết bị âm thanh (nghe nhạc trong xe), tài xế sử dụng tai nghe điện thoại hoặc mở điện thoại lớn lên để vừa chạy vừa nói chuyện... thì có được phép không? Và nếu cấm thì khi có điện thoại, người lái xe hơi phải làm thế nào mới được nghe, lỡ đang lưu thông trên đường cấm đậu cấm dừng thì phải làm sao?”.

Một bạn đọc không nêu tên nói nếu cùng hành vi sử dụng điện thoại di động, tai nghe, thiết bị âm thanh.. khi đang lái xe, mà chỉ xử phạt người lái xe gắn máy, không xử phạt người lái xe hơi là phân biệt đối xử.

Trang Pháp luật & cuộc sống xin giới thiệu tiếp ý kiến của luật sư Nguyễn Bảo Trâm về vấn đề trên.

- Theo nghị định số 34/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có hiệu lực từ ngày 20-5-2010, không có nội dung nào quy định người điều khiển ôtô khi đang lưu thông trên đường không được sử dụng điện thoại di động, thiết bị âm thanh và cũng không có quy định nếu sử dụng các phương tiện này thì là hành vi vi phạm hành chính, sẽ bị xử phạt.

Nghị định này chỉ có quy định người đang điều khiển môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự môtô, xe gắn máy không được sử dụng điện thoại di động, thiết bị âm thanh (trừ thiết bị trợ thính), nếu vi phạm sẽ bị phạt tiền 40.000-60.000 đồng; còn những người điều khiển xe đạp, xe đạp máy vi phạm sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc bị phạt tiền với mức tương tự. Do đó, khi điều khiển ôtô, người điều khiển sử dụng tai nghe điện thoại, các thiết bị âm thanh không bị xử lý vi phạm hành chính theo nghị định 34 nói trên.

Thực tiễn giao thông ở nước ta cho thấy lưu lượng ôtô, xe máy ngày càng nhiều, giao thông đan xen, hay lấn qua lấn lại phần đường của nhau cùng với những vi phạm giao thông khác do nguyên nhân chủ quan, khách quan. Theo tôi, việc các bác tài ôtô một tay cầm lái, một tay cầm điện thoại nói chuyện, “tám chuyện” hoặc dù hai tay ôm chặt vôlăng nhưng vẫn khó tập trung lái xe khi đang đeo tai nghe để “lắng nghe, thấu hiểu và đối thoại qua điện thoại với ai đó” là không an toàn. Pháp luật hiện hành không cấm hành vi đó là không hợp lý.

Mặt khác, đó còn là sự không công bằng, phân biệt đối xử giữa các “bác tài ôtô” với các “bác tài môtô, xe gắn máy, xe đạp, xe đạp máy”.

Đồng quan điểm này với tôi, một số cảnh sát giao thông cho biết sẽ kiến nghị sửa đổi pháp luật cho phù hợp và công bằng hơn.

Luật sư NGUYỄN BẢO TRÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên